Là con gái đầu lòng trong một gia đình có bố mẹ đều là cựu chiến binh khiến tôi rất hãnh diện. Dẫu thiệt thòi hơn hai người em bởi cơ thể không phát triển bình thường, nhưng bên cạnh tôi luôn có người thân đồng hành, tiếp sức cho tôi vượt qua những rào cản của số phận để thực hiện ước mơ dạy nghề cho người đồng cảnh.
Gia đình là điểm tựa
Căn nhà nhỏ nằm khuất sau rặng tre trong xóm 6 là nơi đã cùng tôi lớn lên, nuôi dưỡng tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm. Ngày tôi lọt lòng mẹ, bố mẹ tôi vui mừng khôn xiết khi tôi có một hình hài lành lặn như bao người khác. Nhưng những ngày tháng yên bình của tuổi thơ tôi chỉ vỏn vẹn vài tháng. Nghe mẹ tôi kể, lúc tôi tròn 3 tháng tuổi, một cơn sốt cao kéo dài đã khiến cho sức khoẻ của tôi yếu đi nhiều. Càng lớn, đôi chân, đôi tay của tôi càng teo lại và nói chậm hơn những đứa trẻ đồng trang lứa.
Không đành lòng nhìn tôi, cô con gái bé bỏng phải nằm liệt trên giường bệnh, bố mẹ đã đưa tôi đi khám chữa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi ra Bắc điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi thì vô Nam theo lời mách bảo của người thân, thế nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Cũng trong lúc lo lắng chất chồng, bố mẹ tôi lại đón nhận nỗi buồn khi bác sĩ kết luận, cơ thể của tôi sẽ không thể phát triển bình thường do tôi mang di chứng chất độc da cam từ bố.
Nga luôn mong có nhiều sức khoẻ để dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật
Thương người mẹ hao gầy sau nhiều đêm ngày chăm sóc bệnh tình cho tôi, càng yêu người bố thương binh nhiều hơn vì luôn cố gắng bù đắp thiệt thòi cho đứa con gái khuyết tật, tôi tự nhủ không ỉ nại vào khuyết tật của cơ thể, nhất định không trở thành gánh nặng cho người thân. Từ một người phải sống dựa vào bố mẹ, mọi sinh hoạt cá nhân đều có người hỗ trợ, tôi đã tập ngồi, nỗ lực rèn luyện sức khoẻ để có thể tự ăn uống và tự chủ trong các sinh hoạt hàng ngày. Tôi còn nhớ những ngày bắt đầu làm quen với các bài tập phục hồi chức năng, do chân tay teo tóp, các khớp xương co cứng khiến tôi phải chịu nhiều đau đớn. Lúc đó, bố mẹ đã luôn động viên, đồng hành cùng tôi và tiếp thêm cho tôi sức mạnh, nghị lực để vượt qua mọi thử thách.
Từng ước ao được đi học nhưng tôi không thể tới trường vì sức khoẻ yếu. Mặc dù vậy, tôi lại rất mê học chữ, thích đọc sách, tôi quyết định xin bố mẹ mua cho sách vở để tự học, bên cạnh tôi khi ấy có những người bạn tốt và các anh chị cùng thôn đã hết lòng chỉ dạy, kèm cặp cho tôi. Nhờ sự ham học, nhanh trí, tôi đã biết đọc, biết viết, có thể làm những phép toán đơn giản.
Không muốn cuộc sống cứ mãi đơn điệu, nhàm chán và sống dựa vào người thân, tôi đã nảy ra ý định tìm học một cái nghề phù hợp với sức khoẻ để có thể tự lập cuộc sống và có niềm vui sống.
“Cô giáo” tí hon dạy nghề cho người đồng cảnh
Mang trên mình một cơ thể không lành lặn nhưng trong tôi chưa bao giờ có những suy nghĩ tiêu cực, tôi vẫn tự nhủ hãy cứ yêu đời và luôn nở nụ cười trước bão giông, thử thách rồi mọi chuyện buồn sẽ trôi qua, niềm vui sẽ ở lại. Với suy nghĩ lạc quan, tôi thuyết phục bố mẹ tạo điều kiện cho tôi đi học nghề, vì tôi muốn được làm việc như bao người bình thường khác, để tôi thấy mình còn có ích cho cuộc đời này.
Qua tìm hiểu bạn bè và tham khảo các thông tin trên các phương tiện truyền thông, năm 2011, tôi gói gém hành trang ra Hà Nội học nghề làm tranh thêu. Tạm biệt quê hương, xa ngôi nhà nhỏ đơn sơ và những người thân yêu, tôi học cách tự lập nơi đất khách quê người và chuyên tâm học nghề.
Suốt thời gian học, tôi được thầy cô tận tình giúp đỡ và sự tin yêu của những người bạn đồng cảnh. Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ là lớp trưởng và có trách nhiệm hỗ trợ các học viên có tay nghề yếu. Thấm thoắt 6 tháng trôi qua, tôi hoàn thành khoá học với tấm chứng chỉ nghề loại giỏi. Khác với những học viên cùng khoá, người quyết tâm ở lại Hà Nội học thêm nghề mới, người mong muốn tìm được việc làm, còn tôi quyết định trở về quê, mang theo hy vọng sẽ tự lập cuộc sống bằng nghề đã học.
Trước khi mở cửa hàng, tôi say sưa vẽ mẫu, miệt mài thêu và sáng tác những bức tranh bắt mắt, độc đáo. Sau hai tháng rèn rũa tay nghề, bức tranh thêu đầu tiên của tôi đã hoàn thành, tuy có những phần tôi chưa hài lòng nhưng được mọi người động viên và đánh giá là tinh tế, màu sắc, phong cảnh hài hoà đã giúp tôi có niềm hứng khởi với nghề.
Những ngày đầu lập nghiệp, tôi cố gắng tập trung làm nghề để tạo dựng uy tín với khách hàng, những bức tranh vô tri vô giác đã được tôi thổi hồn bằng những sợi chỉ sắc màu. Tôi vui khi nhận được nhiều lời khen ngợi và góp ý của khách hàng, nhờ thế những sản phẩm tranh thêu của tôi ngày càng đạt tới kỹ thuật tinh xảo.
“Cô giáo” tí hon và các học viên đồng cảnh
5 năm dành tâm huyết, gắn bó với nghề, tôi đã sáng tác hơn 200 bức tranh thêu về phong cảnh, đồng quê, trẻ thơ, mái trường… Mỗi bức tranh của tôi có giá từ vài trăm nghìn đồng đến một, hai triệu đồng, tuỳ theo độ lớn nhỏ, kỹ thuật phối màu… Để có thêm nguồn thu nhập, tôi nhận làm tranh giấy, thiệp giấy nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng ở mọi lứa tuổi.
Từng đau đáu ước mơ giúp đỡ người đồng cảnh, năm 2014, tôi quyết định thành lập cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật. Được gia đình ủng hộ và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ về nhà xưởng, tôi đã đầu tư một số trang thiết bị cần thiết và liên tục mở lớp dạy nghề. Những học viên đầu tiên của tôi là người đồng cảnh cùng xã và một vài huyện lân cận. Gần đây đã có một số học viên ở các tỉnh thành xa xôi như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Trị… tìm đến cơ sở xin học nghề.
Tôi chỉ là một cô gái khuyết tật bé nhỏ, sức khoẻ yếu ớt và đôi tay thường xuyên đau mỏi sau mỗi ngày lao động quá sức, nhưng tôi hạnh phúc lắm khi tự lập cuộc sống của mình và làm được những việc thật ý nghĩa cho cuộc đời này. Tôi tin rằng, với sức vóc bé nhỏ nhưng tôi sẽ khơi dậy nghị lực sống cho người đồng cảnh, giúp họ mạnh mẽ và sống lạc quan hơn để có một cuộc đời tươi vui, hạnh phúc.
Đậu Thị Nga
(Xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng' - 05/12/2016 03:09
- Thể dục thể thao - Cơ hội rèn luyện sức khỏe và thể hiện ý chí của NKT - 02/12/2016 03:29
- Làm việc thiện cho đời thêm vui - 01/12/2016 09:02
- Bị xe buýt lảng tránh, người khuyết tật nén đau, đi xe ôm - 24/11/2016 06:46
- Tổ chức của NKT với công tác truyền thông - 21/11/2016 03:33
Các tin khác
- Học sinh khiếm thị ở Sài Gòn học đi chợ, nấu ăn - 07/11/2016 03:12
- Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh: Với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị - 04/11/2016 03:27
- Làm việc thiện là niềm vui sống - 03/11/2016 07:41
- Khát khao “mở” thế giới bằng đôi tay - 14/10/2016 06:37
- Khai mạc Triển lãm "Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù" - 10/10/2016 02:53