Thứ sáu, 02 Tháng 12 2016 11:07

Trước khi đến với thể thao, chị Đặng Thị Linh Phượng (thành phố Hồ Chí Minh) mang trên mình khuyết tật nặng. Vượt lên những rào cản của cơ thể và sự thiếu thốn tình thương yêu của bố mẹ, chị Phượng đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ trở thành người thợ khảm tranh khéo léo, chị còn được người hâm mộ thể thao nước nhà biết đến là nữ vận động viên khuyết tật có hàng chục chiếc Huy chương Vàng trong nước, khu vực và chiếc Huy chương Đồng thế giới bộ môn cử tạ.

Từ người thợ khảm tranh tài hoa...

Mang trên mình đôi chân khuyết tật khi chào đời, gia cảnh khó khăn khiến Đặng Thị Linh Phượng càng thêm thiệt thòi, tủi khổ khi ba mẹ quyết định gửi Phượng vào cô nhi viện. Không đành để đứa cháu bé bỏng, tật nguyền thiếu hơi ấm của người thân, Phượng được bà nội đến cô nhi viện xin nhận về nuôi dưỡng.

34567890

Vận động viên khuyết tật Đặng Thị Linh Phượng nâng mức tạ 102 kg tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016

Tuổi thơ của Phượng lớn lên trong vòng tay chở che của nội, là những bữa cơm đạm bạc, những củ khoai, củ sắn. Cũng bởi nội của Phượng hoàn cảnh túng thiếu, tuổi cao nên không thể lo lắng cho Phượng có cơ hội học hành như bạn bè đồng trang lứa.

Ngày ngày nội ra đồng cấy lúa, Phượng lủi thủi một mình trong căn nhà trống vắng, khi thì cố bám lên thanh chắn song cửa sổ, đưa mắt dõi theo đám trẻ cùng làng chạy nhảy, nô đùa mỗi buồi chiều về.

Không được đi học nhưng Phượng may mắn được một người hàng xóm tốt bụng hàng ngày đến giảng bài, hỗ trợ tiền mua sách vở, dụng cụ học tập. Được học đã là niềm vui lớn lắm nên Phượng chịu khó tập đọc, tập viết, làm tính, ngày nào cũng miệt mài học tới đêm khuya. Bởi thế mà chẳng mấy chốc, Phượng đã học xong chương trình lớp 5.

Từ một cô gái khuyết tật khờ khạo, nhút nhát, Phượng đã tự tin hơn, hiểu hơn về cuộc sống qua những bài học vỡ lòng, qua các câu chuyện, những bài văn về tình bè bạn, thầy cô, gia đình. Phượng càng thấy thương yêu và kính trọng nội nhiều hơn trước tình cảm bao la, tấm lòng vị tha của bà nội.

Chị Phượng tâm sự: “Tình thương của nội đã tiếp thêm cho tôi nghị lực quên đi mặc cảm và chui ra khỏi cái “vỏ ốc” để tìm kiếm cơ hội tự lập cuộc sống. Trong lúc tôi đang phân vân không biết nên chọn học nghề gì cho phù hợp với sức khoẻ, thì chính người hàng xóm tốt bụng từng dạy tôi đọc, viết đã giới thiệu tôi đến với lớp dạy nghề khảm tranh cho người khuyết tật. Biết được tin đó tôi rất mừng, trong tôi như bừng sáng lên ý chí, khát vọng chiến thắng số phận và tự nhủ phải cố gắng trở thành chỗ dựa cho nội”.  

Sau 6 tháng miệt mài học với tất cả sự nỗ lực, chị Phượng đã có trong tay tấm chứng chỉ nghề loại khá. Đôi mắt rưng rưng hạnh phúc trong ngày bế giảng khoá học, chị thầm mong sớm tìm được việc làm. Điều mà cô gái khuyết tật ao ước đã đến chỉ sau chưa đầy 1 tháng đi tìm việc, Phượng được nhận vào làm công nhân cho một công ty thủ công mỹ nghệ ở gần nhà.

Với sự nhanh nhạy nắm bắt nghề, chịu khó trau dồi, học hỏi, Phượng đã trở thành một trong những công nhân có tay nghề vững, chị cũng được Ban Giám đốc tin tưởng giao phụ trách khâu kiểm tra sản phẩm trước khi chuyển hàng đến tay người sử dụng.

...Đến chủ nhân chiếc Huy chương Đồng thế giới

Có nguồn thu nhập hàng tháng, cô gái khuyết tật Đặng Thị Linh Phượng như có thêm động lực vượt qua rào cản của số phận khi có thể tự lập cuộc sống của mình và vơi bớt gánh lo cho bà nội. Trong lúc công việc ổn định, cuộc sống đang yên bình với bao hoài bão, ước mơ của cô gái vừa tròn 20 tuổi thì Phượng hẫng hụt vì mất đi vòng tay thương yêu, che chở của nội.

Không có nội cùng sẻ chia vui buồn mỗi sớm chiều, Phượng trở nên buồn rầu, không còn sôi nổi, vui vẻ và ít tham gia các cuộc giao lưu của công ty. Thấy Phượng cứ mãi u sầu, một người đồng nghiệp đã động viên chị đi tập bộ môn cử tạ để vơi đi nỗi nhớ bà. Từng có sẵn niềm yêu thích thể thao nên Phượng đã vui vẻ nhận lời không chút đắn đo.

567890

Chị Phượng và đồng đội trở về nước trước sự chào đón của người hâm mộ


Chị Phượng chia sẻ: “Những ngày đầu đến với thể thao, tôi gặp rất nhiều gian nan, bởi bộ môn cử tạ khá nặng so với một người phụ nữ khuyết tật như tôi. Những cơn đau cơ kéo dài liên tục sau mỗi buổi tập, những quả tạ nặng hơn theo từng cấp độ và sự mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc không làm tôi chùn bước. Tôi nỗ lực tập luyện để rèn luyện sức khoẻ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành vận động viên khuyết tật nổi tiếng”.

Bằng sự chuyên cần và có được kết quả tập luyện ổn định, Phượng được huấn luyện viên lựa chọn tham dự các giải đấu trong thành phố. Chính những kết quả cô gái khuyết tật đạt được ở các cuộc thi đã mang tới cho Phượng “tấm vé” tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc hàng năm.

Từ khi đến với thể thao, trong tâm khảm của vận động viên khuyết tật Đặng Thị Linh Phượng luôn tự nhủ, muốn có được vinh quang đều phải đánh đổi bằng sự hy sinh, vất vả khổ luyện, bởi vậy chặng đường mà chị đã và đang trải qua dù cho đã lấy đi của chị bao nhiêu đau đớn, mồ hôi và nước mắt nhưng chị vẫn quyết tâm chinh phục hàng chục chiếc Huy chương Vàng. Những chiếc Huy chương lấp lánh ấy đã rộng mở con đường, đưa nữ vận động viên khuyết đến với đấu trường khu vực. Sau lần giành chiếc Huy chương Vàng đầu tiên tại kỳ thi đấu Sea Game tại Indonesia năm 2011, Huy chương Bạc hệ vô địch châu á hạng 5 thế giới, Huy chương Bạc hệ vô địch châu á mở rộng và Huy chương Vàng Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015, nữ vận động viên khuyết tật ấy đã tiếp tục có cơ hội tham dự Paralympic, một giải thể thao mang tầm cỡ thế giới.

4567890

Chị Phượng không giấu được niềm vui, tự hào khi chinh phục tấm Huy chương Đồng thế giới

Không phụ sự tin tưởng của Ban huấn luyện, chị Phượng đã nỗ lực hết mình để giành được chiếc Huy chương Đồng thế giới ở nội dung 50 kg nữ, với thành tích 102 kg tại Thế vận hội Paralympic Rio 2016 (Brazil) dành cho người khuyết tật dịp tháng 9 vừa qua, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.

Hơn 2 tháng trôi qua sau khi Thế vận hội Paralympic diễn ra, cảm xúc và giây phút tự hào, xúc động khi Quốc ca Việt Nam vang lên trên đấu trường thể thao thế giới vẫn còn vương trong tâm trí nữ vận động viên khuyết tật. Thành tích ấn tượng đó sẽ tiếp thêm cho chị sức mạnh, sự kiên cường để nuôi dưỡng hy vọng sẽ “đổi màu” Huy chương tại Paralympic 2020 được tổ chức tại Nhật Bản.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi