Từ cô bé có đôi chân lành lặn, một đứa trẻ bụ bẫm, kháu khỉnh và mạnh khỏe, bỗng chốc sau trận sốt bại liệt, tôi gặp khó khăn trong đi lại và phải làm bạn với chiếc xe lăn ở tuổi lên 3. Mỗi ngày trôi qua cùng bệnh tật, tôi trở nên nhút nhát, ít nói, ít cười và rất sợ gặp gỡ mọi người, muốn xa lánh đám đông.
Quyết không gục ngã
Để giúp tôi chấp nhận sự thật nghiệt ngã, ba mẹ đã luôn động viên, dành thời gian chăm sóc và cố gắng đi tìm thầy, tìm thuốc, mong có thể cứu được đôi chân cho tôi. Thấp thỏm âu lo, hụt hẫng, thất vọng là suy nghĩ, tâm tư của ba và mẹ tôi sau một thời gian dài đưa tôi đi chạy chữa không có kết quả. Ký ức tuổi thơ đọng lại trong tôi chỉ còn là chiếc ga gường trắng toát ở bệnh viện, là những mũi kim châm cứu, những bài tập phục hồi chức năng và cả những giọt nước mắt buồn lo của ba mẹ.
Thương tôi phải chịu thiệt thòi của số phận khi tuổi còn quá nhỏ, không muốn tôi thua kém chúng bạn nên ba mẹ đã tạo điều kiện cho tôi được đi học. Trước ngày khai trường đầu tiên trong đời học sinh, tôi được mẹ chuẩn bị cho đầy đủ sách bút, quần áo mới. Suốt nhiều ngày háo hức mong chờ, tôi đã được tham dự buổi khai trường đầy ý nghĩa. Nhưng rồi sau một thời gian tới lớp, vì phải đối diện với những ánh mắt tò mò, những lời chọc ghẹo của một số bạn bè, khiến nỗi mặc cảm trào dâng trong tôi. Tôi càng thêm tự ti khi không thể tham gia các trò chơi vận động, không có đủ sức khỏe học môn thể dục. Nhờ có sự động viên, khích lệ của thầy cô và tình thương yêu vô bờ của ba mẹ, tôi đã có những suy nghĩ tích cực. Nhưng cuối cùng, ước mơ đến lớp của tôi đành gác lại năm lớp 4, bởi đôi chân tôi có dấu hiệu teo nhỏ và thường xuyên bị những cơn đau nhức hành hạ.
Minh Lý hạnh phúc bên chồng con
Không thể tới trường học tập mỗi ngày, nhưng tôi vẫn quyết không gục ngã; tự đọc sách và xin ba mẹ mua sách giáo khoa về tự học và theo đuổi sở thích hội họa. Những lúc đôi chân đau nhức, tôi lại càng tập trung học vẽ, cố gắng suy nghĩ để quên đi mệt mỏi mình đang gánh chịu. Tranh của tôi thường là những ý tưởng độc đáo, lạ mắt về đồng quê, mái trường, thầy cô, gia đình và phong cảnh trên khắp mọi miền đất nước.
Có lẽ tuổi thơ tôi lớn lên trong những tháng ngày bệnh tật nên những bức tranh tôi vẽ sâu sắc hơn, có hồn hơn và chứa đựng tình cảm thiết tha. Tôi thực sự vui và bất ngờ khi những bức tranh do một hoạ sĩ khuyết tật không chuyên như tôi lại có được sự đón nhận của người xem, không chỉ nhận được lời khen, động viên mà còn được nhiều khách hàng đến mua và đặt vẽ theo yêu cầu. Những bức vẽ đầu tiên của tôi được bán ra chỉ với 5 nghìn đồng, nhưng dần dần trị giá các bức tranh tăng lên hàng chục nghìn, tới hàng trăm nghìn, thậm chí là cả triệu đồng bởi những nét vẽ sắc sảo, tinh tế. Với năng khiếu bẩm sinh, tôi đã tự lập cuộc sống bằng chính khả năng và sức lao động của mình, điều đó giúp tôi vơi đi mặc cảm, tự tin hoà nhập cộng đồng và thấy rằng cuộc sống này thật tươi đẹp, ý nghĩa.
Hạnh phúc đến từ đường đua xanh
Bẵng đi một thời gian, năm 2000, lần đầu tiên tôi tạm xa mảnh đất hiền hòa đầy nắng gió Tiền Giang, theo chị gái đến thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Trong một lần vô tình đi ngang qua Trung tâm Huấn luyện bơi lội dành cho người khuyết tật quận Tân Bình, tôi đã xin được vào Trung tâm xem người đồng cảnh tập luyện. Cố gắng đẩy chiếc bánh xe lăn vào Trung tâm, vì thấy thích thú, ngạc nhiên khi người khuyết tật lại có thể bơi nên tôi xin được xuống nước bởi thử. Bất ngờ lắm vì cơ thể tôi vẫn tự nổi. Cũng từ giây phút ấy, cuộc đời tôi bước sang một trang mới khi được huấn luyện viên trưởng bộ môn bơi lội Đổng Quốc Cường để ý, quyết định nhận đào tạo tôi thành vận động viên chuyên nghiệp.
Minh Lý và huấn luyện viên Đổng Quốc Cường, người thầy đã phát hiện tài năng của “Hoa khôi trên đường đua xanh”
19 tuổi bắt đầu với sự nghiệp thể thao, một thời điểm dường như quá muộn với một vận động viên khuyết tật như tôi. Nhưng không muốn phụ sự tin tưởng của huấn luyện viên Đổng Quốc Cường - người thầy đã phát hiện ra năng khiếu bơi lội của tôi, cũng là người đầu tiên dạy tôi bơi nên tôi đã nỗ lực hết mình trong tập luyện.
Sự chịu khó, chuyên cần và may mắn được các huấn luyện viên truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm bơi lội, thi đấu, cùng với thành tích tập luyện đạt kết quả nổi bật, tôi đã có được cơ hội tham dự các giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật của quận Tân Bình và toàn quốc. Nỗ lực đạt được thành tích cao sau mỗi giải thi đấu, bởi thế tôi đã được tuyển chọn vào danh sách vận động viên bơi lội của đội tuyển Quốc gia.
6 năm tham gia thi đấu thể thao với tất cả nỗ lực, nhiệt huyết và đam mê, tôi đã giành được thành tích 35 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, trong đó có 5 HCV tại hai kỳ Đại hội thể thao Para games Đông Nam á. Đạt nhiều thành tích cao, tôi vui lắm khi được người hâm mộ, bạn bè dành tặng những biệt danh rất đáng yêu như “Hoa khôi trên đường đua xanh” hay “Cô gái vàng” của thể thao khuyết tật Việt Nam.
Thể thao không chỉ giúp tôi được nhiều người biết đến qua những tấm huy chương, thể thao còn mang tới cho tôi món quà quý giá của cuộc sống, điều mà tôi chưa từng dám mơ ước, đó là một tổ ấm gia đình. Hạnh phúc lắm bởi tôi có được người chồng rất mực thương yêu tôi, anh cũng là huấn luyện viên bơi lội cho người khuyết tật Cần Thơ. Vượt qua bao sóng gió, ngăn trở, chúng tôi đã được ở bên nhau sau một đám cưới ấm áp, giản dị năm 2005.
Nguyễn Minh Lý
Càng hạnh phúc hơn khi tôi được làm mẹ của hai thiên thần nhỏ một gái, một trai. Để có thêm thời gian chăm lo cho các con và chồng tôi yên tâm công tác, tôi quyết định giã từ đường đua xanh từ năm 2006, tiếp tục quay lại với đam mê vẽ tranh, học thêm nghề trang điểm để cải thiện kinh tế gia đình.
Không chỉ vun đắp cho tổ ấm luôn hạnh phúc, hơn 8 năm qua, vợ chồng tôi đã mở một mái ấm tình thương để giúp đỡ, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh và ươm mầm cho các tài năng trẻ khuyết tật yêu thích bơi lội. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi nằm trong con hẻm sâu ở ấp 5, xã Bình Chánh giờ đây không chỉ có tiếng cười của con trẻ mà còn ấm áp tình thương, khơi dậy niềm tin, nghị lực chiến thắng số phận cho hàng chục người khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ khuyết tật - 16/09/2016 08:51
- Hãy luôn mỉm cười - 16/09/2016 04:07
- Đời khó tin của chàng diễn viên Việt trong phim được đề cử Oscar - 13/09/2016 03:00
- Lê Văn Công giành HCV lịch sử ở Paralympic, phá kỷ lục thế giới - 09/09/2016 03:15
- Cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình - 05/09/2016 03:15
Các tin khác
- Cậu bé mù với niềm đam mê lịch sử dân tộc - 12/08/2016 10:28
- Trưởng thành hơn sau những thử thách - 12/08/2016 08:59
- Kiên trì với ước mơ đại học - 09/08/2016 06:21
- Cô giáo Yến và những bước ngoặt vượt dốc cuộc đời - 09/08/2016 06:15
- Người phụ nữ không tay không chân bán vé số trên đường phố Biên Hòa - 08/08/2016 04:17