Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vừa tổ chức tập huấn nghề Công tác xã hội với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề công tác xã hội, hướng dẫn quản lý trường hợp đối với người khuyết tật. Giảng viên của lớp tập huấn là các chuyên gia đến từ Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH, khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Các bài giảng tại buổi tập huấn đã góp phần giúp cho cán bộ Hội nhận thức rõ hơn về vai trò, giá trị của một nhân viên công tác xã hội và có cách thức thu thập thông tin hiệu quả trong quản lý, hỗ trợ đối tượng.
Tiêu chuẩn đạo đức là yếu tố không thể thiếu của nhân viên CTXH (ảnh minh họa)
7 nguyên tắc đạo đức nghề CTXH
Cũng như mọi ngành nghề tồn tại trong xã hội, đặc biệt là những nghề có mối liên hệ xã hội sâu rộng, công tác xã hội (CTXH) cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Các tiêu chuẩn đạo đức này có thể tồn tại ở dạng thành văn, được công bố chính thức và rộng rãi trong toàn xã hội, cũng có thể chỉ tồn tại dưới dạng những quy ước ngầm thông qua các hành vi ứng xử và sự chấp nhận trong cộng đồng. Nhưng dù tồn tại dưới dạng nào thì những tiêu chuẩn đó vẫn phải phản ánh mức độ chuyên nghiệp hóa của nghề nghiệp và thể hiện được mong muốn của xã hội đối với nghề.
Ngành CTXH là lĩnh vực làm việc với con người, những con người có vấn đề xã hội. Vì vậy, tiêu chuẩn đạo đức nghề CTXH càng được coi trọng và là yếu tố không thể thiếu của bất kỳ một nhân viên CTXH nào. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa ban hành quy chuẩn đạo đức riêng cho nghề CTXH, nhưng các quy tắc, nguyên tắc đạo đức nghề CTXH vẫn tồn tại.
Thông qua các ví dụ bằng hình ảnh sinh động, câu chuyện tình huống thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến đã giúp các học viên hình dung rõ hơn về 7 nguyên tắc cơ bản mà người làm nghề CTXH bắt buộc phải ghi nhớ. Đó là phải chấp nhận đối tượng. Vì đối tượng phục vụ của ngành CTXH là con người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Mỗi con người dù là bình thường hay bất bình thường đều có nhân phẩm, có giá trị riêng và có quyền được tôn trọng, bình đẳng. Tôn trọng phẩm giá con người và chấp nhận đối tượng sẽ giúp cho nhân viên xã hội tạo được lòng tin của đối tượng, qua đó, thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ, đó là nền tảng cho thiết lập mối quan hệ tương tác trong quá trình giúp đỡ.
Nguyên tắc tạo mọi điều kiện để đối tượng tham gia giải quyết vấn đề của họ ở mức tối đa nhất có thể là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của nhân viên CTXH. Việc thực hiện nguyên tắc này giúp cho đối tượng có cơ hội học hỏi cách thức, từ đó tăng cường khả năng đối phó với tình huống có vấn đề. Tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng ám chỉ việc nhân viên CTXH không làm thay đối tượng mà chỉ đóng vai trò là người xúc tác và giúp đỡ họ đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Dành quyền quyết định cho thân chủ, đặc biệt với đối tượng trẻ em sẽ giúp cho đối tượng có trách nhiệm với lựa chọn của mình, không lệ thuộc vào sự giúp đỡ của nhân viên xã hội.
Con người có những nhu cầu cơ bản giống nhau nhưng mỗi người lại có một tính cách khác nhau, nguyện vọng không giống nhau, tôn trọng sự khác biệt của mỗi thân chủ là nguyên tắc để nhân viên xã hội đảm bảo lợi ích thiết thực của các nhóm đối tượng, đáp ứng đúng nhu cầu của họ và rèn luyện khả năng ứng phó linh hoạt trong giải quyết vấn đề, khắc phục sự bảo thủ, quan liêu, cứng nhắc trong quá trình trợ giúp. Ngoài các nguyên tắc trên, tiêu chuẩn đạo đức nghề CTXH đòi hỏi nhân viên xã hội phải đảm bảo tính bí mật riêng tư của thân chủ; Tự ý thức được bản thân và đảm bảo mối quan hệ nghề nghiệp với đối tượng.
Kinh nghiệm trong thực hành nghề CTXH
Tại buổi tập huấn, giảng viên Nguyễn Trọng Tiến một lần nữa khẳng định 4 chức năng của nghề CTXH bao gồm: phòng ngừa, chữa trị, phục hồi và phát triển, từ đó liên hệ với vai trò, trách nhiệm của một nhân viên CTXH.
Khi ở những vị trí khác nhau, vai trò, hoạt động của nhân viên xã hội cũng khác nhau, tùy theo chức năng và nhóm đối tượng họ làm việc. Có lúc họ là người vận động nguồn lực, người kết nối các dịch vụ, chính sách và giới thiệu cho đối tượng, có khi là người biện hộ, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng, là người giáo dục, tư vấn, tham vấn, tạo sự thay đổi… Với vị trí, vai trò hết sức đa dạng như vậy, yêu cầu đạo đức đối với một nhân viên CTXH lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi người làm CTXH phải thực sự cảm thông, yêu thương con người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, cần sự đam mê nghề nghiệp, tính trung thực, thái độ cởi mở, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, rộng lượng. Đặc biệt, cần có quan điểm cấp tiến để nhìn nhận thân chủ theo xu hướng phát triển...
Trong bài giảng của mình, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến cũng lưu ý một số vi phạm đạo đức của nhân viên CTXH trong thực hành nghề nghiệp như: lộ bí mật thông tin cá nhân, lưu giữ hồ sơ cẩu thả, thiếu kiến thức chuyên môn, không đảm bảo quyền lợi của thân chủ, lời nói, hành động khiếm nhã, chỉ đưa ra lời khuyên, phán xét mà không cung cấp thông tin cần thiết cho thân chủ, có quan hệ xấu với đồng nghiệp hay vi phạm đạo đức chuyên môn ở cơ sở làm việc… Những câu chuyện thực tế đi kèm mỗi tình huống đã giúp các học viên có thêm bài học kinh nghiệm trong thực tế hoạt động CTXH của mình.
Tại buổi tập huấn, các học viên cũng được giảng viên Nguyễn Hà Thành - đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội giới thiệu Thông tư số 01/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về quản lý trường hợp với người khuyết tật. Trong quy trình 5 bước quản lý trường hợp với người khuyết tật (gồm: Thu thập thông tin và nhu cầu của người khuyết tật; Xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Theo dõi, rà soát việc thực hiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Đánh giá và kết thúc quản lý trường hợp với người khuyết tật), bà Nguyễn Hà Thành đặc biệt lưu ý các học viên bước đầu tiên: Thu thập thông tin và nhu cầu của người khuyết tật với 02 mẫu đánh giá cụ thể, chi tiết.
Mẫu số 1 giúp cho nhân viên xã hội nắm bắt được thông tin về người khuyết tật, về khuyết tật, gia đình người khuyết tật cũng như số lần tiếp cận quản lý trường hợp. Mẫu số 2 sẽ đánh giá chi tiết về nhu cầu của người khuyết tật theo các lĩnh vực hỗ trợ như: sinh kế; chăm sóc sức khỏe, y tế; giáo dục, học nghề, việc làm; mối quan hệ gia đình, và xã hội; các kỹ năng sống; tham gia hòa nhập cộng đồng; tâm lý, tình cảm và một số nhu cầu khác. Việc đánh giá chi tiết, chính xác thông tin, nhu cầu của người khuyết tật sẽ giúp cho việc xây dựng, thực hiện kế hoạch trợ giúp có hiệu quả thiết thực hơn, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Kon Tum: Tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc cho người khuyết tật, trẻ mồ côi - 06/08/2015 04:11
- Tỉnh Hội Quảng Trị: Hơn 100 triệu đồng trao tặng người khuyết tật, trẻ mồ côi - 06/08/2015 04:08
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 230 người mù nghèo - 06/08/2015 04:03
- Trung Ương Hội: Chủ tịch Trung ương Hội làm việc tại Khánh Hòa, Phú Yên - 06/08/2015 03:58
- Cần đào tạo nhân viên CTXH chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm thần - 04/08/2015 03:58
Các tin khác
- Sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm: Hoạt động Hội góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội - 31/07/2015 03:45
- Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Người khuyết tật và giữa kỳ Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 - 31/07/2015 03:11
- Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh Thanh Hoá: Nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý cho cán bộ Hội - 21/07/2015 04:08
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Khám bệnh, cấp miễn phí 1.050 suất thuốc cho bệnh nhân nghèo Campuchia - 21/07/2015 03:53
- Tỉnh Hội Đắk Lắk: Tặng quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo - 07/07/2015 08:53