Thứ hai, 05 Tháng 9 2016 10:15

Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, Nguyễn Thị Hiên (phường Hố Nai, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) thiệt thòi hơn cả khi mang trên mình nỗi đau khuyết tật. Nhưng nhờ được sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, cùng với bao nỗ lực, phấn đấu, chị đã vượt lên chính mình để có được một cuộc sống tự lập, hòa nhập.

Nỗ lực vượt qua mặc cảm

Gia đình chị Hiên có 5 anh chị em, bố chị là bộ đội còn mẹ chị làm nội trợ. Hiên nghe bố mẹ kể lại rằng, hồi nhỏ, chị bị nhiễm bệnh rồi hai chân liệt không thể đi lại được. Lúc đó, bản thân chị cùng gia đình chỉ nghĩ rằng do biến chứng của căn bệnh mà chân của chị mới như vậy. Mãi sau này khi có đoàn bác sĩ về thăm khám, xét duyệt chế độ của Nhà nước, chị Hiên mới biết mình bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc màu da cam từ bố.

Khi nhận thức được bản thân cũng chính là lúc chị Hiên mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của mình. “Hồi tôi học cấp I, tôi luôn bị bạn bè trêu ghẹo, những lúc đó tôi chỉ biết khóc, nhiều khi chỉ muốn nghỉ học. Nhưng bố mẹ và anh chị luôn động viên và cho tôi lời khuyên. Bố mẹ đã tiếp bước thêm cho tôi bằng chính bước chân của bố mẹ. Sợ tôi bị bạn bè trêu ghẹo sẽ bỏ học, ngày nào bố mẹ cũng đưa đón tôi đến trường. Những lúc trời mưa đường trơn trượt, bố mẹ vẫn thay nhau cõng tôi đến lớp. Nhờ vậy tôi mới có thêm nghị lực để tiếp tục đến trường, để học tập, để không phụ công sức của bố mẹ”, chị Hiên chia sẻ.

Có thể với một số người khuyết tật khác, nỗi mặc cảm sẽ khiến họ thu mình lại, phó mặc số phận cho ông trời, nhưng với Hiên thì hoàn toàn ngược lại. Nỗi mặc cảm luôn ám ảnh Hiên, thôi thúc chị phải nỗ lực không ngừng để vượt qua nó, chiến thắng nó, thoát khỏi nó.

Chia sẻ luật chính sách cho NKT

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Sự quyết tâm, cố gắng của chị Hiên lại được tiếp thêm sức mạnh từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội từ thiện, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, gia đình, bạn bè cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Năm Hiên học lớp 4, may mắn đến với chị khi có một đoàn từ thiện đến hỗ trợ những trẻ em có tật về vận động đi phẫu thuật. Ba mẹ chị đã đăng ký cho Hiên tham gia. Sau 3 tháng điều trị trong bệnh viện và một khoảng thời gian tương đối dài nỗ lực luyện tập tại nhà theo các bài tập được bác sĩ hướng dẫn, chị đã có thể đi lại được bằng chính đôi chân của mình, không còn phụ thuộc vào đôi nạng gỗ nữa. Dù đôi chân của Hiên không thực sự khỏe mạnh được như những người bình thường khác, nhưng chị đã có thể tự mình di chuyển, đi lại, tự đứng trên đôi chân của mình, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không của riêng Hiên mà của cả gia đình chị.

Tình trạng khuyết tật được cải thiện, tinh thần của chị Hiên cũng phấn chấn lên rất nhiều. Chị có thêm tự tin và phấn đấu trong học tập, hoàn thành tốt chương trình phổ thông và thi đậu vào chuyên ngành Kế toán của một trường Đại học.

Nỗ lực vì người đồng cảnh

Tốt nghiệp ngành kế toán, chị Hiên bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm việc làm. Nhưng nếu như nỗ lực học tập để có kết quả tốt thuận lợi bao nhiêu thì khi tìm việc làm lại trắc trở bấy nhiêu. Cầm hồ sơ trên tay, chị Hiên gõ cửa hầu khắp các Công ty ở Đồng Nai. Chỗ nào cũng chỉ phỏng vấn vòng đầu, sau thì từ chối, viện cớ nọ kia không nhận. Không ai nói ra, nhưng cái cách họ nhìn vào đôi chân tập tễnh của Hiên đã giúp chị hiểu ra tất cả.

Thất vọng và bi quan, chị Hiên quyết định không tìm kiếm một công việc văn phòng nữa mà xin làm công nhân cho một công ty may. Chị vừa làm vừa nhờ bạn bè chỉ bảo thêm. Nhờ sự cố gắng trong công việc chị Hiên được mọi người trong Công ty giúp đỡ và sau một thời gian thì được cất nhắc lên văn phòng làm việc.

Làm việc tại Công ty may được 4 năm, tình cờ chị Hiên được một người bạn giới thiệu đến làm việc cho một Dự án hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. “Ban đầu vì chưa thực sự tin tưởng vào khả năng của mình, nghĩ mình cũng là người khuyết tật, tự lập cuộc sống đã may mắn lắm rồi, làm sao dám nghĩ đến chuyện giúp ích cho những người đồng cảnh khác? Nhưng sự nhiệt tình của người bạn và những kiến thức tiếp thu được sau buổi tập huấn về kỹ năng làm việc nhóm cho người khuyết tật mà người bạn ấy giới thiệu đã thuyết phục tôi. Cũng từ đó, sự nhìn nhận của tôi về vấn đề của người khuyết tật đã thay đổi rất nhiều. Tôi quyết định làm đơn xin nghỉ việc ở công ty và chuyển sang làm việc cho dự án hỗ trợ người khuyết tật”.

Trong quá trình làm việc cho dự án, chị Hiên có dịp tiếp xúc với nhiều người khuyết tật. Càng gần họ, tiếp xúc với họ, chị lại càng thấy mình có thêm sự đồng cảm, tự tin hơn. So với nhiều người khác, chị thấy mình vẫn còn rất may mắn khi có thể đi lại được bằng đôi chân của mình dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm cho dự án, vì đặc thù công việc phải thường xuyên xa nhà, điều kiện sức khỏe không cho phép nên chị Hiên quyết định thôi không theo Dự án nữa. Chị xin vào làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Đồng Nai với mong muốn những kiến thức và kỹ năng mình tích luỹ được trong quá trình làm việc cho Dự án của người khuyết tật sẽ góp phần hỗ trợ và giúp cho những nạn nhân da cam như chị có cuộc sống tốt đẹp hơn, được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

Chia sẻ với phụ huynh có con em là NKT hòa nhập cộng đồng

Chị Hiên chia sẻ với phụ huynh có con em là người khuyết tật về hoà nhập cộng đồng

Tính đến nay, chị Hiên đã làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Đồng Nai được 4 năm. Với sự chỉ bảo tận tình của các cô chú, những anh chị trong Hội cùng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, chị Hiên luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao, không ngừng mày mò tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng để góp phần xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ các nạn nhân da cam thực sự hiệu quả.

Ngoài công việc chính trong cơ quan, chị Hiên còn tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như: là tình nguyện viên trong các buổi nấu cơm từ thiện, chăm sóc người bị bại liệt tại các trung tâm nuôi dưỡng, làm cầu nối giữa người khuyết tật và các doanh nghiệp.. “Trước đây, tôi làm về Dự án Hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, tuy đã kết thúc Dự án nhưng tôi vẫn giữ mối liên hệ với các Công ty để giới thiệu cho 10 người khuyết tật vào làm việc, công việc của họ hiện tại rất ổn định. Tôi cũng hỗ trợ xin xe lăn, xe lắc, nạng, xe đạp, xe mô tô 3 bánh cho người khuyết tật”, chị Hiên cho biết.

Trong thời gian làm việc cho dự án trước đây, chị Hiên đã được rất nhiều các tổ chức phi chính phủ cho đi dự các khóa tập huấn như kỹ năng sống, giảng viên nguồn về giới, về chính sách pháp luật cho người khuyết tật…. Với những kiến thức đã học được, chị được các tổ chức phi chính phủ DAI, Ford, MI và Chi cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai thường xuyên mời đứng lớp để chia sẻ những kiến thức đó cho người khuyết tật. Qua mỗi chuyến đi, mỗi cuộc tiếp xúc, chia sẻ, chị không chỉ truyền cho những người đồng cảnh những kiến thức của mình mà là cả niềm tin vào bản thân, sự quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để có được một cuộc sống tự lập, hoà nhập.

Tháng 4 vừa qua, chị Hiên vinh dự được đại diện cho người khuyết tật tỉnh Đồng Nai tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V, tổ chức tại Hà Nội.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi