Gần 20 năm thành lập, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, động viên giúp đỡ hội viên tự tin tham gia các hoạt động văn hoá xã hội, thể thao. Cùng với các hoạt động đó, Hội cũng chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khiếm thị, giúp hội viên có thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm, tin vào khả năng, năng lực làm việc và tạo môi trường để người mù vươn lên, tự tin hòa nhập cùng cộng đồng.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp hội viên làm chủ cuộc sống
Thành lập từ năm 1997 đến nay, trải qua 4 kỳ Đại hội, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 8 Hội cơ sở cấp huyện, 79 chi Hội cấp xã và trên 1.000 hội viên tham gia. Với phương châm vừa hoạt động, vừa xây dựng phát triển tổ chức, Hội đã đẩy mạnh việc thành lập các lớp dạy chữ Braille, vừa dạy nghề tạo việc làm, ổn định phát triển kinh tế gia đình cho hội viên thông qua các dự án về dạy nghề massage, tẩm quất, tin học văn phòng, làm tăm giang…
Một trong những chương trình hoạt động trọng tâm được Hội duy trì trong nhiều năm qua, mang lại hiệu quả tốt đó là dịch vụ xoa bóp bấm huyệt, tầm quất giác hơi. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 14 tổ dịch vụ cho hội viên ở các huyện, thị xã, thành phố, tạo việc làm cho hàng trăm hội viên với thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/hội viên/tháng.
Lớp tin học văn phòng vừa được Hội Người mù tỉnh khai giảng nhằm nâng cao trình độ, tạo thêm cơ hội làm việc cho hội viên
Riêng trong 9 tháng qua, ngoài khai giảng các lớp học nghề, Hội còn khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố tự mở các lớp đào tạo nghề, trong đó có lớp đào tạo nghề xoa bóp tẩm quất nâng cao. Qua các lớp học, các hội viên không chỉ được học những kỹ thuật về xoa bóp tẩm quất, mà còn được trang bị kiến thức về các huyệt trong cơ thể để ứng dụng nâng cao sức khỏe cho khách hàng khi đến các cơ sở xoa bóp, tẩm quất.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức sản xuất tăm giang, tăng cường việc tiêu thụ tăm tại các trường học, cơ quan, tạo thêm nguồn thu nhập cho hội viên. Trong thời gian qua, Hội đã phối hợp với một số Trung tâm dạy nghề cho người khiếm thị trong và ngoài tỉnh tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ. Bước đầu các lớp nghề đã thu hút nhiều hội viên tham gia, tạo ra những sản phẩm đẹp như bình hoa, lọ hoa, móc chìa khóa… Đây là cách đào tạo nghề khá phù hợp với khả năng của hội viên cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, mở ra hướng đi mới cho hội viên trong việc chọn lựa nghề.
Anh Bùi Văn Huy (thành phố Bắc Ninh) tâm sự: “Trước kia cuộc sống của tôi chủ yếu phụ thuộc vào gia đình, đôi lúc tôi cảm thấy mình là gánh nặng của người thân, nhưng khi được tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù tỉnh, cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới và thực sự ý nghĩa. Tôi được tạo điều kiện học tập nâng cao kỹ năng sống, được tham gia lớp xóa mù chữ, học chữ nổi Braille và được học nghề massage. Sau khoá học, tôi được Hội giới thiệu vào làm việc tại cơ sở xoa bóp, tẩm quất Xuân Trường, có thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này tôi có thể tự lập cuộc sống và đỡ đần vợ con, giúp đỡ gia đình”.
Người khiếm thị mặc dù mất đi đôi mắt nhưng còn hai bàn tay. Với sự giúp đỡ của Hội Người mù tỉnh và các cấp Hội, cùng sự nỗ lực không ngừng, mỗi hội viên đã vượt lên chính mình, tích cực tham gia lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất cho gia đình, xã hội, từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình
Song song với công tác dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên, Hội Người mù tỉnh còn tập trung nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp với khả năng, động viên hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Trong năm, Hội thu hồi được 11 Dự án nguồn vốn vay với số tiền hơn 700 triệu đồng trả Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện Hội đang quản lý 21 Dự án cho 127 hội viên vay số tiền hơn 1 tỷ đồng, triển khai 6 Dự án với 410 triệu đồng nguồn vốn địa phương cho 23 hội viên vay vốn.
Nhằm trang bị kiến thức cho hội viên trong phát triển chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội đã tổ chức các buổi hội thảo khuyến nông cho hội viên bằng kinh phí trích từ ngân sách và tự vận động. Hội thường xuyên nắm bắt nhu cầu đời sống hội viên, kiểm tra, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Trong thời gian qua, Hội vận động các mạnh thường quân đỡ đầu những người có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cho gần 40 hội viên nghèo.
Người khiếm thị có thể vươn lên thoát nghèo từ nghề tầm quất, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi
Tuy còn nhiều khó khăn về kinh phí, cán bộ Hội gặp khó khăn trong đi lại… nhưng Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh và các cấp Hội luôn cố gắng tìm nguồn kinh phí, tạo điều kiện giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình ổn định đời sống, góp phần giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới.
Ông Vũ Đức Chính - Chủ tịch Hội cho biết: “Để bảo đảm tốt nguồn vốn vay, các cấp Hội thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thực trạng hội viên sử dụng nguồn vốn, điều tra hội viên có nhu cầu vay vốn và nắm bắt nguyện vọng của từng hội viên, đồng thời hướng dẫn hội viên sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Được vay vốn, được học tập nâng cao kiến thức nên hội viên rất phấn khởi, tích cực tham gia lao động sản xuất cải thiện đời sống, đã có nhiều gia đình hội viên thoát nghèo vươn lên làm giàu, thành công với mô hình chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng nấm tại hộ gia đình”.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, tỉnh Hội đã rất tích cực vận động tài trợ từ phía các cơ quan, ban, ngành để hỗ trợ những hội viên khó khăn. Từ đầu năm đến nay, hầu hết hội viên được trợ cấp, tặng quà với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng. Hội đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trợ cấp thường xuyên cho 146 hội viên có hoàn cảnh khó khăn đang nuôi nhỏ bằng hình thức trao sổ tiết kiệm 1 triệu đồng/hội viên và trợ cấp học bổng cho mỗi con em hội viên từ 1 - 4 triệu đồng/năm học, đồng thời đỡ đầu cho 45 hội viên thuộc hộ nghèo 300 nghìn đồng/hội viên/tháng và triển khai nhiều hình thức hỗ trợ khác như tặng hàng trăm chiếc chăn ấm, máy vi tính, xây dựng hàng chục căn nhà đại đoàn kết, góp phần xóa đói giảm nghèo cho 72% người mù nghèo trong tỉnh.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Làm việc thiện cho đời thêm vui - 01/12/2016 09:02
- Bị xe buýt lảng tránh, người khuyết tật nén đau, đi xe ôm - 24/11/2016 06:46
- Tổ chức của NKT với công tác truyền thông - 21/11/2016 03:33
- Hãy lạc quan vượt qua thử thách - 18/11/2016 03:51
- Học sinh khiếm thị ở Sài Gòn học đi chợ, nấu ăn - 07/11/2016 03:12
Các tin khác
- Làm việc thiện là niềm vui sống - 03/11/2016 07:41
- Khát khao “mở” thế giới bằng đôi tay - 14/10/2016 06:37
- Khai mạc Triển lãm "Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù" - 10/10/2016 02:53
- Điều gì đã làm nên nhà vô địch Paralympic Lê Văn Công? - 06/10/2016 04:57
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập với nâng cao chất lượng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật - 05/10/2016 03:39