Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 14:30

Tôi chào đời với một cơ thể lành lặn, mạnh khoẻ khiến bố mẹ và những người thân trong gia đình vô cùng mãn nguyện và hạnh phúc. Vừa tròn 1 tuổi, tôi đã chập chững những bước đi đầu tiên và sớm biết nói bi bô, gọi bà, gọi mẹ. Nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi của tuổi thơ tôi chỉ vỏn vẹn 2 năm đầu đời, sau một cơn sốt cao, chân trái tôi bị liệt và từ đó, những năm tháng vượt khó để có thể tự đứng vững trong cuộc đời của tôi bắt đầu.

Vượt khó trên đôi chân khuyết tật

Tôi chẳng nhớ hết những khó khăn do di chứng khuyết tật mà mình đã sớm phải trải qua. Đó là những ngày miệt mài bố mẹ đưa đi chạy chữa, là những bài tập vận động đau đớn, những bước chân xiêu vẹo. Đó còn là việc học cách chấp nhận khiếm khuyết của mình cũng như vượt qua được nỗi mặc cảm, sự tự ti khi bị bạn bè trêu ghẹo.

Học hết trung học phổ thông, trong khi bạn bè nô nức chuẩn bị hồ sơ dự thi đại học thì tôi lại quyết định đi học nghề may tại trường Kỹ Nghệ I của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, rồi tiếp tục tham gia khóa học Sư phạm nghề tại Trường Cao đẳng Dạy nghề của tỉnh.

Trai timq 1

Anh Chính trong dịp ra Hà Nội dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V (người bên trái)

Có được chút ít kinh nghiệm về nghề may, tôi mạnh dạn xin bố mẹ cho tôi được mở cửa hàng may tại nhà. Thế nhưng, lượng khách hàng đến may đo không nhiều vì hàng may sẵn phong phú, giá thành hạ nên cửa hàng của tôi hầu như không có khách. Tôi đã suy nghĩ và quyết định chuyển sang mô hình dạy nghề may công nghiệp cho mọi người, đặc biệt là người khuyết tật, giúp họ có nghề và tay nghề phải đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Bởi vậy, tháng 4 năm 2003, được sự giúp đỡ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, tôi đã thành lập Trung tâm dạy nghề phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật thành phố.

Những ngày đầu thành lập, Trung tâm chỉ có 5 chiếc máy khâu trong khi học viên đăng ký khá đông, vì vậy tôi phải chia thành nhiều ca, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tôi cũng mạnh dạn bàn bạc với gia đình vay tiền ngân hàng để đầu tư mở rộng trung tâm. Được gia đình, người thân ủng hộ, tôi đã mượn thêm kinh phí mua 20 máy may công nghiệp, phục vụ cho công việc dạy nghề. Với những học viên khuyết tật, tôi đều giảm 50% học phí, giúp họ vơi bớt khó khăn, có thêm tự tin, vững tâm học nghề. Không chỉ dạy nghề, tôi còn hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học viên. Nhiều người sau khi học nghề đã may mắn được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, có thu nhập ổn định hàng tháng từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Trai tima 2

Trong vai trò là Chủ tịch Hội NKT tỉnh Ninh Bình, anh Chính đã tham dự rất nhiều các cuộc hội thảo, toạ đàm để đóng góp tiếng nói cho người đồng cảnh trong tỉnh (người ngoài cùng bên phải)

Từ đó đến nay, các lớp dạy nghề vẫn được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm, bình quân từ 8 - 10 lớp/năm, với khoảng 30 - 35 học viên, trong đó học viên khuyết tật chiếm 30%.

Hăng say hoạt động xã hội

Song song với việc tổ chức dạy nghề của Trung tâm, tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện như vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xe lăn, xe lắc tay, nẹp, nạng và các dụng cụ chỉnh hình giúp người khuyết tật có thể thuận tiện hơn trong cuộc sống, lao động. Ngoài ra, tôi trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân chia sẻ khó khăn, tặng quà cho đối tượng nhân dịp lễ, Tết, tổ chức cho người đồng cảnh tham quan học tập kinh nghiệm, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, thành lập đội văn nghệ Ước mơ xanh và hiện Trung tâm dạy nghề của tôi đang nhận nuôi dưỡng 7 thành viên của đội văn nghệ, tạo điều kiện cho các em tập luyện để tham gia các cuộc giao lưu, giúp các em vơi đi mặc cảm, vươn lên trở thành người có ích.

Trai tiam 3

Anh Chính động viên, tặng quà cho người đồng cảnh

Năm 2007, hòa chung với các hoạt động chăm sóc người khuyết tật, tôi đã làm hồ sơ và xin phép thành lập Ban vận động Hội người khuyết tật. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan đã đồng ý cho tôi thành lập Hội và tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ Nhất vào tháng 11/2007. Tôi vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức Chủ tịch Hội. Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhận vai trò là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh…

Trên cương vị là Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh, tôi luôn cố gắng hoàn thành các kế hoạch, vận động đối tượng tham gia sinh hoạt với Hội, đẩy mạnh phong trào hoạt động và hỗ trợ đối tượng bằng các hình thức như xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, vận động các tổ chức, cá nhân tặng xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, khám và tư vấn điều trị phục hồi chức năng, hỗ trợ đột xuất cho các gia đình khó khăn.

Đi đối với công tác hỗ trợ người khuyết tật, tôi đẩy mạnh chương trình dạy nghề, tạo việc làm, vận động chính sách, tham gia xây dựng chính sách đối với người khuyết tật, đồng thời vận động thành lập tổ chức Hội cấp huyện. Hai năm vừa qua, với sự hỗ trợ của tổ chức CRS Việt Nam, tôi đã vận động thành lập được 3 tổ chức Hội cấp huyện và 2 Chi hội, nâng tổng số tổ chức Hội cấp huyện lên 5/8 huyện, với sự tham gia của gần 2000 hội viên…

Bằng sự nỗ lực của bản thân, tôi vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các tổ chức xã hội tặng Bằng khen, giấy khen trong nhiều năm qua. Năm 2010, tôi được thay mặt cho đại diện người khuyết tật tỉnh dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và phần thưởng, món quà lớn lao hơn tất cả đến với tôi, đó là vào dịp tháng 4 năm nay, tôi được chọn là đại diện người khuyết tật tiêu biểu tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, tại Hà Nội.

Với sự tin yêu, quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức xã hội dành cho tôi cũng như những người đồng cảnh, với trách nhiệm của một cán bộ ngành công tác xã hội, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đồng cảnh. Tôi cũng rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho người khuyết tật và thực hiện các chính sách đối với người yếu thế nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi