Thứ năm, 01 Tháng 12 2016 16:02

Cuộc sống này vẫn còn rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi gặp khó khăn, họ cần lắm những mái ấm chở che, có điều kiện thực hiện ước mơ cắp sách tới trường, nuôi hy vọng được học nghề và có một công việc ổn định để mưu sinh. Cảm nhận, thấu hiểu những nguyện vọng, mong mỏi của người khuyết tật và càng cảm thông với họ hơn bởi tôi cũng là người cùng cảnh, chính điều đó đã thôi thúc tôi vượt khó và thực hiện những việc làm ý nghĩa, giúp ích cho đời.

Bước vào đời bằng đôi chân khuyết tật

Mảnh đất hiền hoà, đầy thơ mộng Tam Đảo là nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ đầy buồn tủi, khó nhọc của tôi. Tôi được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Quanh năm bố mẹ tôi vất vả nơi vườn ruộng nhưng cuộc sống vẫn cứ chật vật, thiếu thốn, cơm ăn cũng chẳng được no. Hồi đó, thứ vật dụng giá trị nhất trong căn nhà cấp 4 của gia đình tôi chỉ có vỏn vẹn hai chiếc giường, cái quạt điện và chiếc xe đạp sờn cũ, thế nhưng tiếng nói cười, hạnh phúc vẫn luôn ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ.

Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, tôi bụ bẫm, kháu khỉnh, sớm biết nói, biết đi khi mới hơn 1 tuổi. Thế rồi, nỗi vất vả, cơ cực của bố mẹ tôi càng lớn hơn bởi bệnh tật ập đến với tôi. Năm tôi lên 2 tuổi, một trận sốt cao đã biến chứng làm bên chân trái của tôi dần co cứng, dẫn đến bị liệt. Mẹ tôi khóc ròng bao đêm, không dám tin và không muốn chấp nhận sự thật phũ phàng ấy của tôi. Cố gắng dành dụm, gom góp số tiền tiết kiệm, bố mẹ đưa tôi đi khám chữa nhiều nơi để mong ngóng có một tia hy vọng.

Gạt nước mắt đưa tôi trở về quê nhà sau một thời gian dài chữa bệnh khắp trong Nam, ngoài Bắc, bố mẹ luôn vỗ về, động viên và dành cho tôi nhiều hơn tình thương yêu. Mặc dù bị khuyết tật, nhưng tôi thầm ước ao được cắp sách đến trường, khát khao được đi học và điều ước ấy của tôi đã được bố mẹ tạo điều kiện. Tôi vẫn còn nhớ trước ngày nhập học, mẹ đã mua cho tôi bộ quần áo mới và chuẩn bị chu đáo cho tôi có đầy đủ sách bút.

Mỗi ngày tôi đến lớp, tôi lại được bố mẹ thay nhau cõng tôi đi học. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má hao gầy của mẹ, khi thì thấm đẫm lưng áo của bố, tôi càng cảm nhận được tình thương bao la của bậc sinh thành. Cố gắng đáp đền công ơn trời biển ấy, tôi lao vào học tập và nỗ lực tập đi để có thể bước đi trên đôi chân của mình. Điều mong mỏi bấy lâu cũng trở thành sự thật sau nhiều tháng trời vất vả, tôi đã tự chủ hơn trong sinh hoạt hàng ngày, tự đến trường bằng đôi chân khuyết tật.

Sau nhiều tháng ngày miệt mài học tập, tôi đã hoàn thành xong chương trình phổ thông. Vốn ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão nhưng vì điều kiện gia đình nghèo, sức khoẻ yếu nên tôi quyết định không đi thi đại học mà xin học nghề may tại một cơ sở tình thương dành cho người khuyết tật. Hơn một năm theo học nghề, với sự cần cù, chịu khó, tôi sớm hoàn thành khoá học và tìm được việc làm tại cơ sở sản xuất đồ may mặc ở Thanh Xuân (Hà Nội). Trải qua một thời gian dài làm việc, tôi đã khẳng định được tay nghề, năng lực của mình trong nghề may.

Nhiệt huyết dạy nghề cho người đồng cảnh

Từng phải gánh chịu bao thăng trầm và nỗi bất hạnh trong cuộc sống, bởi vậy trong tôi luôn ấp ủ dự định sẽ giúp đỡ cho thật nhiều người đồng cảnh, tạo cho họ cơ hội được học nghề, làm việc, giúp họ vững vàng, tự tin hoà nhập cộng đồng. Chính vì lẽ đó, năm 2004 tôi quyết định từ bỏ công việc ổn định để nhận lời làm thầy giáo dạy nghề may cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo Hà Nội. Dành hết tâm huyết truyền dạy nghề cho các em bởi có nhiều em mang khuyết tật nặng nhưng vẫn nỗ lực học nghề. Được tiếp xúc và chứng kiến sự kiên cường vượt qua khuyết tật của các em học sinh, trong tôi đã nảy ra ý tưởng mở lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật nghèo trên quê hương Vĩnh Phúc.

Trai ti11m 1

Ông Môn tận tình chỉ dạy cách may cho học viên

Sau 4 năm làm thầy giáo, năm 2008 tôi xin nghỉ việc ở Trung tâm trở về quê thành lập cơ sở may. Để có kinh phí thành lập, tôi phải bán lợn, trâu bò và vay mượn thêm của anh em, bè bạn để sửa chữa một phần không gian trong nhà thành nhà xưởng, mua máy khâu, thiết bị và nguyên phụ liệu cho học viên thực hành. Những ngày đầu thành lập cơ sở, chỉ có vài cháu khuyết tật đến học nghề, bởi vậy tôi đã lặn lội đến từng xã, huyện trong tỉnh vận động các gia đình cho con em khuyết tật đến học nghề và hãy cho các em cơ hội được làm việc, tự tin hoà nhập với xã hội.

Từng nếm trải quãng thời gian học nghề, tôi biết nghề may với người lành học đã khó, người khuyết tật học còn vất vả hơn nhiều nhưng tôi vẫn kiên trì chỉ bảo tận tình từng đường kim mũi chỉ, động viên các em phải bền bỉ, không được nản chí. Mừng lắm khi tôi thấy các em biết làm ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được thị hiếu khách hàng.

Luôn cố gắng tìm cách giúp người đồng cảnh có thêm thu nhập ổn định thông qua việc ký kết nhiều hợp đồng may mặc, năm 2015 tôi xin thành lập Hợp tác xã dịch vụ tình thương Gia Bảo nhằm thuận lợi hơn trong giao dịch. Hiện Hợp tác xã đang tạo việc làm cho hàng chục hội viên, phụ nữ nghèo, giúp họ có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã cũng đang mở dạy nghề may miễn phí cho hơn 30 học viên khuyết tật ở nhiều địa bàn xã lân cận như Đạo Trù, Đại Đình, có một số học viên đến từ các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn. Mỗi em đến học nghề đều có những hoàn cảnh khác nhau, dạng tật khác nhau nhưng tôi biết các em cùng có chung một ước mơ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, mong muốn được tự lập cuộc sống nên tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận các em vào lớp và đầu tư thêm máy may hiện đại để học viên có điều kiện thực hành tốt hơn.

Trai tim11 2

Đoàn cán bộ Trung ương Hội, tỉnh Hội Vĩnh Phúc và nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đến thăm quan trang trại nuôi ong của Hợp tác xã tình thương Gia Bảo

 

Với sự năng động, sáng tạo, tôi đã cử số cán bộ của Hợp tác xã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình chăn nuôi chim bồ câu, nuôi ong lấy mật để hướng dẫn cách làm mới cho hội viên và học viên. Bởi tôi nhận thấy đây là công việc rất phù hợp với sức khoẻ của người khuyết tật và cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong những ngày tháng 10 vừa qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Hội Vĩnh Phúc, Hợp tác xã của tôi đã được tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ sinh kế với số tiền 70 triệu đồng để thực hiện Dự án nuôi chim bồ câu và nuôi ong lấy mật cho người khuyết tật. Có được nguồn vốn hỗ trợ này, tôi sẽ cố gắng tư vấn kỹ thuật giúp người đồng cảnh yên tâm sử dụng đồng vốn hiệu quả, sớm có điều kiện cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ dạy nghề miễn phí cho người đồng cảnh, tôi còn dành thời gian tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như tặng quà, hỗ trợ học bổng, sách vở cho học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo của địa phương. Không thể cầm lòng trước sự khó khăn của đồng bào chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, cũng như hưởng ứng lời kêu gọi sẻ chia, chung tay hỗ trợ, giúp người dân vùng lũ của Trung ương Hội và tỉnh Hội Vĩnh Phúc, tôi đã tự nguyện gửi tặng 2 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ, với niềm tin bà con sẽ sớm ổn định cuộc sống.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE người khuyết tật , trẻ mồ côi

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi