Không may mắn có được một cơ thể lành lặn như những người bình thường khác, nhưng Trịnh Quang Xuân Đức (thôn Tân Thắng, xã Eana, huyện Krôngana, Đắc Lắc) lại có một niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ thông tin. Để rồi, chính công nghệ đã giúp Đức vượt lên nỗi mặc cảm khuyết tật, học tập và tự tin hoà nhập cuộc sống.
Không đầu hàng số phận
Là anh cả trong gia đình có ba anh em. Trịnh Quang Xuân Đức từ khi sinh ra đã không được mạnh khỏe như những đứa trẻ bình thường. Do ngạt trong bụng mẹ lúc chuyển dạ nên em bị bại não bẩm sinh. Di chứng của căn bệnh này khiến Đức có một tuổi thơ không lành lặn. Thay vì vui chơi như chúng bạn, em được bố mẹ đưa đi khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc để chữa bệnh. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó đều thất bại, chân tay Đức cứ ngày càng bé đi, khiến em không thể đi lại hay sinh hoạt bình thường. Thậm chí ngay cả việc nói chuyện, giao tiếp với mọi người cũng là một thử thách đối với Đức.
Khi Đức đến tuổi đi học, lo ngại những khiếm khuyết về cơ thể sẽ khiến em phải đối mặt với nỗi mặc cảm, sự trêu chọc của bạn bè nên bố mẹ tính không cho Đức đến trường. Nhưng, Đức lại là một cậu bé rất ham được đi học. Cậu kể lại “Nhà em ở gần trường Tiểu học và Trung học cơ sở nên mỗi khi đến giờ tan trường em hay ra trước cửa nhà và nhìn những bạn học sinh đi học về. Lúc ấy, em rất háo hức được đến trường như các bạn nên dù chưa biết chữ, ở nhà em vẫn hý hoáy tập viết nguệch ngoạc”. Thấy Đức thích học như vậy nên bố mẹ cũng thuyết phục nhà trường để em có thể theo học hoà nhập. Và sau một thời gian theo dõi, bố mẹ, thầy cô đều rất phấn khởi khi thấy Đức học tập và hoà đồng cùng các bạn, từ đó tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ để em có thể theo học bình thường.
Vì không thể tự đi lại nên hàng ngày, hai buổi đều đặn mẹ phải cõng Đức đến trường bất kể thời tiết nắng mưa. “Em không thể quên những ngày mưa gió hai mẹ con cùng đi học và bị ướt sũng. Mẹ lại phải vội vã về nhà mang cho em bộ quần áo mới để thay cho kịp tiết học đầu tiên. Em càng học lên cao, trường càng xa thì mẹ lại càng vất vả hơn. Có những lúc em nghĩ mình là một gánh nặng cho gia đình, nếu không có em, bố mẹ có lẽ đã bớt cực nhọc hơn khi mà sau em còn hai em nhỏ, kinh tế gia đình cũng kiệt quệ vì nhiều năm chạy chữa cho em. Trong cơn bĩ cực đó, em đã muốn chìm vào bóng tối, dừng lại tất cả, bỏ hẳn việc học hành. Tuy nhiên, không ai khác, chính bố mẹ lại là người bên cạnh, vực lại tinh thần cho em, giúp em hiểu ra rằng, dù em không có một cơ thể hoàn chỉnh, nhưng em có một trí tuệ bình thường và chẳng có lý do gì em phải đầu hàng khi chưa bắt đầu cuộc chiến”.
Với ý nghĩ đó, Đức dốc sức vào học hành và niềm đam mê của mình. Cũng chính niềm đam mê ấy đã dần kéo em ra khỏi nỗi mặc cảm và ngày càng tự tin hơn trong cuộc sống.
Say mê công nghệ thông tin
Đức lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính là năm học lớp 10. Khi tham gia học môn tin học, em khá hứng thú với các phần mềm trên máy tính. Và khi học đến bài về mạng internet cũng là lần đầu tiên Đức biết sử dụng trình duyệt web để duyệt các trang web. “Khi em gõ địa chỉ web vào trình duyệt và truy cập em cảm thấy rất thích thú. Các trang web hiện ra lung linh lạ lẫm với những hình ảnh động đẹp mắt cũng như các hiệu ứng lạ khiến em càng thấy tò mò hơn. Ban đầu thì em cũng chỉ lướt web đơn thuần, sau đó mình thì tự hỏi không biết các trang web này được tạo ra như thế nào? Làm thế nào để mình có thể tự tạo một trang web tương tự? Từ đó, em bắt đầu mò mẫm những tài liệu về HTML-CSS, Javascript, PHP và cũng tham gia vào một số diễn đàn lập trình website để học hỏi thêm. Càng hiểu, em càng thấy say mê và cảm thấy rằng, đây có thể là cánh cửa giúp em bước ra cuộc sống sau này. Cũng từ đó, em quyết định mình sẽ trở thành một nhà lập trình, thiết kế website chuyên nghiệp”. Đức chia sẻ.
Mới đầu khi bắt đầu học lập trình web Đức hoàn toàn tự học, tự mò mẫm từng dòng code. Nhiều đêm liền cậu thức trắng để tự viết lên trang web của riêng mình. Nhưng khi chạy thì trang web lại bị lỗi. Đức lại phải lần ngược trở lại để xem mình sai ở đâu để tìm cách khắc phục. Cuối cùng, trang web cũng được thiết lập thành công. Không thể kể xiết nỗi vui mừng của Đức khi có được một trang web của riêng mình. “Nhìn trang web lung linh trước mắt mình, em cảm thấy thật vui sướng và trong lòng thấy nhẹ nhàng như trút được nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng. Em lại đam mê thiết kế và càng muốn được khám phá, trải nghiệm nhiều thử thách từ nó”.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Đức theo học ngành Công nghệ thông tin của trường FPT Polytechnic Tây Nguyên. Rời xa vòng tay cha mẹ để đến ở trọ gần trường, Đức bắt đầu một cuộc sống tự lập từ sinh hoạt hàng ngày tới việc học tập. Mọi việc đều phải tự mình làm, tự mình suy tính và quyết định. Nhưng cũng chính trong môi trường này, Đức thấy mình có thêm nhiều nghị lực, nhiều hoài bão và quyết tâm mạnh mẽ chưa từng có.
Được sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô, sự hỗ trợ của bạn bè trong trường FPT Polytechnic Tây Nguyên, Đức đã đạt được một số thành tích đáng kể trong học tập. Em đạt loại giỏi học kỳ Fall 2014 và xuất sắc tại học kỳ Spring 2015. Ngoài ra, Đức còn cùng các bạn cho ra đời Đề án “Website quản lý bán hàng cho shop thời trang”. ý tưởng của nhóm bạn của Đức được nhà trường ghi nhận và gửi tham dự cuộc thi “Poly sáng tạo” và đạt giải cao trong cuộc thi.
Để phục vụ cho công việc lập trình website, lập thân, lập nghiệp, Đức còn tự mày mò học thêm tiếng Trung và tiếng Nhật. Cậu chia sẻ “Em có một sở thích mà có thể mọi người coi là trẻ con đó là đọc manga và xem anime, em cũng thường xuyên nghe nhạc Nhật. Đây chính là nguyên do đưa em đến với tiếng Nhật. Vốn tiếng Nhật của em hoàn toàn là tự học nên không thể bằng những bạn được học qua trường lớp nhưng cũng đủ để em thoả niềm đam mê công nghệ của mình”.
Hiện nay, Đức đang làm việc tại một Công ty phần mềm máy tính tại Buôn Mê Thuột. Em cũng đang học thêm lập trình Android để đáp ứng yêu cầu của Công ty khi nhận vị trí công việc mới: phụ trách mảng di động của Công ty. Công việc đối với Đức là đam mê và sở thích và nó cũng chính là công cụ để em có thể tự nuôi sống bản thân mình, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, phần nào báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ.
Không dám nhận là mình đã thành công, nhưng Đức luôn tự hào vì mình đã vượt lên được số phận, có một cuộc sống tự lập, hoà nhập. Có được thành quả đó là cả một quá trình kiên trì với ý chí “dù hình thể không toàn diện, nhưng luôn khát khao trở thành người có ích cho xã hội”. Đối với những người đồng cảnh, Đức muốn nhắn nhủ rằng: “Dù chúng ta mang khiếm khuyết, chúng ta thiệt thòi hơn nhiều người khác, nhưng chỉ cần chúng ta có lòng kiên trì, ý chí vươn lên để bù đắp cho những khiếm khuyết của mình, chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp công sức dù là nhỏ bé của mình để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Hãy luôn là những người “tàn nhưng không phế” để không bao giờ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hãy theo đuổi và hoàn thành ước mơ của mình nếu bạn thực sự có đam mê. Mong các cơ quan tổ chức trong xã hội hãy tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh thiếu may mắn như chúng tôi có cơ hội để thực hiện ước mơ và đam mê của mình để cống hiến một phần nhỏ bé cho xã hội”.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Khâm phục cô gái khiếm thị Việt Nam là sinh viên ưu tú ở Mỹ - 19/12/2016 03:37
- Người bệnh não mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo - 06/12/2016 03:53
- Cơ ngơi khó tin của người đàn ông khuyết tật - 05/12/2016 03:05
- Nữ vận động viên khuyết tật và hành trình chinh phục Huy chương thế giới - 02/12/2016 04:07
- Nghị lực sống và lòng nhân ái của cô gái khuyết tật - 04/11/2016 03:21
Các tin khác
- Nam sinh lớp 8 'hô biến'... ống nhựa thành đôi tay vẽ ước mơ - 11/10/2016 03:25
- Hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người đồng cảnh - 05/10/2016 07:30
- Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ khuyết tật - 16/09/2016 08:51
- Hãy luôn mỉm cười - 16/09/2016 04:07
- Đời khó tin của chàng diễn viên Việt trong phim được đề cử Oscar - 13/09/2016 03:00