Thứ ba, 04 Tháng 8 2015 10:58

Đề án Trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đưa ra mục tiêu 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ CTXH. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, ngoài sự tham gia của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, đòi hỏi phải đào tạo đội ngũ nhân viên CTXH chuyên sâu về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.

 

Can dao tao nhan vien CTXH 1

Tại một số Bệnh viện, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm thần chưa có nhân viên CTXH

 

Những vấn đề bất cập

 

Vào các buổi sáng, khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Trung ương hay Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thường rất đông bệnh nhân với những khuôn mặt mệt mỏi, đờ dại, ngây ngô, miệng la hét... Đáng chú ý trong số người chờ khám bệnh, phần lớn là những người có độ tuổi lao động, thậm chí rất nhiều người còn trẻ tuổi, họ đến khám chữa với đủ loại nguyên nhân: áp lực học tập, sức ép công việc, kinh tế, trầm cảm, rối loạn tâm thần vì nghiện game, rượu, chất kích thích hay biến cố gia đình…

 

Tiến sĩ, bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “ở Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu người mắc các bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn, lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, rối loạn hành vi ở thiếu niên... Nếu trước đây số người bị trầm cảm, rối loạn tâm thần ở nước ta chỉ chiếm khoảng 1% dân số thì vài năm trở lại đây, con số này đang có chiều hướng tăng cao và xu hướng trẻ hóa nhanh chóng, chiếm tới hơn 45% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30”.

 

Để góp phần giải quyết những vấn đề trong chăm sóc sức khỏe tâm thần do số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, thì vai trò của đội ngũ nhân viên CTXH trong việc tham gia vào hệ thống hỗ trợ người bệnh tâm thần là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tại hầu hết các trường đào tạo CTXH ở Việt Nam vẫn chưa có các môn học chuyên sâu về lĩnh vực CTXH trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mặt khác, thực tế hiện nay, các cán bộ của ngành LĐ-TB&XH đang làm trong lĩnh vực công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được hoặc có rất ít cán bộ được đào tạo các kiến thức và kỹ năng về CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.

 

Có thể nói rằng, CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cho đến nay còn nhiều vấn đề bất cập cần phải quan tâm, nghiên cứu và tìm cách khắc phục. Chúng ta có hệ thống các Bệnh viện tâm thần từ Trung ương đến các tỉnh, tuy nhiên, khả năng phục vụ chỉ ở mức thấp. Đa phần người bệnh không được phát hiện và can thiệp sớm tại cộng đồng. Mặc dù có đội ngũ nhân viên CTXH nhưng còn thiếu những người làm CTXH có đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp với loại hình bệnh này nên hoạt động chăm sóc người bệnh tâm thần chưa thực sự hiệu quả.

 

Tại nhiều Bệnh viện, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm thần còn chưa có nhân viên CTXH, việc chăm sóc người bệnh chủ yếu do y bác sĩ đảm nhiệm mà không có sự giúp đỡ của các nhân viên CTXH. Điều này sẽ rất khó khăn cho người bệnh, bởi y bác sĩ chỉ giúp người bệnh trong điều trị bằng thuốc còn việc tăng cường tác động của các yếu tố tích cực, giảm yếu tố tiêu cực từ môi trường xã hội đến người rối nhiễu tâm trí, giúp người bệnh hòa nhập trở lại với đời sống xã hội là công việc của nhân viên CTXH nhưng lại chưa có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên về lĩnh vực này.

 

Cần đào tạo đội ngũ nhân viên CTXH chuyên sâu

 

CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đặc thù xuất phát từ tính đặc thù của bệnh tâm thần, rất cần có môi trường xã hội quan tâm phòng ngừa, giảm thiểu và chăm sóc. Người làm CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần phải nắm vững các tiến trình chăm sóc, từ dự phòng đến can thiệp, phục hồi chức năng, họ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo.

 

Người bệnh ngoài việc được cấp thuốc, có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, cần có sự trợ giúp của nhân viên CTXH nhằm hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc cũng như kỹ năng phòng vệ cho gia đình người bệnh.

 

Can dao tao nhan vien CTXH 2

Cần tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội nghị về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên CTXH để có được đội ngũ chuyên sâu trong lĩnh vực này

 

Bác sĩ La Đức Cương cho rằng, để nâng cao năng lực và nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần, rất cần có chương trình, giáo trình đào tạo sinh viên CTXH chuyên sâu về lĩnh vực này ngay khi còn học trong các trường đại học. Đối với nhân viên CTXH, cần được tham gia các khóa tập huấn, tập trung vào việc cung cấp kiến thức cơ bản về các dạng rối nhiễu tâm trí hay gặp ở Việt Nam như bệnh tâm thần phân liệt, stress, trầm cảm, cần được trang bị và thực hành các kỹ năng làm việc với người rối nhiễu tâm trí như kỹ năng xử lý stress, căng thăng...

 

Bên cạnh đó, nhân viên CTXH cũng phải hiểu rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ cho người rối nhiễu tâm trí và gia đình người bệnh tại cộng đồng, đặc biệt cần nhấn mạnh đến vấn đề kỳ thị với người tâm thần và biết đưa ra phương pháp, cách thức truyền thông để tránh kỳ thị trong việc tiếp cận, trợ giúp cho gia đình và người bệnh tâm thần, góp phần cho việc điều trị, chăm sóc người bệnh đạt hiệu quả như mong muốn.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi