Thứ hai, 04 Tháng 4 2016 10:20

Sinh ra đã không được tròn vẹn bởi đôi chân khuyết tật, nhưng với nghị lực mạnh mẽ, bên cạnh đó là nguồn động viên lớn lao của mẹ, anh Nguyễn Trần Khiêm (huyện Vân Canh - tỉnh Bình Định) đã có được tấm bằng Cử nhân Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Dẫu phải đối mặt với bao chông gai và biến cố trong cuộc sống, người đàn ông khuyết tật ấy vẫn nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

 

Chữ là người bạn, người thầy

 

Nơi Nguyễn Trần Khiêm được sinh ra là một vùng rừng núi hoang vắng, khi mà cái ăn còn là nỗi lo lớn nhất của mọi gia đình, trường học vì thế cũng không có. Đối với người bình thường, chuyện học hành còn là xa xỉ, nói chi người khuyết tật như anh. Chưa đầy 9 tuổi, cậu bé Khiêm phải chịu cảnh mồ côi cha, mọi nỗi nhọc nhằn dồn lên đôi vai yếu mềm của mẹ.

 

Mất mát, thiếu thốn là vậy, người mẹ vẫn cố giấu đi những u buồn, đưa con đi xa nhà hơn 20 cây số để trọ học, giúp Khiêm tìm kiếm một tương lai mới. Cho đến giờ, anh Khiêm vẫn còn nhớ như in cảm giác được mẹ ôm chặt vào lòng rồi dặn dò trong nước mắt khi ấy: “Con phải cố gắng học, vì mẹ không thể sống mãi trên đời để nuôi con. Chữ sẽ là người bạn, người thầy đáng tin cậy”.

 

Bên người bạn thân là đôi nạng gỗ, Khiêm đã đi qua những năm tháng học trò với bao nỗi nhọc nhằn. Như để bù đắp cho đôi chân teo tóp và những bước đi xiêu vẹo, nhiều năm liền anh luôn đạt thành tích cao trong học tập, đó là niềm vui, là động lực giúp cho người mẹ hiền vững vàng hơn trong sóng gió cuộc đời.

 

Chi hoi truong khuyet tat 1

Anh Khiêm luôn cố gắng làm việc để trở thành chỗ dựa cho gia đình và giúp đỡ người đồng cảnh

 

Số phận như đùa giỡn, thách thức anh khi học xong phổ thông. Ngày ấy, người khuyết tật không được dự thi Đại học và phải đến năm 1992, Khiêm mới có cơ hội thực hiện nguyện ước của mình. Ngay năm đầu tiên dự thi, anh đã thi đỗ Trường Đại học Kỹ thuật (nay là Đại học Bách Khoa Đà Nẵng). Niềm vui của đứa con khuyết tật được đặt chân tới giảng đường Đại học khiến mẹ anh mừng lắm, nhưng nỗi lo tiền nhà trọ, học phí, tiền ăn và bao khoản chi phí khác lại in sâu nỗi buồn vào đôi mắt người mẹ.

 

Khi Khiêm học đến năm thứ 4 Đại học, đã gần hơn đến ngày gặt hái thành quả, thì mẹ lại qua đời do bạo bệnh. Nỗi mất mát quá lớn đã khiến anh thực sự gục ngã. May mắn có sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, anh mới gượng dậy được để tiếp tục theo học và hoàn thành nguyện ước của mẹ.

 

Thương cho số phận nghiệt ngã của chàng trai khuyết tật, chủ tiệm đồng hồ gần nhà trọ đã nhận dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho Khiêm và một chủ hiệu tạp hoá mời anh làm gia sư cho hai con của họ. Thế là ngày ngày, anh lên giảng đường học, tối về đi dạy kèm và nhận sửa chữa đồng hồ. Cứ thế, Khiêm tiếp tục đi nốt chặng đường Đại học trước sự ngạc nhiên và thán phục của cả người dân quê anh.

 

Nhiệt huyết giúp người đồng cảnh

 

Tốt nghiệp ra trường, anh Nguyễn Trần Khiêm nhọc nhằn lê dôi chân khuyết tật đi gõ cửa nhiều nơi nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu và những lời hứa chiếu lệ. Quyết không đầu hàng số phận, anh quyết định về quê mở lớp dạy kèm với tất cả lòng say mê và nhiệt huyết. Lúc đầu, học trò của anh chỉ là con em trong xóm, trong làng và chẳng bao lâu sau, tiếng lành đồn xa khiến lớp học của người thầy khuyết tật đông hơn bởi học sinh từ các xã khác, huyện khác cũng tìm đến xin được học thầy Khiêm.

 

Là người khuyết tật nên anh Khiêm dễ dàng đồng cảm với những người cùng cảnh nên năm 2007, anh tham gia sinh hoạt và đảm nhận vai trò Chi Hội trưởng chi Hội Niềm tin, trực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Từ ngày tham gia hoạt động xã hội, người thầy giáo khuyết tật đã gạt bỏ tự ti, mặc cảm để điều hành hoạt động của chi Hội, cũng như tích cực tổ chức cho hội viên tham gia các lớp nghề miễn phí tuỳ theo sức khoẻ, dạng tật của mỗi người.

 

Anh Khiêm cho biết: “Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và trường Trung cấp nghề - thủ công mỹ nghệ tỉnh, mỗi năm chi Hội Niềm tin đã có 20 hội viên được tham gia học nghề. Sau khóa học, nhiều hội viên đã có thêm tự tin, có thể tự lập cuộc sống”.

 

Anh Khiêm còn mạnh dạn xin thành lập các nhóm tự lực để tổ chức sửa chữa máy vi tính, gia công làm chổi đót, gia công bàn ghế nhựa giả mây cao cấp... cho hàng trăm lao động khuyết tật. Khi liên hệ với khách hàng, nhất là các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm, mặc dù gặp không ít khó khăn, vì vẫn còn một số doanh nghiệp không tin vào khả năng của người khuyết tật, nhưng anh vẫn kiên trì thuyết phục đối tác, trao đổi, giúp họ hiểu dù là người khuyết tật vẫn đáp ứng hiệu quả công việc, bởi họ làm việc bằng tất cả sự cố gắng và chỉ nhận thù lao khi sản phẩm được khách hàng chấp nhận. Bằng sự đồng cảm, sẻ chia cùng những người khuyết tật, anh Khiêm đã chịu khó đi vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ hội viên khó khăn, đặc biệt vào các ngày lễ như Ngày người khuyết tật Việt Nam, Quốc tế người tàn tật, Tết Nguyên đán... Theo chia sẻ của anh Khiêm, bình quân mỗi năm có khoảng 20 lượt đoàn hảo tâm đến thăm và có khoảng 600 lượt người khuyết tật được nhận quà hỗ trợ như xe lăn, nhu yếu phẩm gồm gạo, mỳ tôm, dầu ăn... với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

 

Hiện anh Khiêm còn được tín nhiệm bầu là thành viên Uỷ ban MTTQVN và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã. ở bất cứ vị trí nào và mặc dù là người khuyết tật đặc biệt nặng, anh vẫn luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm và mong rằng, những người đồng cảnh hãy vững tin vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như tin vào khả năng của mình, mọi thành quả sẽ đến.  


 Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi