Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng được thành lập từ tháng 3/2010, trên cơ sở Trung tâm CTXH Trẻ em, với nhiệm vụ nâng cao năng lực cộng đồng về phát triển nghề CTXH, kết nối và cung cấp các dịch vụ xã hội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trợ giúp người khuyết tật. Bên cạnh các nhiệm vụ thiết yếu, Trung tâm đồng thời thực hiện các dự án nhằm tham vấn tâm lý cho gia đình, đánh giá hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ bị rối nhiễu tâm trí và trẻ khuyết tật…
Nhiều mô hình trợ giúp hiệu quả
Hơn 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH, truyền tải được cơ bản những kiến thức và kỹ năng CTXH cho đội ngũ cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, y tế các cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố.
Hướng tới mục tiêu mang lại dịch vụ CTXH tốt nhất, Ban Giám đốc Trung tâm đã từng bước thiết lập mối quan hệ và hình thành mạng lưới dịch vụ, bao gồm các đơn vị trực thuộc các ngành, hội, đoàn thể liên quan như bệnh viện, trường học, các trung tâm tư vấn, các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức Phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp trẻ em, người khuyết tật... Ngoài ra, còn huy động sự tham gia của các cộng tác viên là giáo viên đang giảng dạy chuyên ngành tâm lý, CTXH, giáo dục tại các trường Đại học, Cao đẳng. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại 56 xã, phường và Ban Điều hành mạng lưới cấp quận, huyện, với sự tham gia của hơn 300 người là cán bộ của các ngành, hội đoàn thể tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực của cộng đồng về nghề CTXH dưới nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực quan trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm in tờ rơi, pano, apphich, xây dựng trailer quảng cáo, thực hiện các phóng sự chuyên đề trên sóng truyền hình, tổ chức các sự kiện nhân các ngày lễ, tết như chương trình “Đêm hội trăng rằm”, giao lưu âm nhạc và tọa đàm “Cho ngày mai”…
Cán bộ Trung tâm tham vấn cho phụ huynh có trẻ khuyết tật
Một trong những mô hình trợ giúp hiệu quả, ghi đậm dấu ấn của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng, đó là hỗ trợ các địa phương, trường học tổ chức được hơn 150 buổi tuyên truyền về quyền trẻ em, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích… cho hơn gần 2000 lượt người tham dự là phụ huynh trẻ khuyết tật, 10.000 học sinh THCS và hơn 200 giáo viên Tiểu học.
Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH
Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 16 nghìn người khuyết tật, hơn 7 nghìn người cao tuổi, 23 nghìn hộ nghèo, gần 4 nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 18 nghìn đối tượng xã hội do xã, phường quản lý... Ngoài ra còn có trên 1 nghìn người nghiện ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS…
Giám đốc TT Trương Thị Như Hoa cho rằng để phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm, cần có chính sách thu hút cán bộ,
xây dựng cơ chế mới đối với nghề CTXH
Trước thực tế có hàng chục nghìn người cần sự hỗ trợ thì đội ngũ nhân viên CTXH tại Trung tâm còn rất hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chỉ có 4 lao động sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 2 chuyên viên tâm lý, 4 cộng tác viên hỗ trợ bán thời gian từ tổ chức Holt và các trường Đại học Sư phạm và mạng lưới cộng tác viên từ 56 xã phường, cùng Ban điều hành mạng lưới cấp quận, huyện. Phần lớn cán bộ trong mạng lưới cộng tác viên chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chất lượng dịch vụ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào các chương trình dự án nên bấp bênh và bị động. Đội ngũ nhân viên tại Trung tâm được phân bổ quá mỏng nên chưa thể triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ cho các nhóm đối tượng cần sự trợ giúp khác tại cộng đồng. Bởi vậy, để nâng cao nhận thức, năng lực cho hệ thống đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về nghề CTXH, Trung tâm đã huy động nguồn lực tổ chức được hàng chục lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ năng nghề CTXH, quy trình quản lý trường hợp, quy trình kết nối các dịch vụ xã hội, thông tin về những chính sách mới cho ban điều hành các quận, huyện và mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng, cũng như thường xuyên nắm bắt thông tin, hỗ trợ chuyên môn cho mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng. Mặt khác hướng dẫn phương pháp quản lý và đưa ra các chỉ tiêu quản lý các trường hợp, giúp đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghiệp vụ CTXH.
Tính đến nay đã có hơn 3.000 lượt trường hợp trên địa bàn thành phố được mạng lưới cộng tác viên xã, phường của Trung tâm can thiệp, trợ giúp, góp phần cùng với chính quyền địa phương, các ngành, hội đoàn thể thực hiện tốt chủ trương xây dựng thành phố “5 không” của lãnh đạo thành phố. Đặc biệt, Trung tâm đã đề xuất với tổ chức Unicef hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 6 phường trọng điểm làm tốt CTXH với trẻ em tại cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống đội ngũ cán bộ là Phó Chủ tịch UBND, cán bộ tư pháp, phụ nữ, công an và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục trẻ em, qua đó giúp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp can thiệp các trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo lực…
Qua việc chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH, thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 600 thông tin của phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật, trong đó có gần 200 trường hợp được mở hồ sơ quản lý, chia sẻ và kết nối dịch vụ. Đối với những trường hợp tư vấn đơn giản như tìm hiểu chính sách, xin con nuôi, gửi con vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, xin cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, tư vấn nghề và việc làm cho người khuyết tật…, Trung tâm đã tư vấn và kết nối đến các cơ sở dịch vụ xã hội và triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên sâu như tham vấn tâm lý và đánh giá hỗ trợ tâm lý. Ngoài chức năng tư vấn, kết nối dịch vụ cho phụ huynh, Trung tâm còn tổ chức cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cho trẻ có vấn đề về rối nhiễu tâm trí, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ; thực hiện mô hình tham vấn tâm lý cho nhóm phụ huynh có con khuyết tật, tiến hành tổ chức các buổi tọa đàm về chủ đề “Làm bạn với con”, qua đó giúp phụ huynh giải tỏa tâm lý với những phụ huynh đồng cảnh, chia sẻ những khó khăn trong các kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật... Và kết nối, trợ giúp cho 39 trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có nguy cơ mất nguồn nuôi dưỡng, gia đình bị thiên tai với tổng số tiền trợ giúp lên đến 160 triệu đồng.
Giám đốc Trung tâm Trương Thị Như Hoa cho biết: “Để phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm, rất cần kịp thời bổ sung những hành lang pháp lý cho việc phát triển nghề CTXH, có chính sách thu hút cán bộ, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc can thiệp, trợ giúp và cung cấp dịch vụ xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, phân bổ nguồn lực tài chính cho Trung tâm… Hiện nay, Trung tâm vẫn đang tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm vận động nguồn lực từ các chương trình dự án và ngân sách để triển khai thực hiện và hỗ trợ đa dạng các loại hình dịch vụ cho các hoạt động hỗ trợ, cũng như tổ chức nhiều hơn các chương trình tập huấn hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH”.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Môi trường sạch sẽ, thân thiện - điều kiện làm việc hiệu quả cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:35
- Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội chính thức thông qua - 04/08/2015 07:32
- An toàn lao động và việc làm cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:28
- Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn thấp và nhiều bất cập - 04/08/2015 04:06
- Công chiếu chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐ-TBXH cho Điều phối viên trưởng Chương trình hợp tác quốc tế của AECID - 01/07/2015 03:19
Các tin khác
- Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều - 18/06/2015 02:56
- Tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật - 21/05/2015 08:16
- Gậy thông minh giúp người mù nhận diện khuôn mặt - 13/05/2015 09:24
- Một trái tim – Một thế giới lần thứ XII sẽ diễn ra vào 20h 30’ ngày 17/4 tại Sân khấu Lan Anh. Tp HCM - 11/04/2015 04:24
- Từ câu chuyện “Khỉ nhân đạo và cá vô ơn” - 22/09/2014 04:05