Luôn nỗ lực gạt bỏ mặc cảm, tự ti về đôi chân khuyết tật, cô gái Trần Thụy Thúy Vi (quận 4 - thành phố Hồ Chí Minh) đã vượt khó học tập, lao động và trở thành một “nghệ nhân” có đôi tay tài hoa sáng tác tranh bằng giấy. Không chỉ có một nghị lực phi thường vượt lên số phận, Thúy Vi còn thành lập cơ sở truyền nghề và tạo việc làm cho người đồng cảnh.
“Đứng lên” bằng đôi chân khuyết
Thúy Vi sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em, ngày ấy, ba mẹ cô bé như được nhân đôi hạnh phúc bởi có 2 cô con gái sinh đôi kháu khỉnh, đáng yêu và giống nhau như hai giọt nước. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhưng Thúy Vi và các chị em của mình được lớn lên trong tình thương yêu vô bờ của ba mẹ. Mới tròn 1 tuổi, Thúy Vi và chị gái song sinh đã biết bi bô tập nói, chạy lon ton khắp nhà. Những tháng ngày tuổi thơ êm đềm trôi, cho đến khi Thúy Vi lên 3 tuổi, cơn sốt cao đã khiến cô bé thơ ngây, hồn nhiên trở nên ít nói từ khi bên chân phải bị bại liệt.
Thuý Vi và học viên chuẩn bị nguyên liệu trước khi lắp ráp tranh giấy
Trước tình cảnh bệnh tật của con gái, ba mẹ Thúy Vi lo lắng, lúng túng không biết phải xoay sở bằng cách nào để chạy chữa bệnh tình. Không còn cách lựa chọn nào khác, ba mẹ Thúy Vi đành gửi con gái vào Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh).
9 năm phải sống xa gia đình, thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của người thân để ở lại Trung tâm chữa trị, phục hồi bên chân teo liệt, khoảng thời gian khá dài ấy đã hun đúc cho cô gái khuyết tật thêm nghị lực, sự mạnh mẽ để đương đầu với số phận và sớm biết cách sống tự lập, tự tin trước những bão giông của cuộc đời.
12 tuổi, Thúy Vi trở về sống dưới mái nhà ấm áp, thân thương ngày nào. Dù cho gia đình còn bao khó khăn bộn bề nhưng Thúy Vi luôn được ba mẹ bù đắp thiệt thòi, tạo điều kiện tốt nhất để cô con gái khuyết tật có thể tiếp tục tới trường như chúng bạn. Cơ thể không lành lặn, dáng đi xiêu vẹo nhưng Thúy Vi luôn nỗ lực học tập để trở thành học trò xuất sắc của trường, lớp, suốt 12 năm học Thúy Vi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bởi hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, Thúy Vi không có điều kiện thực hiện ước mơ đặt chân tới giảng đường Đại học, thế nhưng không chịu chấp nhận sống dựa vào người thân, Thúy Vi đã quyết định xin đi làm công nhân tại Khu công nghiệp chế xuất Tân Thuận để tự lập cuộc sống và phụ giúp ba mẹ.
Hơn 4 năm đi làm, Thúy Vi tích cóp được khoản tiền nhỏ. Cô gái khuyết tật quyết định dành số tiền đó đi học lớp Trung cấp Đồ họa vi tính tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian học vào các buổi tối nên Thúy Vi vẫn có thể vừa đi làm, vừa đi học. Thúy Vi mong lắm sớm có một tấm bằng, một công việc ổn định phù hợp với sức khỏe. Và điều ước đã đến với cô gái khuyết tật đầy nghị lực khi được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật thiết kế tranh hoạt hình tại một Công ty quảng cáo sau khi tốt nghiệp lớp học nghề loại khá.
Có công việc ổn định nhưng khát khao có được tấm bằng Đại học trỗi dậy trong tâm thức của cô gái khuyết tật. Không chần chừ, đắn đo, Thúy Vi tranh thủ mọi thời gian rảnh ôn tập lại kiến thức, cho đến năm 2008, Thúy Vi đã thi đỗ khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng khi đã bước sang tuổi 30.
Say mê tranh giấy và truyền nghề cho người đồng cảnh
Tạm gác lại công việc, bước vào giảng đường Đại học, Thúy Vi được bè bạn biết đến là một sinh viên khuyết tật nổi bật toàn khóa với 4 năm liền đều đạt được học lực xuất sắc và năm học nào cũng đạt học bổng sinh viên khuyết tật nghèo vượt khó học giỏi.
Thúy Vi từng chia sẻ về niềm say mê với nghệ thuật làm tranh bằng giấy xoắn từ khi còn là sinh viên Đại học. Thuý Vi kể rằng, lần đầu tiên cô được biết đến loại hình tranh bằng giấy trong một lần thầy giáo Chủ nhiệm đem đến trường bức tranh ghép bằng giấy xoắn nhân kỷ niệm ngày thành lập trường. Sau ngày kỷ niệm, thầy Chủ nhiệm đã yêu cầu Thúy Vi cùng các sinh viên trong lớp tham khảo và hãy thử sức tạo ra một tác phẩm tranh giấy để mang đi tham dự triển lãm. Nhìn bức tranh giấy của thầy Chủ nhiệm, từ những đường nét sinh động, màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế khiến Thúy Vi cảm nhận như có một sức hút đến lạ kỳ và trỗi dậy niềm đam mê tranh giấy trong suy nghĩ của cô sinh viên khuyết tật. Được phân công làm nhóm trưởng, phụ trách chính trong các công đoạn sáng tác tranh giấy, cùng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của một sinh viên mỹ thuật về cách chọn giấy, công đoạn dán tranh, phối màu, bên cạnh đó là sự nhạy bén, thông minh, Thúy Vi đã góp sức rất lớn cùng các bạn để thầy giáo kịp mang bức tranh tham dự triển lãm. Cả lớp ai cũng vui, bất ngờ khi bức tranh đầu tay của lớp đã được ban giám khảo đánh giá cao và trao giải Khuyến khích.
Cô chủ khuyết tật tận tình hướng dẫn cách tạo hình, lắp ghép các sợi giấy xoắn trên bản vẽ
Sau thành công đó, Thuý Vi càng có hứng khởi đến với môn nghệ thuật còn khá mới mẻ này. Để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm với tranh xoắn giấy, ngoài thời gian dành cho học tập, cô sinh viên khuyết tật tranh thủ học hỏi, nâng cao tay nghề từ các sinh viên khoá trước và tìm hiểu trên mạng Internet để hiểu rõ hơn về cách chọn giấy, cắt sợi..., tìm ra cho mình cách tạo hình, phối màu, khảm dán tranh lạ mắt, cuốn hút theo phong cách riêng. Và năm 2014, Thuý Vi đã quyết định thành lập cơ sở tranh xoắn giấy với tên gọi Alice Quilling từ số tiền thưởng 10 triệu đồng sau khi cô gái khuyết tật đạt giải Nhất cuộc thi “Tết trong mắt tôi”.
Thuý Vi bộc bạch: “Những chia sẻ về khuyết tật và giấc mơ trong sáng của tôi với tranh xoắn giấy đã mang tới cho tôi cơ hội giành giải Nhất cuộc thi Tết trong mắt tôi. Cũng nhờ có số tiền thưởng ấy, tôi có thể khởi nghiệp và thực hiện ước mơ dạy nghề, tạo việc làm cho những người đồng cảnh”.
Bức tranh Mùa gặt do các học viên khuyết tật của Cơ sở tranh giấy Alice Quilling làm nên
Thuý Vi mạnh dạn mượn căn phòng chưa đầy 20m2 của bà nội để thành lập cơ sở sản xuất tranh giấy và trưng bày sản phẩm. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, cô gái khuyết tật luôn có người chị gái song sinh đồng hành. Ngoài làm tranh xoắn giấy, hai chị em Thúy Vi nhận vẽ tranh lên áo, gối để có thêm thu nhập. Mặc dù chị gái của Thuý Vi đã bị hỏng một bên mắt trái nhưng có đôi tay khéo léo, cẩn thận và hỗ trợ Thuý Vi rất nhiều trong công việc.
Thuý Vi xúc động kể về bức tranh xoắn giấy đầu tiên của cơ sở có chủ đề Cô gái gánh gạo đã được một vị khách mua với giá 350 nghìn đồng, số tiền ấy tuy nhỏ nhưng trở thành động lực để Thúy Vi và chị gái nỗ lực phát triển cơ sở tranh xoắn giấy. Sau 2 năm gây dựng cơ sở ổn định, tạo uy tín với khách hàng, cô gái khuyết tật đã thực hiện ước mơ dạy nghề miễn phí cho người đồng cảnh. Từ 2 - 3 học viên ban đầu, dần dần số lượng người tìm đến cơ sở xin học nghề đã tăng lên hàng chục và hiện nay là con số gần một trăm học viên đã được đào tạo nghề tranh xoắn giấy. Không chỉ được học nghề miễn phí, cô chủ khuyết tật còn tạo điều kiện về chỗ ăn, ở cho học viên. Chỉ sau 2 tháng học nghề, học viên đã có thể làm nghề, tự hoàn thiện một bức tranh. Những học viên có tay nghề khá đều có thu nhập ổn định từ 1,5 - 3 triệu đồng tuỳ thuộc vào khả năng.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm tranh giấy của cơ sở, ngoài nhận các đơn đặt hàng của khách, Thuý Vi còn giới thiệu tranh, thiệp trên mạng xã hội facebook, tại các khu vui chơi giải trí, công viên... để thu hút thêm khách hàng. Một mặt Thuý Vi dành khá nhiều thời gian để tìm mua các loại khung, giấy, keo dán loại tốt, đầu tư trí tuệ để thiết kế các mẫu tranh lạ, bắt mắt, làm nền cho những bức tranh giấy, cũng như khuyến khích học viên đưa ra ý tưởng mới, độc, lạ.
Với cách làm này, cơ sở sản xuất tranh giấy của Thuý Vi được nhiều khách hàng tìm đến, các học viên cũng tới học nghề ngày một đông hơn. Điều mà cô chủ khuyết tật cơ sở tranh giấy Alice Quilling cảm thấy vui và có thêm cảm hứng làm việc, đó là hàng trăm học viên được dạy nghề làm tranh giấy miễn phí không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà học viên còn tìm đến từ các tỉnh, thành khác như Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Khánh Hoà..., đặc biệt lượng khách hàng cũng ngày càng phong phú, từ các em học sinh, sinh viên đến các công ty, doanh nghiệp lớn, nhỏ đặt hàng.
Thuý Vi mong mỏi, cơ sở sẽ ngày càng phát triển, có thêm điều kiện mở rộng xưởng sản xuất để có thể dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều học viên mới ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, giúp người đồng cảnh có cơ hội học nghề, làm việc, tự lập cuộc sống và tự tin hoà nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Niềm vui từ những yêu thương - 22/12/2016 03:47
- Khâm phục cô gái khiếm thị Việt Nam là sinh viên ưu tú ở Mỹ - 19/12/2016 03:37
- Người bệnh não mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo - 06/12/2016 03:53
- Cơ ngơi khó tin của người đàn ông khuyết tật - 05/12/2016 03:05
- Nữ vận động viên khuyết tật và hành trình chinh phục Huy chương thế giới - 02/12/2016 04:07
Các tin khác
- Chàng trai khuyết tật không đầu hàng số phận - 14/10/2016 06:42
- Nam sinh lớp 8 'hô biến'... ống nhựa thành đôi tay vẽ ước mơ - 11/10/2016 03:25
- Hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người đồng cảnh - 05/10/2016 07:30
- Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ khuyết tật - 16/09/2016 08:51
- Hãy luôn mỉm cười - 16/09/2016 04:07