Thứ sáu, 15 Tháng 7 2016 09:44

Ngoài 60 tuổi, chừng ấy năm sống cùng đôi chân khiếm khuyết, nhưng với quyết tâm của một người “tàn nhưng không phế”, ông Bùi Ngọc Thành (phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã từng bước vượt lên số phận, sống tự lập bằng niềm đam mê nghệ thuật và chính sức lao động của mình. Với trái tim đồng cảm cùng những người khuyết tật khác ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và phát triển Hội NKT thành phố Pleiku ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả.

Vươn lên nhờ nghệ thuật

Ông Bùi Ngọc Thành sinh ra trong một gia đình lao động ở thành phố Pleiku. Số phận không may mắn khiến ông phải chịu di chứng của cơn sốt bại liệt khi mới vừa 3 tháng tuổi. Dù gia đình hết sức chạy chữa thuốc thang nhưng không có kết quả. Chân phải của ông Thành đã bị teo cơ. Sự khó khăn trong hoạt động thường ngày cũng kéo theo những hạn chế trong phát triển về thể chất.

Để vượt lên nỗi mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của mình, ông Thành kiên nhẫn, tập trung cho việc học tập và đã hoàn thành chương trình học phổ thông năm 1975. Sau năm 1975, trong thời kỳ kinh tế đất nước khó khăn, ông bước vào đời với hai bàn tay trắng. Với quyết tâm xây dựng cuộc sống tự lập, không phụ thuộc vào gia đình, người thân, ông Thành chấp nhận làm bất cứ việc gì phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình. Thu nhập bấp bênh, có lúc chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn nhưng ông đều trân trọng, chắt chiu.

Chan dung - Nguoi tran tro con duong hoa nhap 1

Ông Bùi Ngọc Thành trong dịp tham dự Diễn đàn NKT khu vực châu á Thái Bình Dương

ý thức rõ về hoàn cảnh bản thân, về cuộc sống tương lai, xác định mái chèo đời mình là đôi bàn tay và khối óc nên ông Thành chọn con đường nghệ thuật. Đây là năng khiếu cũng là niềm đam mê của ông. Cây đàn Guitar đã theo ông trong suốt thời niên thiếu, là người bạn tâm tình mỗi lúc vui buồn cuối cùng lại trở thành công cụ giúp ông Thành mưu sinh. “Tôi nhận dạy đàn Guitar cho các bạn trẻ. Học trò của tôi ban đầu chỉ có một số bạn, sau đó đông dần, ổn định sau những năm đổi mới. Nghề “chở khách sang sông” này không chỉ giúp tôi nuôi sống bản thân mà còn phụ vợ tạo dựng cơ ngơi, nuôi dạy con gái khôn lớn thành người. Đến nay, con gái tôi đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, có việc làm ổn định” - ông Thành nói với nụ cười mãn nguyện.

Trong những ngày đầu thành phố Pleiku vừa giải phóng, để đáp ứng nhu cầu phổ biến những bài hát cách mạng đến với thanh thiếu niên, ông Thành tham gia vào ban Thông tin văn hóa của phường Hoa Lư (cũ). Cùng với đội, ông đã đóng góp vào các chương trình văn nghệ phục vụ quần chúng tại địa phương. Với mong muốn khẳng định người khuyết tật “tàn nhưng không phế”, góp phần của mình vào tiếng nói chung của cộng đồng, ngoài dạy đàn Guitar, ông Thành còn tham gia sáng tác thơ, nhạc kịch và đã đạt được nhiều giải thưởng về thơ, nhạc dành cho người khuyết tật như: giải A cuộc thi thơ dành cho người tàn tật tỉnh Gia Lai năm 2003. Tác phẩm tự biên, tự diễn: “Cho hành tinh xanh” đạt giải Nhất trong Hội thi thể thao và văn nghệ người khuyết tật Việt Nam lần thứ I vào tháng 5/1997…

Hết mình vì người đồng cảnh

Khi đất nước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống của nhân dân trong đó có người khuyết tật được cải thiện về cả vật chất và tinh thần, ông Thành lại chủ động tìm gặp những người đồng cảnh trong thành phố, thành lập Ban Vận động thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật thành phố Pleiku và từng bước phát triển Câu lạc bộ thành Hội người khuyết tật thành phố Pleiku ngày nay.

Ông chia sẻ: “Để nâng cao nhận thức các vấn đề về người khuyết tật cho những người đồng cảnh và cộng đồng, tôi đã tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực, tìm hiểu pháp luật và đóng góp ý kiến cho Luật Người khuyết tật. Cùng với các anh chị em trong Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật Pleiku, tôi tham gia các công tác xây dựng phong trào từ thiện và nâng cao nhận thức cho các hội viên để họ xóa đi mặc cảm, tự ti hòa nhập vào cộng đồng”.

Chan dung - Nguoi tran tro con duong hoa nhap 2

Ông Bùi Ngọc Thành trong một hoạt động của Hội NKT thành phố Pleiku, Gia Lai

Với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đặc biệt là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Gia Lai, ông Thành cùng BCH Hội Người khuyết tật thành phố Pleiku đã vận động, giới thiệu cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn các công cụ hỗ trợ như xe lăn, xe lắc, gậy chống... các chương trình phẫu thuật chỉnh hình và nhiều phần quà để động viên an ủi, tạo thêm nghị lực và niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống. Cũng nhờ vào vai trò lãnh đạo, tổ chức của ông Thành mà các thành viên của Hội ngày càng gắn bó, tham gia sinh hoạt định kỳ vào ngày đầu tháng của quý khá đông đảo. Phương châm “Hãy gõ cửa, cuộc sống sẽ mở ra!” được ông Thành và nhiều Hội viên thành đạt khác truyền lửa để lớp người trẻ, những người kém may mắn vốn nhìn cuộc đời “kém sắc” hòa nhập cộng đồng, nhận ra, tìm thấy ánh lửa hồng phía trước, để có thêm nghị lực phấn đấu, vươn lên.

ở cương vị là lãnh đạo của một tổ chức tự lực của NKT, ông Thành luôn trăn trở là làm sao để xóa đi mọi rào cản để người khuyết tật tự tin trên con đường hòa nhập và phát triển. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là hiện nay, nhận thức của cộng đồng xã hội về người khuyết tật còn chưa cao. Luật người khuyết tật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã được ban hành nhưng để đi được vào thực tế còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, ông Thành và BCH Hội Người khuyết tật thành phố Pleiku đã cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật theo đúng quy định của pháp luật cho các anh chị em trong và ngoài Hội. Các hoạt động tập trung vào các vấn đề còn bất cập trong tiếp cận với các phương tiện giao thông, các công trình công cộng của NKT tại địa phương….

Ông Thành chia sẻ: “Vấn đề tiếp cận với nền giáo dục hòa nhập, học nghề, tìm việc làm cho các trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố khiến tôi luôn trăn trở. Đối đầu với những thử thách này, phải đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự hợp tác của bản thân các em cũng như gia đình. Tuy nhiên, vì điều kiện các em cũng chỉ vượt qua được cấp I , cấp II, số em học hết cấp III và vào các trường chuyên nghiệp quá ít ỏi. Cũng vì trình độ học vấn hạn chế nên các em học nghề gặp rất nhiều khó khăn. Tôi rất mong nhận được được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành và toàn xã hội để trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học tại Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung được tham gia vào nền giáo dục hòa nhập hoặc chuyên biệt, người khuyết tật trong độ tuổi lao động được hướng nghiệp và đào tạo nghề miễn phí với sự tham vấn của các chuyên gia để chương trình đạt được kết quả như mong muốn và có tính bền vững”.

Với những đóng góp trong hoạt động của người khuyết tật, ông Bùi Ngọc Thành đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ông là tấm gương sáng cho nghị lực vươn lên của những người kém may mắn trong xã hội và là đại diện tiêu biểu của tỉnh Gia Lai hai lần tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc (năm 2004 và 2016).

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE chân dung , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi