Thứ tư, 30 Tháng 3 2016 14:30

Dạy nghề không công cho người khuyết tật, mở thư viện sách miễn phí, nhiệt tình “vác tù và hàng tổng”… Những việc làm lặng thầm, tự nguyện của họ đã góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Hơn 20 năm qua, cái tên Phúc Mập (tức ông Nguyễn Văn Phúc) đã trở nên quen thuộc với nhiều người khuyết tật, có hoàn cản khó khăn, bán vé số,nhặt ve chai

 

Còn khỏe, còn làm việc thiện

 

Tiếp chúng tôi tại tiệm sửa xe trên đường Phạm Hùng (phường 5, quận 8, TP HCM), ông Nguyễn Văn Phúc trải lòng: “Dạy sửa xe cho người khuyết tật không hề dễ, tôi phải “nhập vai” giống như họ để chỉ dẫn. Có lúc, tôi phải buộc tay, khóa chân cho giống người học để hiểu họ rồi mới có thể dạy các thao tác sửa xe”.

 

ông phúc dạy sửa xe

Ông Phúc dạy sửa xe cho học viên khuyết tật

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, từ năm 14 tuổi, ông Phúc một mình lên Sài Gòn mưu sinh với đủ việc, từ bưng bê cho quán cơm đến ở đợ, sống lang thang, ngủ vạ vật dưới mái hiên, gầm cầu. Cuối cùng, ông được một người tốt bụng cho học nghề sửa xe. “Ba năm học nghề sửa xe máy, ngày học, đêm làm thêm kiếm tiền, gần 10 năm sau, tôi mới có một tiệm riêng” - ông nhớ lại.

 

Năm 1995, công việc ổn định, có thu nhập, nghĩ đến ngày xưa nghèo khó, ông Phúc quyết định giúp những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn theo cách riêng của mình. “Tôi nghĩ nếu có khả năng giúp được cho nhiều người khác thì sao mình không làm? Dạy nghề để họ tự kiếm sống, sau này họ có thể lo cho nhiều người nghèo khác nữa cũng là cách để người khuyết tật vượt qua mặc cảm và thấy mình có ích” - ông Phúc bày tỏ. Từ những suy nghĩ đó, ông đã truyền nghề sửa xe cho trên 200 học viên suốt hơn 20 năm qua.

 

Con em của những người bán vé số, chạy xe ôm, nhặt ve chai... không có điều kiện đến trường cũng được ông Phúc đưa về lớp học tình thương để dạy dỗ. Ngoài ra, tiệm sửa xe của ông còn phát cơm từ thiện vào mỗi buổi trưa. Mỗi tháng, ông lại về quê, phát hàng trăm ký gạo cho người nghèo và tìm thêm học viên khuyết tật để truyền nghề.

 

Thu nhập từ tiệm sửa xe chỉ đủ để trang trải cuộc sống và dạy nghề cho người khuyết tật. Để duy trì các hoạt động từ thiện, ông Phúc phải trông vào thu nhập từ 4 mẫu đất trồng cao su và điều ở Bình Phước. Gặp khi mùa màng thất bát, ông phải chạy taxi đến rạng sáng, nghỉ ngơi được vài giờ lại dậy ra tiệm sửa xe. “Còn khỏe thì tôi vẫn tiếp tục làm việc thiện. Đó cũng là cách tôi tri ân xã hội khi ngày xưa đã mở rộng vòng tay với mình” - ông tâm sự.

 

Thư viện thu nhỏ́

 

Thuở nhỏ, đam mê đọc sách nhưng không có tiền mua, phải đọc ké, vì vậy, khi cuộc sống dễ thở hơn, ông Nguyễn Ngọc Cần quyết định mở tiệm sách miễn phí ở số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP HCM để bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đến đọc và mượn về.

 

Với gần 4.000 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau, như: Phật học, danh ngôn cuộc sống, đạo lý làm người, kiến thức phổ thông…, tiệm sách của ông Cần như một thư viện thu nhỏ. Gần đây, giới trẻ ghé tiệm sách của ông ngày càng đông. Khi mà giới trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, tội phạm cướp giật và ma túy ngày càng trẻ hóa…, ông thật sự vui mừng vì nhiều người tìm đến đọc sách về đạo lý làm người. Tiệm sách cũng là nơi trải lòng của nhiều bạn trẻ khi gặp khó khăn trong cuộc sống. “Với vốn sống và kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng chia sẻ, đưa ra những gợi mở để họ lựa chọn” - ông Cần cho biết.

 

Có người thắc mắc khi cho mượn sách mà không cần giấy tờ hay tiền thế chân, vậy có sợ mất không, ông Cần cười: “Sách mình có quý thì người ta mới không trả lại. Họ sẽ cho nhiều người khác đọc và khi đó, sách không mất đi mà chỉ chuyển từ tay người này sang người khác”.

 

Lo việc người còn hơn việc nhà mình

 

81 tuổi, bà Nguyễn Thị Hễ (ngụ phường 9, quận Gò Vấp, TP HCM) có tới 41 năm được cư dân tổ 22, khu phố 3 bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Không chỉ vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự, không lấn chiếm lòng lề đường, bà Hễ còn là hòa giải viên khi trong tổ xảy ra chuyện tranh chấp hay mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau, vi phạm pháp luật.

 

“Để hòa giải được, mình phải không ngại khổ, phải có “mẹo”, trên cơ sở “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Có những chuyện tưởng chừng như không có gì nhưng lại tạo ra mâu thuẫn. Có chuyện chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”, suy nghĩ nông cạn, hiếu thắng mà anh em họ hàng từ nhau, vợ chồng làm đơn ly dị... Những lúc đó, mình phải khéo léo, vừa tuyên truyền vừa thuyết phục để những người trong cuộc hiểu thấu sự tình. Mỗi khi có chuyện xảy ra, tôi thấy lo còn hơn việc nhà mình, nếu hòa giải thành một vụ thì vui sướng lắm. Bởi vậy, tuổi giờ đã cao mà tôi vẫn không thể bỏ “nghề”” - bà Hễ chân thành.

 

Nguồn: Báo người lao động

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi