Hiện nay, NKT tham gia vào mọi mặt hoạt động trong đời sống xã hội - trong đó có lĩnh vực truyền thông. Các ấn phẩm của NKT từ tin, bài, phóng sự, phản ánh đến bản tin, tạp chí, chương trình phát thanh, cổng thông tin điện tử cho thấy sự quan tâm, năng lực và quan điểm sự nhìn nhận của NKT về những vấn đề trong xã hội cũng như những vấn đề NKT hết sức sâu sắc, toàn diện và đúng đắn.
Ngay sau khi Hội Người mù Việt Nam được thành lập ngày 17/4/1969, tờ “Tin tức hoạt động” (tiền thân của Tạp chí Đời mới) bằng chữ Braille và chữ Việt đã ra đời để thông tin, tuyên truyền hoạt động Hội đến các hội viên. Trải qua 46 năm phát triển, đến nay, Tạp chí Đời mới đã phát hành dưới 4 loại hình: chữ Braille, phát thanh, chữ in bình thường và Cổng thông tin điện tử. Tổng Biên tập Tạp chí là chị Đinh Việt Anh, một người khiếm thị, các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí là người khiếm thị, người sáng khắp cả nước.
Là cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội, diễn đàn của cán bộ, hội viên, Tạp chí Đời mới đã góp phần giúp người mù cả nước nắm bắt, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết của Hội, có thêm thông tin, kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, học tập, lao động sản xuất, chuyển tải ý kiến, nguyện vọng của tổ chức Hội và người mù, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, đưa cộng đồng xích lại gần hơn với người mù và tổ chức Hội. Ngoài ra, Tạp chí cũng là diễn đàn để người mù chia sẻ tâm tư, tình cảm, phát triển khả năng cảm thụ và sáng tác văn học nghệ thuật, giúp người mù rèn luyện kĩ năng đọc, viết chữ Braille để từ đó tiếp cận với những nguồn tri thức khác.
Các số Tạp chí đặc biệt in chữ bình thường nhân các sự kiện lớn của Hội, xuất bản từ 4.000 - 6.000 bản mỗi số. Gần đây, Tạp chí cũng đã bắt đầu xây dựng những phóng sự video đầu tiên phản ánh về các mặt hoạt động Hội. Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, song cũng đã phần nào nói lên sự cố gắng của Tạp chí trong việc cùng toàn Hội đưa người mù tiến vào thế giới của tri thức và công nghệ.
Phóng viên là NKT phỏng vấn NKT với sự hỗ trợ của người không khuyết tật
Hầu hết các tổ chức của NKT hiện nay (như Trung tâm Khuyết tật và Phát triển, Trung tâm Sống độc lập, Trung tâm Nghị lực sống, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng….) đều tích cực đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tận dụng lợi thế của mạng xã hội, công nghệ thông tin để nói lên tiếng nói của mình, quảng bá những hoạt động hiệu quả thông qua các trang thông tin điện tử, website, bản tin nội bộ… Nắng xuân - bản tin nội bộ của Hội NKT Hà Nội đến nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cộng đồng NKT đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Gói gọn trong khuôn khổ của một tờ bản tin, xuất bản 2 tháng/kỳ, Nắng xuân cung cấp cho độc giả các thông tin hoạt động của Hội, các thông báo, điểm các bài viết về NKT, trao đổi hỏi đáp về các chính sách liên quan đến NKT, chia sẻ các câu chuyện, tâm tư nguyện vọng của NKT qua các chuyên mục văn nghệ, giải trí… Đây cũng là diễn đàn để NKT thể hiện cách nhìn của mình, thử sức mình trong lĩnh vực báo chí. Ngoài tờ bản tin, Hội NKT cũng đã xây dựng trang thông tin điện tử, góp phần cung cấp thông tin, kiến thức bổ ích cho các hội viên và cộng đồng.
Không chỉ tham gia viết bài cho các ấn phẩm của NKT, nhiều NKT còn tham gia viết bài, làm cộng tác viên thường xuyên của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Có thể kể đến một số phóng viên khuyết tật như: phóng viên Đặng Thế Lịch (báo Cựu chiến binh Việt Nam), Nguyễn Sơn Lâm (trang Thể thao Vietnamnet), Nguyễn Trung Tính (cộng tác viên báo Tiền Phong), Hoàng Văn Lý (người khiếm thị, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam)…
Để không ngừng nâng cao năng lực truyền thông cho các hội viên, các tổ chức của NKT còn thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng viết tin, bài, ảnh cho báo chí, từ đó đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa vai trò của truyền thông, báo chí trong việc phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng NKT, tạo nên cái nhìn chân thực, khách quan của xã hội, thay đổi góc nhìn của xã hội về NKT theo hướng thúc đẩy sự hòa nhập và bình đẳng.
Làm báo tuy chưa phải một nghề phổ biến với NKT nhưng NKT đã biết tận dụng lợi thế của lĩnh vực này để khẳng định năng lực của mình và truyền tải thông điệp đến cộng đồng. Đó cũng là cách để họ tiến gần hơn tới một xã hội hòa nhập, bình đẳng không rào cản do chính NKT góp phần gây dựng, phát triển.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- “Tiệm tóc vui vẻ” của chàng trai khiếm thính - 19/12/2016 03:39
- Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng' - 05/12/2016 03:09
- Thể dục thể thao - Cơ hội rèn luyện sức khỏe và thể hiện ý chí của NKT - 02/12/2016 03:29
- Làm việc thiện cho đời thêm vui - 01/12/2016 09:02
- Bị xe buýt lảng tránh, người khuyết tật nén đau, đi xe ôm - 24/11/2016 06:46
Các tin khác
- Hãy lạc quan vượt qua thử thách - 18/11/2016 03:51
- Học sinh khiếm thị ở Sài Gòn học đi chợ, nấu ăn - 07/11/2016 03:12
- Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh: Với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị - 04/11/2016 03:27
- Làm việc thiện là niềm vui sống - 03/11/2016 07:41
- Khát khao “mở” thế giới bằng đôi tay - 14/10/2016 06:37