Thứ ba, 21 Tháng 7 2015 11:08

Nhằm mục đích hỗ trợ NKT được TGPL, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ NKT nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tự tin vươn lên, góp phần vào việc phổ biến giáo dục pháp luật; bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực TGPL cho 300 cán bộ làm công tác chuyên trách Hội từ cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn.

 

CTXH Thanh Hoa 1

Các học viên sôi nổi thảo luận tại chương trình tập huấn

 

Theo ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch tỉnh Hội Thanh Hóa, hiện nay những chính sách TGPL cho NKT của tỉnh đã và đang đi vào cuộc sống. Thời gian gần đây, tổng số người được TGPL lên tới 4.224 người, tuy nhiên trong số đó chỉ có 15 NKT. Phần lớn các vụ việc tư vấn được thực hiện tại các đợt TGPL lưu động. Việc NKT tìm đến chi nhánh và trụ sở TGPL còn rất hạn chế. Nguyên nhân phần lớn NKT chưa hiểu biết quyền được TGPL của mình hoặc biết nhưng không tiếp cận với dịch vụ; phần lớn sống tại các huyện nghèo, đường xá đi lại khó khăn; phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật nên thông tin chưa đến được với đông đảo NKT. Nhận thấy việc TGPL hiện nay đối với NKT là hết sức cần thiết, bởi vậy tỉnh Hội đã kịp thời triển khai lớp tập huấn nâng cao năng lực TGPL cho các cán bộ Hội các cấp.

 

Nội dung tập huấn giúp đội ngũ cán bộ Hội nắm bắt hoạt động TGPL được tiến hành ở nhiều hình thức như tư vấn nâng cao nhận thức pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nói chung cũng như quyền, lợi ích hợp pháp đặc thù đối với NKT, bao gồm: quyền được chăm sóc sức khỏe (khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng), trợ cấp xã hội, được học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các Hội của NKT; việc thực hiện TGPL được thực hiện tại trụ sở của Trung tâm hoặc tại cơ sở thông qua Chi nhánh của Trung tâm, qua các đợt TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL; thông qua hoạt động truyền thông về pháp luật và TGPL cho nhóm đối tượng này cũng được đẩy mạnh giúp NKT dễ dàng biết quyền được TGPL và tiếp cận với hoạt động TGPL miễn phí; cung cấp thông tin, phổ biến về các chính sách ưu đãi đối với NKT trên các phương tiện phát thanh, truyền hình và các chương trình giải đáp pháp luật; tổ chức nói chuyện pháp luật cho NKT; đặt biển thông tin về quyền được TGPL của NKT và người nhiễm chất độc màu da cam tại các địa phương…

 

Bên cạnh đó, các học viên đã hiểu những khó khăn, vướng mắc trong TGPL cho NKT bị các dạng tật phức tạp (như điếc thường đi kèm với câm); do đội ngũ cộng tác viên TGPL đông nhưng quỹ thời gian dành cho hoạt động này rất ít, chất lượng trợ giúp chưa đồng đều dẫn tới số vụ việc do cộng tác viên thực hiện mới chỉ tập trung ở lĩnh vực tư vấn pháp luật; hoạt động trợ giúp tuy ngày càng được tăng cường về cơ sở với nhiều phương thức nhưng chủ yếu mới đến trung tâm xã, chưa đến được nhiều thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, trong khi NKT đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi rất khó khăn, không thể đến nơi TGPL; cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của các Trung tâm TGPL thiếu thốn, hạn chế; các đơn vị thực hiện TGPL chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của NKT trong việc tìm hiểu nhu cầu và TGPL cho đối tượng khi cần thiết; chỉ số thống kê đối tượng được TGPL là NKT chưa được quy định cụ thể…

 

Qua thực tiễn hoạt động TGPL cho thấy, pháp luật trong lĩnh vực này còn hạn chế, cơ chế, chính sách bảo đảm các quyền được TGPL của NKT còn bất cập. Tại chương trình tập huấn, các học viên đã tham gia thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến NKT; tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp phù hợp nhất nhằm giải quyết những khó khăn và tồn tại về TGPL thời gian tới.

 

Một số giải pháp đã được thống nhất đưa ra tại chương trình tập huấn, đó là cán bộ Hội tiếp thu học tập kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình TGPL cho NKT tại Hội nghị này để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với NKT; triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù phù hợp với dạng tật phức tạp như đối với người câm điếc: Tư vấn và phổ biến giáo dục pháp luật bằng chữ viết (văn bản, tờ gấp pháp luật), bằng hình ảnh... hoặc thông qua người phiên dịch (giáo viên của các trường khuyết tật, người thân trong gia đình...); đối với NKT là người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông phải TGPL bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số...; các cấp Hội chủ động thực hiện lồng ghép TGPL cho NKT vào các chương trình hoạt động thường xuyên, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện TGPL hiệu quả; hình thành mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật ở các cấp Hội; tăng cường năng lực và kỹ năng TGPL đặc thù cho đội ngũ thực hiện TGPL, đặc biệt là cộng tác viên cấp xã về kiến thức pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách của NKT và kỹ năng TGPL đặc thù cho NKT…  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi