Thứ hai, 16 Tháng 5 2016 11:30

Trong một lần đến Việt Nam du lịch, cô Jodie Patterson (người Australia) biết đến lớp học đặc biệt dành cho các em bị khuyết tật, khiếm thị, bệnh down, bệnh tự kỷ với những hoàn cảnh khó khăn khác nhau đang tập hòa nhập cộng đồng tại Câu lạc bộ Năng khiếu Thể dục thể thao (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) thông qua một người bạn của mình. 

 

Cô ngỏ ý mong muốn được giúp đỡ các em rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và đã gắn bó với lớp học hơn một năm qua.

 

cô giáo dạy tiếng anh cho trẻ em khuyết tật

Mỗi sáng thứ Năm hàng tuần, cô Jodie Patterson cùng với những người bạn của mình lại đến Câu lạc bộ Năng khiếu Thể dục thể thao để dạy tiếng Anh miễn phí cho các em khuyết tật trong không khí ngập tràn vui tươi, hứng khởi.

Cô Jodie chia sẻ: “Tôi cũng có một người em gái bị khuyết tật, không thể tự đi được, không thể nói được và chỉ ngồi trên xe lăn nên tôi rất hiểu và đồng cảm với các em ở lớp học này. Vì thế tôi luôn mong muốn giúp đỡ các em trong khả năng của mình."


Đến với lớp học, cô Jodie dạy các em luyện tập kỹ năng nói tiếng Anh thông qua các bài học đơn giản và gần gũi trong cuộc sống. Cô Jodie cho biết, việc giảng dạy phải thật chậm và dễ hiểu, phương pháp giảng dạy phù hợp để các em dễ tiếp thu.

cô jodie

Cô Jodie ân cần chỉ cho một học viên khiếm thị tiếp cận với công cụ đọc chữ nổi được bạn bè tặng.

với lớp học đặc biệt

Với lớp học đặc biệt này, cô Jodie còn sử dụng các công cụ, hình ảnh minh họa trực quan sinh động để các em dễ tiếp thu.

cô jodie sử dụng các công cụ

Cô Jodie sử dụng các công cụ, thiết bị mà mình có để phục vụ giảng dạy cho các em một cách hiệu quả nhất.

một buổi học nhạc sôi nổi

Một buổi học nhạc sôi động giữa các cô giáo nước ngoài và các học trò Việt.

các em trong lớp tích cực tham gia

Các em trong lớp tích cực tham gia học tập và sinh hoạt, từng bước có những tiến bộ nhất định.

một học viên trong lớp học giới thiệu

Một học viên trong lớp học giới thiệu một tập hình ảnh học tiếng Anh được các thầy cô trao tặng.

niềm vui của các thầy cô tình nguyện

Niềm vui của các thầy cô tình nguyện khi đến với lớp học đặc biệt của các em bị khiếm khuyết.

 

Đồng hành với lớp học còn những người bạn của cô Jodie đến từ các quốc gia khác nhau, như vợ chồng thầy Jean Marc (Pháp), cô Amber (Mỹ), ông Alan Murray (Anh), thầy Phúc Sơn, cô Thanh Loan (Việt Nam). Tất cả đều muốn góp sức giúp các em trong việc học tập và vui chơi. Tùy vào hoàn cảnh và công việc của mỗi người, các thành viên trong nhóm tự phân chia thời gian để đến lớp và sinh hoạt, vui chơi với các em.

 

Các tài liệu dạy tiếng Anh chuyên biệt, các dụng cụ, máy móc hỗ trợ nghe nhìn cho người khiếm thính, khiếm thị do các thầy cô tự đóng góp được vận dụng tối đa trong buổi học nhằm giúp các em có thể tiếp thu bài học tốt nhất. Những buổi học hát, học đàn, học vẽ tranh,… trong lớp học luôn diễn ra sôi nổi và ngập tràn niềm vui, tiếng cười.

 

Cô Amber trong những lần về Mỹ đã tâm sự với những người bạn của mình về lớp học đặc biệt ở Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam, những người bạn của cô Amber cùng quyên góp sách vở, dụng cụ học tập để giúp cô có thêm dụng cụ để hỗ trợ các em học tập.

 

Nhìn thấy các em ngày một mạnh dạn hơn khi biết trò chuyện bằng tiếng Anh, biết giúp đỡ, quan tâm đến nhau đó là niềm vui khôn xiết đối với nhóm thầy cô. Trong đó, các em Bích Tuyền, Mạc Đăng Mừng, Bích Liên, Đăng Hải,… là những em có tiến bộ nhiều nhất. Các em tiếp thu bài học rất tốt, thậm chí còn có thể giúp đỡ, chỉ bảo lại các bạn tiếp thu chậm hơn.

 

Ông Nguyễn Thiện Chí (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, bố của em Nguyễn Bích Liên) nhận xét: “Đến với lớp học, tôi thấy con gái mình ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài. Tôi rất biết ơn các thầy cô tình nguyện bởi sự nhiệt tình, vui vẻ và hết lòng vì các em."

 

Còn đối với cô Jodie, cô luôn “cảm thấy rất hạnh phúc và thú vị mỗi khi đến lớp học, và cũng học hỏi từ các em được rất nhiều điều." Thế nên cô rất mong muốn sẽ được gắn bó lâu dài với lớp học này, được giúp đỡ các em và mong muốn được nhìn thấy các em sớm hòa nhập cộng đồng, có được cuộc sống tốt đẹp hơn./.

 

Nguồn: Báo Việt Nam+

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi