Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 15:51

Chị Vũ Thị Lan sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, lên 8 tuổi đã phải xa nhà đi học tập tại Hà Nội suốt 13 năm, rồi cuối cùng lại chọn miền đất xa xôi cách quê nhà hàng ngàn km để lập nghiệp. Những gian nan, vất vả đó cũng chỉ nhằm hướng đến một mục đích duy nhất: vượt lên chính mình, sống tự lập và hạnh phúc.

Gian nan vượt lên chính mình

Chị Vũ Thị Lan sinh ra và lớn lên tại xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Khi sinh ra chị cũng là một đứa trẻ bình thường, bụ bẫm, khỏe mạnh. Nhưng khi được gần 1 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt khiến đôi chân của chị không thể đi lại được. Cuộc đời chị gắn liền với chiếc xe lăn cùng đôi nạng từ đấy. Thời điểm đó, tại địa phương chưa có trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật, nỗi mặc cảm về đôi chân khiếm khuyết khiến chị không dám theo học trường hòa nhập cùng các bạn. Vì vậy, năm Lan lên 8 tuổi, bố mẹ đã xin cho chị vào học tại Trung tâm trẻ khuyết tật xã Thụy An huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Chi Vu Thi Lan

Một đứa trẻ mới 8 tuổi đã phải rời xa vòng tay yêu thương của gia đình đến nơi đất khách quê người cốt chỉ mong học được cái chữ, cái nghề để sau này có thể tự thân lập nghiệp. Tại môi trường chuyên biệt, sống giữa những người đồng cảnh, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau nỗ lực, cố gắng, chị Lan cũng dần vơi đi nỗi nhớ nhà và sống cởi mở hơn. ở trung tâm, chị Lan được học văn hóa, được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và học nghề may, nghề dệt. Nhờ sự cần mẫn học tập, rèn luyện, chị đã tốt nghiệp lớp 12 tại đây.

Kết thúc chương trình học phổ thông, chị Lan trở về địa phương nhưng trong thời gian này chị không thể hòa nhập được với cộng đồng. Chị chia sẻ “Tôi sinh sống và học tập trong môi trường chuyên biệt từ nhỏ, nơi mọi người đều đồng cảm và chia sẻ với khiếm khuyết của mình. Nên khi về nhà sau 13 năm, môi trường gần như hoàn toàn mới, đi đâu người ta cũng nhìn ngó, xì xào, nỗi mặc cảm lại càng khiến tôi thu mình lại, không dám đi đâu, gặp ai”. Gần 3 năm sống “ẩn dật” tại nhà, được sự khích lệ từ gia đình, chị Lan quyết định đi học lại và đăng ký theo học một trường Trung cấp nghề tại Đồ Sơn (Hải Phòng) chuyên ngành Kế toán. Sau 2 năm học với bao khó khăn, cuối cùng chị cũng vượt qua.

chan dung hanh ttinh 1

Ngày ra trường, cầm tấm bằng trong tay, chị Lan tràn trề hy vọng sẽ xin được việc làm, dần ổn định được cuộc sống. Nhưng bao giấc mơ, hy vọng đã đóng sập trước mắt. Không nơi nào chấp nhận lá đơn xin việc của chị nỗi bận tâm của họ không phải là năng lực của chị mà là đôi chân không lành lặn, là những bất tiện mà chị đang gặp phải vì khiếm khuyết của mình.

Không xin được việc, chị Lan ở nhà mở cửa hàng buôn bán nhỏ phụ giúp gia đình. Cuộc sống mưu sinh giúp chị vơi bớt đi nỗi mặc cảm và cũng tạo cơ hội cho chị gặp được một nửa của đời mình. Anh quê ở Bình Phước, trong một lần ra Hải Phòng thăm bạn, hai người đã gặp và phải lòng nhau. Vượt qua khoảng cách về địa lý, bằng sự đồng cảm, tình yêu dành cho nhau, anh chị đã quyết tâm cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc sau 1 năm tìm hiểu, yêu đương. Nhưng vì công việc nên sau đám cưới không lâu, anh lại phải vào Nam. Chị ở lại với bố mẹ đẻ rồi sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh. Khi con được 18 tháng tuổi, chị Lan quyết định gửi con lại nhờ ông bà ngoại chăm sóc, một mình khăn gói vào Nam để kiếm kế sinh nhai, mong đến ngày khá giả, đón con vào sum vầy cùng bố mẹ. Chị chia sẻ “Lúc đấy cũng day dứt lắm vì con thì vẫn còn nhỏ. Nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn quá, hai vợ chồng lại mỗi đứa một nơi nên đành dứt áo ra đi. Chỉ mong sao ông trời rủ lòng thương để gia đình sớm được sum vầy”.

Nỗ lực để lập nghiệp

Khi vào tới Bình Dương, với bao sự lạ lẫm, khó khăn… chị Lan đi gõ cửa khắp nơi để tìm một công việc phù hợp. Sau một tháng không có kết quả, chị đành đi bán vé số. “Mỗi ngày tôi phải đi vài chục cây số để rao bán nhưng cũng chỉ bán được có vài chục tờ, có hôm bệnh không bán được hết số vé đã nhận mà cũng không trả lại được cho đại lý, tôi phải ôm số vé đó. Nhưng cả tập vé mà chẳng trúng được giải nào dù là nhỏ nhất. Có lúc còn bị lừa đổi số trúng giả, bị lấy trộm vé số… khiến quãng thời gian đầu thật sự gian nan. Tinh thần tôi như suy sụp. Nhưng rồi lại nghĩ, ông trời đang cố tình thử thách mình thôi, chỉ cần mình cố gắng thêm một chút, một chút nữa, chắc chắn rồi mình sẽ vượt qua được. Vậy là lại tiếp tục”.

Cho đến một ngày, may mắn đã mỉm cười với chị Lan khi chị gặp được cô Trần Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Lan, cô Bình đã xin cho chị vào học ở Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương. Đúng dịp này lại có chuyên gia người Hàn Quốc đến Trung tâm dạy làm dụng cụ y tế Stent (ống nong động mạch). Với sự nhanh nhạy và chịu khó học hỏi, sau gần 2 năm, chị Lan đã học xong và làm được sản phẩm hoàn thiện. Chị sẽ không bao giờ quên được chị đã vui và hạnh phúc như thế nào khi nhận được tháng lương đầu tiên. …Rồi những tháng tiếp theo, với sự nỗ lực và say mê, chị miệt mài ngày đêm. Tiền lương của chị cũng dần được tăng lên. Có lúc đỉnh điểm, chị nhận mức lương 15 triệu đồng/tháng. “Để có số tiền lương đó, tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Mỗi ngày tôi chỉ dám ngủ và nghỉ lưng có 2-3 tiếng”, chị Lan chia sẻ.

Qua những ngày đi bán vé số, chị Lan đã hiểu rằng, đối với người khuyết tật, để tìm được việc thật không dễ dàng gì. Vì vậy, có được công việc ở Trung tâm đối với chị là hết sức may mắn. Những ngày đi làm ở Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương là những ngày vui và hạnh phúc đối với chị. Ngoài những ngày làm việc, mọi người ở đây còn được tham gia văn nghệ, hội thao cho người khuyết tật… Cùng với những người đồng cảnh khác, chị Lan cũng hết sức cố gắng, đóng góp vào thành tích chung của Trung tâm.

chan dung hanh ttinh

Một sản phẩm do chị Lan làm ra

 

Đến nay, công việc đã đi vào ổn định, thu nhập của chị tuy không còn trong thời kỳ “thăng hoa” nhưng cũng đủ để cho hai vợ chồng chị trang trải cuộc sống và gửi về nuôi con trai ăn học. Niềm hạnh phúc to lớn đối với chị là những ngày tháng cố gắng, anh chị đã dành dụm cùng với vay mượn thêm bạn bè, họ hàng để mua được một mảnh đất, xây một căn nhà nhỏ. Con trai nhỏ của chị giờ đây đã học lớp 3. Cháu cao lớn, khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi và luôn biết yêu thương chia sẻ với bố mẹ, với những người thiệt thòi xung quanh. Cuộc sống gia đình đã tương đối ổn định, chị Lan dự định cuối năm nay sẽ đón con vào cho cháu tiếp tục học tập tại Bình Dương.

Có được những thành quả như ngày hôm nay, chị Lan luôn biết ơn sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương và Trung tâm dạy nghề người khuyết tật đã luôn tạo điều kiện chăm lo đến những người khuyết tật như chị. “Tôi mong muốn những người khuyết tật như tôi sẽ được xã hội và cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa để ai cũng có một công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Ai cũng có thể khẳng định được năng lực của bản thân và vươn lên tự lập trong cuộc sống. Có câu nói “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả thế giới này lên”. Vâng, hãy cho chúng tôi một điểm tựa, một bờ vai, chúng tôi những người khuyết tật hứa sẽ nỗ lực phấn đấu để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, chị Lan tin tưởng.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Vũ Thị Lan , chân dung , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi