Thứ hai, 11 Tháng 7 2016 10:22
Nghị lực sống và lòng nhân ái đã giúp cô gái khuyết tật Trần Thụy Thúy Vy (SN 1978, ngụ phường 5, quận 4, TP.Hồ Chí Minh) chủ cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling làm nên những điều kỳ diệu. Vy không tự ti, mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân mà xem đó là động lực để vươn lên đồng thời giúp nhiều bạn trẻ kém may mắn có thể tự nuôi sống bản thân.
 
Vy hướng dẫn học viên
Chị Vy đang hướng dẫn các học viên làm tranh
 
Kiên trì với những vòng giấy
 
Khi chúng tôi đến xưởng, chị Vy đang tỉ mỉ hướng dẫn các học viên ghép, phối màu từng miếng giấy xoắn với nhau tạo thành những đường nét, mảng miếng cho các bức tranh.
 

Tranh giấy xoắn lại là loại hình nghệ thuật khá mới mẻ. Tranh được sáng tác thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người họa sĩ. Không dùng cọ vẽ, họ chỉ ghép, phối màu những sợi giấy nhỏ từ 2 li đến 3 li đã được xoắn tròn đủ các màu sắc rồi khảm, dán vào nhau tạo thành tranh.

 

Người họa sĩ phải tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành xong một tác phẩm. Từ các khâu xoắn giấy, thiết kế mẫu nền trên khung, cho đến dán giấy cũng lắm công phu. Giấy xoắn phải được cuốn tạo hình thật tỉ mỉ, nếu không khéo tay có thể làm hỏng giấy, nhăn không đẹp hoặc không sử dụng được nữa.

 

Bù lại, các tác phẩm tranh giấy xoắn hiện rất được ưa chuộng. Chúng có nét đặc trưng riêng, cho thấy sự độc đáo, đường nét sống động thể hiện tính kiên nhẫn, óc tưởng tượng cùng đôi bàn tay khéo léo của người họa sĩ. Đến với loại hình này, chị Vy phải luôn kiên nhẫn với từng vòng xoắn giấy như chính cuộc đời chị.

 

tác phẩm của chị Vy

Tác phẩm tranh giấy xoắn của chị Vy

 

Chị là con thứ 2 trong một gia đình họa sĩ nghèo có 3 chị em ở quận 4, TP.HCM. Năm 3 tuổi, cơn sốt nặng khiến cô bé Vy bị liệt teo chân phải, còn người chị song sinh mù mắt trái. Gia cảnh khó khăn, bố mẹ đành phải gửi cô bé vào Trung Tâm Phục Hồi Chức Năng Và Trợ Giúp Trẻ Tàn Tật Quận 3 (TP.HCM) đến năm 12 tuổi mới đón về.

 

Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của gia đình nên cô bé sớm biết cách sống tự lập và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Lớn lên, ngoài việc đi lại khó khăn, chị Vy luôn tự làm mọi việc như người lành lặn. Năm 1998, học xong lớp 12, không đủ điều kiện học lên đại học, chị đi làm công nhân kiếm tiền phụ gia đình.

 

Sau hai năm làm công nhân, chị Vy dành dụm được ít tiền rồi đăng ký học lớp trung cấp đồ họa vi tính ở trường Đại học Khoa Học Xã Hội Tự Nhiên TP.HCM vào buổi tối với khát vọng có được tấm bằng và một cái nghề ổn định. Chị tốt nghiệp loại khá nên được nhận vào làm kỹ thuật viên thiết kế tranh hoạt hình cho một công ty quảng cáo ở Công viên phần mềm Quang Trung.

 

Năm 2008, chị thi đậu vào khoa Mỹ Thuật Công Nghiệp trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng khi đã ngoài 30 tuổi. Cái duyên đưa Vy đến với nghề làm tranh giấy xoắn cũng bắt đầu từ đây. Nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, thầy chủ nhiệm mang về một bức tranh ghép bằng giấy xoắn, yêu cầu các sinh viên tham khảo rồi sáng tác một tác phẩm tương tự để dự thi triển lãm tranh.

 

Chị Vy bị mê hoặc ngay bởi những đường nét sinh động và màu sắc hài hòa của bức tranh. Vốn tính nhút nhát nhưng lần này, chị mạnh dạn xin đảm nhận nhiệm vụ nhóm trưởng. Lần ấy, tác phẩm dự thi chỉ đoạt giải khuyến khích nhưng nó đã thúc giục chị Vy say sưa và muốn thử sức mình với lĩnh vực hội họa mới mẻ này.

 

Chị Vy đã đến gặp thầy chủ nhiệm trình bày ước mơ mở một cửa hàng làm tranh giấy xoắn sau ngày tốt nghiệp. Một sinh viên mỹ thuật trong trường đến hướng dẫn chị từ những khái niệm cơ bản về tranh giấy xoắn cho đến cách chọn giấy, các công đoạn phối màu và khảm dán tranh. Bên cạnh đó, chị Vy còn lên mạng tìm tòi học thêm cách làm tranh, rồi mày mò sáng tạo theo phong cách riêng thỏa mãn đam mê.

 

Ươm mầm những ước mơ

 

Năm 2013, tốt nghiệp, chị Vy không đi làm mà quyết định cùng chị gái mở shop thiết kế logo, vẽ áo, gối, chăn màn tại nhà bà nội ở cư xá Vĩnh Hội, quận 4. Thời điểm ấy, giới trẻ Sài Gòn đang rộ lên trào lưu vẽ hình, chữ và hoa văn lên áo. Khách hàng tấp nập tìm đến cửa hàng của hai chị em. Gia công mỗi áo, chị kiếm được 50 ngàn đồng. Tranh thủ thời gian rảnh, chị Vy mày mò theo đuổi đam mê làm tranh giấy xoắn.

 

Là một họa sĩ đa phong cách, chị Vy sáng tác được nhiều thể loại từ phong cảnh đến chân dung. Cảm hứng xoay quanh đề tài thiên nhiên với những đường nét đơn giản mà sống động như thật. Tác phẩm đầu tay “Cô gái gánh gạo” bán được với giá 350 ngàn đồng, chị Vy mừng đến rơi nước mắt. Lúc ấy, trong đầu chị nảy sinh ý định mở cơ sở làm tranh giấy xoắn để hai chị em cùng làm nhưng khổ nỗi kinh phí không đủ.

 

Rồi cơ may cũng đến giúp chị thực hiện hoài bão của mình. Chị Vy tình cờ tham gia cuộc thi video clip “ Tết trong mắt tôi” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức và đã đạt giải nhất (10 triệu đồng) với tác phẩm “Những khoảng trời riêng”. Video clip này truyền tải nghị lực vượt khó cùng những cảm xúc của chị bên gia đình trong ngày Tết và ước mơ đem nghệ thuật làm tranh giấy xoắn đến với ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Số tiền thưởng ấy góp phần giúp chị mở cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling.

 

Bằng khen của Vy

Chị Vy với tấm bằng khen

 

Hiện tại, cơ sở của chị Vy đang dạy nghề, bao ăn uống, chỗ ở cho hàng chục bạn trẻ khuyết tật nghèo khó từ các khắp tỉnh trong cả nước. Những tháng đầu học việc, mỗi người được chị Vy trả 1,5 triệu tiền lương, mức lương sẽ tăng dần theo năng suất làm việc.

 

Cùng cảnh ngộ, cùng khó khăn nên các anh chị em ở đây rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ai cũng rất nỗ lực, kiên trì học hỏi nên thích ứng khá nhanh với việc ghép, dán những xoắn giấy. Chỉ cần 2 tháng miệt mài, học viên đã có thể tự tay hoàn thành những bức tranh đơn giản. Các tác phẩm không chỉ thấm đẫm mồ hôi của các bạn trẻ mà còn gửi gắm cả niềm vui vượt khó cùng những nỗ lực, ước mơ của mình.

 

Ngoài thời gian ở cơ sở dạy nghề cho mọi người, chị Vy còn mang tranh, thiệp, quà lưu niệm lang thang khắp các công viên, khu vui chơi giải trí để bán và giới thiệu nghệ thuật tranh giấy xoắn nhằm tìm đầu ra. Nhờ vậy, khách hàng của cơ sở không chỉ trong nước, mà nhiều người ở nước ngoài cũng liên hệ đặt mua tranh thông qua trang mạng xã hội facebook.

 

Để nâng cao uy tín và chất lượng tranh, chị Vy phải bỏ nhiều công sức tìm mua các loại giấy, khung, keo dán loại tốt. Bên cạnh đó chị còn đảm nhận luôn phần vẽ thiết kế mẫu tranh làm nền cho các học viên ghép dán. Những ai có ý tưởng mới lạ luôn được chị lắng nghe, trân trọng và phát huy tích cực.

 

Chị Vy chia sẻ: “Cở sở mình quy mô nhỏ nên phải lấy chất lượng làm đầu, tranh không chỉ đẹp mà chất liệu phải bền mới có thể lưu giữ lâu cái đẹp như chính lòng yêu nghề của người sáng tác nó”.

 

Cũng là người khiếm khuyết nên chị hiểu được những khó khăn của người khuyết tật khi xin việc làm. 3 năm qua, chị Vy không chỉ sáng tác ra nhiều tác phẩm làm đẹp cho đời mà đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng chục bạn trẻ khuyết tật.

 

Vy đang hướng dẫn

Chị Vy đang hướng dẫn Trúc dán các xoắn giấy trên nền tranh

 

“Tôi luôn ủng hộ các bạn khuyết tật, và hiểu rằng nếu được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi các bạn sẽ cống hiến hết mình cho công việc, cho nghệ thuật. Tôi ước mong cơ sở sau này sẽ được mở rộng hơn để đón thêm được nhiều học viên mới đến, giúp họ có công ăn việc làm ổn định để hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, chị Vy chia sẻ.

 

Nói về việc học nghề ở đây, em Lê Thị Mỹ Trúc quê ở tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Đôi chân em không thể đi lại được, học chẳng đến chốn, ở quê chẳng làm được gì cả. Sau 2 năm học nghề và làm việc, giờ em đã có thể tự vẽ tranh sáng tác, ghép dán xoắn giấy để hoàn thành một bức tranh hoàn chỉnh. Mỗi tháng, em lại có lương gửi về quê phụ giúp bố mẹ. Quả thực là cuộc đời em đã thay đổi”./.

 

 

Nguồn: Báo Pháp Luật

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Trần Thụy Thúy Vy , khuyết tật , tranh giấy

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi