Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 14:41

 

Mỗi khi nhìn lại hình hài khuyết tật của mình, nỗi ám ảnh sau tiếng nổ kinh hoàng của quả mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn khiến tôi đau nhói. Tìm mọi cách để quên đi mặc cảm, u sầu, tôi đã mày mò điêu khắc tượng đá, rồi sau đó tìm hiểu cách làm tranh gạo. Sự kiên trì, chịu khó học hỏi đã giúp tôi tạo nên nhiều tác phẩm tranh gạo đặc sắc để làm đẹp cho đời và lấy lại cảm hứng sống.

 

Trai tim 2

Những tác phẩm tranh gạo đồng quê, thư pháp, phong cảnh đều được anh Giang tạo nên bằng chính những hạt gạo của quê hương

 

Vượt qua nghịch cảnh

 

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm theo chúng bạn chơi thả diều, đánh đáo, bắn bi. Lớn lên trong hoàn cảnh khốn khó, nên ngay từ nhỏ, tôi đã biết đỡ đần bố mẹ việc gia đình. Tôi vẫn còn nhớ như in một buổi chiều định mệnh năm tôi học lớp 9, trong khi cùng đám trẻ trong làng đang chăn bò trên quả đồi gần thửa ruộng của gia đình, bỗng một quả mìn còn sót lại đã phát nổ. Tôi ngất lịm và không biết điều gì xảy đến với mình. Khi tỉnh dậy, tôi biết mình đã được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện, nhưng rồi do có quá nhiều mảnh bom găm vào da thịt nên tôi phải chuyển đến điều trị tại Bệnh viện tỉnh. Tôi may mắn không mất đi các bộ phận của cơ thể nhưng đổi lại là chằng chịt các vết sẹo. Được trở về nhà khi các vết thương lành hẳn, tôi được bố mẹ cho tiếp tục đi học để hoàn thành chương trình phổ thông.

 

Tôi mong lắm được theo học ngành hội họa nhưng những tháng cuối cấp III, các vết thương lại bắt đầu hành hạ, khiến sức khỏe của tôi yếu đi rất nhiều. Trải qua kỳ thi tốt nghiệp, cũng là lúc tôi phải làm bạn với chiếc giường bệnh. Những mảnh đạn nằm lại trên cơ thể khiến tôi không còn đủ sức chống chọi, tôi nằm liệt một chỗ, các khớp, cơ chân co cứng làm tôi gặp khó khăn trong đi lại. Cơ thể tôi khi ấy chỉ còn duy nhất đôi tay có thể cử động, nó giúp tôi vịn tường, cầm nạng mỗi khi cần di chuyển.

 

Những người bạn cùng lứa tuổi đôi mươi với tôi ngày ấy đã theo học các ngôi trường Đại học, Cao đẳng hay theo đuổi ngành nghề yêu thích, còn tôi đành phải gác lại mọi ước mơ. Tôi thực sự tuyệt vọng và từng nghĩ đến những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng với tình yêu thương vô bờ của bố mẹ, tôi luôn được vỗ về, động viên và dành tất cả những đồng tiền tiết kiệm để tôi được chạy chữa bệnh tình. Điều đó đã giúp tôi chiến thắng số phận và trở về với cuộc sống đời thường.

 

Đứng lên bằng đam mê hội họa

 

Sức khoẻ của tôi đã khá hơn rất nhiều sau bao năm ròng chữa trị, tôi đã đi được trên đôi chân của mình, mà không cần đến sự hỗ trợ của đôi nạng gỗ. Tôi lại có cơ hội thực hiện những dự định, ước mơ từng dang dở, với hy vọng trở thành người có ích và là chỗ dựa của bố mẹ khi tuổi già.

 

Ngay từ khi bắt đầu tập đi sau tai nạn bom mìn, tôi đã luôn nghĩ đến những bức tượng đá. Tôi chưa từng được học qua một khoá học nào về điêu khắc, cũng không có thầy giáo hướng dẫn nhưng trong suy nghĩ của tôi cứ nhen nhóm sở thích điêu khắc tượng. Được gia đình ủng hộ, tôi càng có thêm động lực đến với điêu khắc, tôi quyết định nhờ người thân lên núi lấy giúp những viên đá to để có thể thoả sức đục đẽo, mài dũa và thật bất ngờ, tôi đã mày mò, sáng tạo ra những bức tượng chân dung, con giống, phong cảnh… khá đẹp mắt với đường nét chạm trổ tinh xảo, khiến bố mẹ, bạn bè thực sự ngạc nhiên.

 

Trai tim 1

Với niềm đam mê nghệ thuật, anh Giang đã vượt qua khuyết tật để trở thành hoạ sĩ tranh gạo

 

Thoả sức với đam mê điêu khắc một thời gian, tôi đành phải bỏ dở vì bụi đá và sức nặng của các tảng đá làm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Không thể tiếp tục theo đuổi sở thích, tôi cố loay hoay kiếm tìm một công việc những mong tự lập cuộc sống. Trong một lần tình cờ đọc báo, tôi biết được có sự ra đời của loại tranh khá mới lạ, được làm từ hạt gạo. Thấy đây là một loại hình hội hoạ đặc sắc, độc đáo, tôi cố gắng lần tìm thông tin qua mạng internet để tìm lớp học. Biết tại Kon Tum có một Trung tâm dạy nghề có tổ chức lớp học làm tranh gạo, tôi quyết định xin bố mẹ tạo điều kiện cho đi học để thử sức. Nghe tôi nói, bố mẹ tôi lúc đầu còn băn khoăn bởi sức khoẻ tôi rất yếu, nếu đi học xa nhà sẽ vất vả, nhưng vì thấy tôi khao khát được học nghề, bởi thế bố mẹ đã chiều theo ước nguyện của tôi.

 

Tạm xa gia đình, xa những người thân, rời quê hương Quảng Bình, tôi tìm đến Kon Tum học nghề, với hy vọng nghề làm tranh gạo sẽ giúp tôi lấy lại cảm hứng cho cuộc sống. Lý do ấy đã thôi thúc tôi cố gắng, chuyên tâm học nghề, trau dồi kỹ năng. Tôi thực sự xúc động khi được các thầy cô và các bạn học viên cùng khoá chia sẻ, động viên, giúp tôi rất nhiều trong suốt quá trình học. Nhờ thế mà tôi có thêm động lực phấn đấu trở thành học viên xuất sắc nhất khoá học.

 

Trở về quê nhà sau khi khoá học kết thúc, tôi quyết tâm bắt tay làm nghề tranh gạo, mặc dù tôi biết nghề này đòi hỏi phải rất cẩn thận, kỳ công, tốn nhiều thời gian và chưa phổ biến trên thị trường. Nhưng sự ra đời của một vài tác phẩm đầu tay càng cuốn hút tôi say mê với nghề, hứa hẹn sẽ sáng tạo nhiều bức tranh gạo mang tính nghệ thuật cao.

 

Thời gian trôi qua, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm làm nghề như chọn khung tranh, vẽ mẫu trên giấy, gỗ hay cách tạo ra màu gạo phù hợp với từng tác phẩm… Tất cả những nỗ lực, chuyên tâm với nghề đã đem lại cho tôi thành quả bất ngờ, bởi những bức tranh gạo tuy mộc mạc nhưng được nhiều khách hàng tìm đến mua và đặt hàng.

 

Từ năm 2013, khi những bức tranh gạo của tôi - một hoạ sĩ khuyết tật có mặt trên thị trường, đã giúp tôi có nguồn thu nhập cho bản thân. Hầu hết những bức tranh đơn giản, được làm từ 2 - 3 ngày có giá khoảng 200 nghìn đồng, còn với những bức tranh đòi hỏi sự tỉ mẩn, kỹ thuật có giá từ 800 - 1,2 triệu đồng. Để thu hút thêm khách hàng và quảng bá sản phẩm, tôi đã cố gắng tìm kiếm, thoả thuận hợp đồng với các cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng sách, siêu thị, khách sạn để bày bán sản phẩm. Tôi hy vọng, công việc gặp nhiều thuận lợi, để tôi có thêm kinh phí thành lập Trung tâm dạy nghề làm tranh gạo cho người đồng cảnh, giúp họ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.  

 


 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi

TIÊU ĐIỂM

Nghệ sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42
Sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã trút hơi...
Bớt hội họp để tập trung chống xâm nhập mặn
Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp giảm hội họp, huy động cả hệ thống chính trị để phòng,...
Sở Y tế Đắk Lắk xin lỗi nữ sinh bị cưa chân
Chiều 17/3, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp nữ sinh Lê Thị...