Thực hiện Luật người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật, trong những năm gần đây, hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật đã được quan tâm, đầu tư, nhờ đó, phong trào tập luyện, thi đấu thể thao của người khuyết tật ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế.
Thể thao - nhu cầu thiết yếu của NKT
Trước đây, NKT chưa được quan tâm nhiều, mặc cảm về khiếm khuyết của mình nên họ thường ngại giao tiếp, ngại đám đông, sống khép mình trong không gian nhỏ hẹp. Nhưng hơn ai hết, tiềm ẩn bên trong con người họ là khao khát được sống khỏe mạnh, được xã hội nhìn nhận và được hòa nhập cộng đồng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách xã hội, việc tổ chức các giải thi đấu thể thao, đại hội thể thao NKT toàn quốc, đại hội thể thao NKT quốc tế (paralympic) nhiều NKT đã có cơ hội để thể hiện khả năng của mình, nhiều người nhờ đó mà chiến thắng nỗi mặc cảm và sự bất tiện của khiếm khuyết, thực hiện ước muốn hòa nhập.
Anh Lê Văn Công, vận động viên khuyết tật môn Cử tạ là một ví dụ điển hình. Thuở thiếu thời, đã có khoảng thời gian vì mặc cảm, tự ti mà anh chọn cách trốn biệt trong nhà. Nhưng với ý chí của một con người sống có trách nhiệm, anh đã một mình lặn lội từ Hà Tĩnh vào thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh và được giới thiệu đến tập luyện tại CLB cử tạ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Niềm đam mê, hăng say luyện tập cộng với sự dìu dắt đầy tâm huyết của huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc đã đưa Lê Văn Công không ngừng tiến bước trên đấu trường khu vực và quốc tế. Anh đã mang về hàng chục huy chương các loại, phá các kỷ lục trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong kỳ Paralympic Rio 2016 vừa qua, Lê Văn Công đã xuất sắc giành tấm huy chương Vàng danh giá, góp phần đưa thành tích của đoàn Việt Nam lên thứ hạng 55/164 quốc gia tham dự. Từ đó khẳng định và nâng cao vị thế của NKT trên đấu trường quốc tế.
Các vận động viên NKT tỉnh Sơn La tham gia thi đấu tại Giải Thể thao NKT lần thứ IX năm 2016
Hay như chị Lê Thị Mỹ Hạnh (Đồng Nai) – một người khiếm thị - thể thao đã giúp chị có được một cuộc sống chất lượng hơn khi có sức khỏe, có niềm vui cùng nhiều cơ hội giao lưu gặp gỡ với người đồng cảnh. Bị khuyết tật từ năm 4 tuổi, chị Hạnh lớn lên trong nỗi buồn và sự tự ti. Nhưng rồi trong một lần tình cờ được Hội người mù huyện Trảng Bom giới thiệu tham gia phong trào thể thao NKT, cuộc sống của chị đã thay đổi rõ rệt. Càng tập luyện, chị càng thấy khỏe ra, tinh thần minh mẫn, phấn chấn, chị không còn mặc cảm như trước nữa mà thấy bản thân sống có ích hơn. Theo chị Hạnh: “Tập luyện thể thao ngoài rèn luyện sức khỏe còn là dịp để các anh chị em giao lưu, chia sẻ về cuộc sống, công việc, từ đó động viên, khích lệ nhau cùng nỗ lực, phấn đấu. Tham gia thi đấu, được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ tự tin thi tài năng, được nghe nhiều câu chuyện vượt lên chính mình, khiến mình càng thêm tự tin vào bản thân và chủ động trong những lần thi tiếp theo”.
Cũng như chị Hạnh, anh Công, có rất nhiều NKT đã đến với thể thao một cách tự nhiên và tình cờ. Có thể không phải ai cũng đem về cho mình những tấm Huy chương trong các giải thi đấu, nhưng không vì thế mà họ phiền lòng, bởi việc tập luyện thường xuyên đã mang lại cho họ những “tấm Huy chương” có giá trị hơn, đó là sức khỏe, là niềm lạc quan, tin tưởng, là niềm tin được sống và làm việc như những người bình thường.
Phát huy tinh thần thể thao của NKT
Theo quy định của Luật NKT: “Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của NKT, tạo điều kiện để NKT được hưởng thụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch… Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho NKT phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao, tham gia sáng tác, biểu diễn nghệt thuật, tập luyện, thi đấu thể thao…”. Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 cũng nêu chỉ tiêu “Đến năm 2020, 40% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động và luyện tập thể dục, thể thao”.
Vận động viên Lê Văn Công trên bục vinh quang tại Paralympics Rio 2016
Thực hiện Luật NKT, Đề án trợ giúp NKT, các địa phương trong cả nước đều xây dựng phong trào văn hóa, thể thao cho cộng đồng NKT. Các giải thi đấu trong tỉnh, thành phố, khu vực và toàn quốc được tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục, thể thao của NKT, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu đã phần nào được cải thiện. Có thể nói, đóng góp vào thành công của NKT trong tập luyện, thi đấu thể thao trong thời gian gần đây, bên cạnh ý chí nghị lực vươn lên của những NKT còn có rất nhiều “bệ phóng” cho niềm đam mê ấy. Đó là sự quan tâm, phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện về kinh phí, chế độ tiền công, tiền ăn cho các vận động viên khuyết tật của các cấp, ngành liên quan.
Tuy nhiên, con đường đến được với thể thao của nhiều NKT vẫn gặp rất nhiều trắc trở. Các vận động viên khuyết tật, trừ những người trong đội tuyển thi đấu quốc tế còn lại tại các địa phương hiện nay đều tập luyện trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, phương tiện thiếu chuyên nghiệp, địa điểm luyện tập cách xa nhà. Thu nhập từ tập luyện, thi đấu thể thao không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, nhiều NKT phải sắp xếp giữa việc tập luyện thể thao và công việc chính hàng ngày nên không có sự tập trung.…
Để NKT đến được với thể thao cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ gia đình, cộng đồng, sự quan tâm đầu tư của nhà nước, chính quyền địa phương thông qua việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, sân tập, dụng cụ, xây dựng các mô hình CLB Thể thao NKT tại các địa phương để phát triển phong trào rộng khắp cả nước. Trước tiên, đó là vì sức khỏe NKT, giúp họ hòa nhập xã hội và sau đó là tìm kiếm VĐV thi đấu đỉnh cao. Ngành Thể dục thể thao và các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động học tập tấm gương về ý chí, nỗ lực vượt bậc của những vận động viên khuyết tật, qua đó, góp phần cổ vũ, động viên mọi người dân, nhất là NKT tích cực tham gia tập luyện thể dục thể thao, hòa nhập với cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống, đồng thời phát huy khả năng và tham gia đóng góp cho sự phát triển của ngành thể dục, thể thao và của toàn xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Sống như những đóa hoa - 22/12/2016 04:01
- Chuyện về chàng trai “Không thể vỡ” - 22/12/2016 03:57
- Cô gái bị tạt axit thi Ai là triệu phú thắng 1 tỷ và tình yêu với người chồng điển trai - 22/12/2016 03:02
- “Tiệm tóc vui vẻ” của chàng trai khiếm thính - 19/12/2016 03:39
- Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng' - 05/12/2016 03:09
Các tin khác
- Làm việc thiện cho đời thêm vui - 01/12/2016 09:02
- Bị xe buýt lảng tránh, người khuyết tật nén đau, đi xe ôm - 24/11/2016 06:46
- Tổ chức của NKT với công tác truyền thông - 21/11/2016 03:33
- Hãy lạc quan vượt qua thử thách - 18/11/2016 03:51
- Học sinh khiếm thị ở Sài Gòn học đi chợ, nấu ăn - 07/11/2016 03:12