Thứ năm, 03 Tháng 11 2016 14:41

Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm cạnh con sông Hàm Luông mộng mơ, hiền hòa là nơi tôi đã trải qua bao thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống. Cũng căn nhà này đã trở thành nơi quây quần, sum vầy của hàng chục trẻ em khuyết tật, mồ côi, nghèo vào mỗi dịp nghỉ hè, lễ Tết. Với tôi, được làm việc thiện là niềm vui sống, là hạnh phúc giản đơn và cũng là động lực để tôi có thêm sức khỏe lao động, sẻ chia nhiều hơn với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Trai tim

Thương binh Lê Văn ý

Khuyết tật vẫn hăng say lao động

Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, quanh năm ba mẹ tôi lam lũ tảo tần nhưng vẫn túng thiếu mọi bề. Lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã hăng hái xung phong xin được gia nhập quân ngũ để đóng góp sức mình vì nền độc lập tự do cho nước nhà. Năm 1966, trong một trận đánh cam go, khốc liệt, tôi bị thương nặng, mất một cánh tay và hỏng một bên mắt. Sau một thời gian điều trị, vết thương lành lại, tôi xin được tiếp tục tham gia chiến đấu và cho đến năm 1972, tôi lại bị thương và mất một bên chân. Sau 2 lần bị thương, tôi mất đi 83% sức khỏe nhưng vẫn muốn được sát cánh cùng đồng đội nơi chiến trường. Ban Chỉ huy đã phân công tham gia đội văn công, sáng tác các bài hát, bài thơ và biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng đội, giúp mọi người được thư giãn, vui tươi sau những trận chiến khốc liệt, cam go.

Ngày thống nhất đất nước, tôi trở về quê hương lập nghiệp. Mang trên mình thương tật hạng 1/4, ba mẹ đã già yếu, người thân, họ hàng ai nấy đều nghèo túng nên tôi không có chỗ dựa. Mặc dù sức khỏe bị ảnh hưởng bởi những vết thương, đặc biệt khi trái gió trở trời, tôi vẫn cố gắng lao động để có thể tự lập cuộc sống, không muốn là gánh nặng cho người thân.

Không có nghề nghiệp trong tay, tôi tận dụng gần 3 công ruộng của gia đình để phát triển nông nghiệp. Không trồng lúa, rau màu như bà con trong xã, tôi quyết định trồng cây cảnh và trồng dừa. Cơ thể khuyết thiếu chân tay, một bên mắt cũng đã bị hỏng, thế nhưng tôi luôn nỗ lực làm việc như bao người nông dân bình thường khác từ tờ mờ sáng cho đến khi tối muộn mới trở về nhà. Bữa cơm trưa tạm bợ của tôi là nắm cơm, bắp ngô và chai nước, khi mệt tôi lại trải lá dừa ra một góc râm để ngả lưng rồi tiếp tục công việc, tuy vất vả nhưng tôi lại thấy cuộc sống thật bình yên và tràn đầy ý nghĩa.

Và “ươm” những trái ngọt cho đời

Nhiều người thường hỏi tôi, sao không lấy vợ, sinh con để nương nhờ khi tuổi già. Có người lại hỏi sống một mình thì làm vừa thôi, sao cứ phải cố lao động vất vả nhỡ ốm thì sao. Những lúc nhận được câu hỏi, tôi rất vui vì biết mọi người còn quan tâm đến tôi và lúc đó tôi chỉ cười, gửi lời cảm ơn đến họ. Nhưng với tôi, lao động không chỉ để tự lập cuộc sống, không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà tôi còn hướng đến một hy vọng, một mong muốn xa hơn, đó là có thể hỗ trợ, tiếp sức và chắp cánh, nối dài những ước mơ cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi, trẻ em nghèo có cơ hội được đi học và biến ước mơ thành hiện thực.

Luôn ghi nhớ và cố gắng làm theo lời dạy của Bác Hồ, đó là phải diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, bởi thế khi hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn nền độc lập cho nước nhà, trong tôi vẫn đau đáu suy nghĩ phải góp sức mình cho quê hương, tôi quyết tâm dùng chút sức mọn còn lại để lao động và có thể thắp sáng lên thật nhiều ước mơ cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi, trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường. Tôi thiết nghĩ, chỉ có học tập, có tri thức thì đất nước mới phát triển, tôi lại không có gia đình, con cái nên tôi muốn toàn tâm, toàn ý giúp đỡ những mảnh đời cơ khổ được học hành đến nơi đến chốn.

Từng lớn lên trong nghèo khó và không có điều kiện học hành nên tôi càng xót xa cho tình cảnh của những trẻ em khuyết tật, mồ côi nghèo, thế nên tôi đã cố gắng thuyết phục các gia đình gia đình nghèo cho con em họ được tới trường và tôi sẵn sàng hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, lo tiền học phí và giúp tiền mua gạo để các cháu không phải nhịn đói mỗi ngày đến lớp.

Tôi còn nhớ, có những trường hợp trẻ mồ côi nghèo biết mình sắp phải nghỉ học vì hoàn cảnh túng thiếu, có những cháu bé cơ thể khuyết tật khát khao được tới trường nhưng không có người đưa đón đã tìm đến tâm sự với tôi, những câu chuyện xúc động ấy khiến tôi thực sự rất xúc động, cảm thông trước sự ham học của các cháu. Hạnh phúc lắm khi được sẻ chia với những mảnh đời nghèo khó, bởi vậy cứ mỗi mùa khai trường, ngoài số tiền dành dụm, tiền lương thương binh hàng tháng, tôi lại đi vay mượn thêm của người quen, bè bạn, họ hàng để có tiền hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, để những đứa trẻ ấy yên tâm đi học và tôi lại miệt mài lao động kiếm tiền trả nợ.

Có lẽ những việc làm “không giống ai” của tôi đã được ông trời thương, năm nào vườn dừa và vườn cây cảnh của tôi cũng bội thu, khách hàng đến đặt mua với giá thành cao. Cũng nhờ thế tôi có thêm điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên cho các cháu học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo và trả những khoản nợ.

Không chỉ giúp đỡ học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo, tôi còn dành riêng một khoản tiền để cùng Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, hỗ trợ cho con em đồng đội. Riêng trong năm nay, tôi đã nhận đỡ đầu cho 21 học sinh nghèo, trong đó có 3 cháu học cấp III, 2 cháu học Đại học và 17 cháu đang học cấp I, II.

Giờ đây, sau sự giúp đỡ của tôi, nhiều cháu đã tốt nghiệp Đại học, hoàn thành các lớp học nghề, có việc làm ổn định, tự lập cuộc sống. Không giấu được niềm vui, mãn nguyện khi các cháu đến thăm, xin được trả lại những khoản tiền tôi hỗ trợ nhưng tôi đều không nhận và động viên các cháu mang về tiếp tục giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời khó khăn khác được đi học. Tôi mong rằng, việc làm bé nhỏ của tôi sẽ góp phần thắp sáng lên ngọn lửa nhân ái, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng xã hội.  

 

Lê Văn Ý

(Xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre)

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Lê Văn Ý , thương binh

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi