Thứ hai, 04 Tháng 4 2016 10:12

Vượt qua mặc cảm về cơ thể khuyết tật và không cam chịu đói nghèo, cô gái Trần Thị Lụa (huyện Vũng Liêm - tỉnh Vĩnh Long) đã từng ngày miệt mài học tập để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng.

 

Từ khi lọt lòng mẹ, bên chân trái của Trần Thị Lụa đã bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người cha thương binh. Dị tật đó khiến Lụa gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời thường cũng như chặng.

 

Gia đình Lụa đông anh em, cả nhà chỉ biết trông vào một công ruộng ít ỏi khiến cái nghèo, cái đói cứ đeo bám, đó cũng là lý do Lụa không có điều kiện được can thiệp, điều trị và tập luyện phục hồi chức năng. Cô gái khuyết tật sớm ý thức được việc mình phải cố gắng học tập để có cơ hội thay đổi cuộc sống

 

Không thể tự mình đến lớp mỗi ngày, Lụa đã khắc phục bằng cách xin đi đi nhờ xe của các bạn, khi lại được cha mẹ hỗ trợ. Hồi đó, lớp học của Lụa ở tầng cao, bởi thế chỉ tính riêng việc lên xuống cầu thang cũng là một thử thách không nhỏ dành cho cô bé, bởi không phải lúc nào cũng có người để nhờ giúp đỡ.

 

Nghi luc song cao dep cua co giao da cam 2

Cô giáo khuyết tật miệt mài dạy học cho các học trò trường Tiểu học Trung Hiệp A

 

Lụa chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng trong học tập nên là học sinh khá giỏi suốt 12 năm liền. Nhờ đó, tốt nghiệp phổ thông, tôi đã thi đỗ ngành Tin học, Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật tỉnh”.

 

Tuy nhiên, khi tốt nghiệp Cao đẳng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên Lụa không có điều kiện mua sắm máy móc mở lớp dạy học tại nhà. Cô quyết định đi xin việc làm, mặc dù biết trước những chông gai đang chờ phía trước. Những tháng ngày đầu tiên lặn lội đi tìm việc thật gian khó, nhưng chính nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, Lụa đã được nhận vào dạy hợp đồng tại một vài cơ sở đào tạo tin học trong tỉnh.

 

Sau 4 năm dạy học, cô giáo khuyết tật Trần Thị Lụa đã góp phần đào tạo trên 600 học viên đạt trình độ tin học chứng chỉ A, B. Bên cạnh đó, Lụa còn nhận dạy tin học miễn phí cho rất nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi nghèo trong và ngoài xã. Tuy công việc nhiều nhưng cô vẫn cố gắng liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện Vũng Liêm, tổ chức dạy miễn phí cho lao động nông thôn thuộc các xã Trung Hiệp, Trung Chánh, Tân An Luông… Vì là các xã nghèo nên người dân nơi đây chưa từng có cơ hội được tiếp xúc với máy tính, khiến cho việc dạy học của Lụa bước đầu gặp không ít khó khăn. Bằng tất cả sự nhiệt tình, tận tụy, Lụa đã giúp cho đa phần người dân của các xã nghèo nơi đây hoàn thành phổ cập tin học văn phòng, biết áp dụng tin học phục vụ cho công việc của nhà nông.

 

Những nỗ lực trong công việc đã mang tới cho Lụa một cơ hội bất ngờ, đó là được nhận vào dạy học tại Trường Tiểu học Trung Hiệp A. Có được một công việc ổn định, phù hợp với trình độ chuyên môn; Lụa có thêm động lực, tâm huyết khả năng để giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho những học trò thân yêu.

 

Nhớ lại những ngày đầu tới trường dạy học, Lụa kể rằng đã gặp không ít khó khăn, nhiều học trò có tính cách hiếu động còn chọc ghẹo, buông những lời nói khiếm nhã khiến Lụa có đôi chút mặc cảm, buồn rầu, nhưng rồi Lụa đã hết lòng dạy dỗ cho các em, luôn gần gũi, động viên học trò nên theo thời gian, Lụa đã gây được thiện cảm và được học trò yêu mến. Bên cạnh đó, Lụa còn được các đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia, giúp Lụa vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công tác giảng dạy.

 

Với những nỗ lực, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn đã giúp cho cô giáo khuyết tật Trần Thị Lụa nhiều năm liền được trao tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi và được UBND huyện Vũng Liêm tặng Giấy khen “Người khuyết tật tiêu biểu có thành tích vượt khó năm 2013”. Lụa cũng chính là cô gái được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh làm phóng sự “Nghị lực sống cao đẹp của cô giáo da cam”, phát sóng trong chương trình Nét đẹp đời thường năm 2014.

 

Sau bao vất vả, khó nhọc, Lụa đã có được công việc ổn định và thực hiện những kế hoạch giảng dạy miễn phí cho người khuyết tật, nông dân nghèo. Cô còn may mắn có được một người chồng hiền lành, biết yêu thương và sẻ chia cùng cô công việc gia đình và chăm sóc con cái.

 

Lụa luôn mong tổ ấm nhỏ của cô sẽ mãi an nhiên và có thật nhiều sức khỏe để chăm sóc gia đình và dạy học cho thật nhiều học trò thân yêu. Cô đang kêu gọi sự giúp sức của các mạnh thường quân và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương để có được một phòng máy vi tính cho Trung tâm học tập cộng đồng của xã, giúp cho những người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo có cơ hội nâng cao trình độ.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Trần Thị Lụa , khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi