Thứ sáu, 31 Tháng 7 2015 10:11

Vừa qua, tại thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng, Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp NKT (Đề án 1019) giai đoạn 2012 - 2015. Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội; ông Hà Phước Toản - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy; ông Phan Văn Đa - tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội; ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành tỉnh Lâm Đồng và 200 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các Hội thành viên trong cả nước.

 

 

anh DE An 263

Toàn cảnh Hội nghị

 

Nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Luật NKT

 

Ngay sau khi Luật NKT được ban hành, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần đưa Luật vào cuộc sống, đó là: tổ chức nghiên cứu Luật NKT và quán triệt tinh thần và nội dung của Luật dưới góc độ nhân quyền, NKT có quyền bình đẳng và có nghĩa vụ thực hiện quyền công dân như mọi người bình thường khác; Đồng thời, đã tham gia góp ý về chính sách, chương trình hỗ trợ NKT giai đoạn 2011 - 2020, Bộ GTVT về khung giám sát đánh giá việc thực hiện Luật NKT, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật NKT; ý kiến về quy chuẩn xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng, đề xuất việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng mới, các công trình cải tạo, nâng cấp bảo đảm tiếp cận đối với NKT, đặc biệt là các công trình xây dựng ở các xã xây dựng nông thôn mới; ý kiến về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận sử dụng cho NKT. Trung ương Hội cũng đề xuất với thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới về việc lồng ghép giải quyết các vấn đề của NKT trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Để phổ biến pháp luật, Hội đã tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về lĩnh vực NKT, Trung ương Hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu về các nội dung của Luật NKT, các chính sách, chương trình trợ giúp NKT, tập trung vào các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động bảo trợ của Hội. Mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật NKT như tọa đàm, tập huấn, hội thảo, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật NKT. Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử, tuyên truyền về chính sách và các vấn đề của NKT, tuyên truyền, tư vấn về chính sách, kỹ năng cho NKT, gia đình NKT và các thành phần trong xã hội. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về NKT luôn được Hội đặc biệt chú trọng quan tâm, thể hiện bằng nhiều hình thức như Hội nghị Biểu dương, tọa đàm, phóng sự, các hội thi thể thao, văn hóa…. Với những hoạt động thiết thực, hơn 4 năm qua, hơn 2,3 triệu lượt NKT được Hội trợ giúp, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của xã hội về NKT, thu hút, thuyết phục các ngành, tổ chức, cá nhân cùng tham gia trợ giúp đối tượng và là hành động cụ thể cho thấy việc bảo đảm thực hiện quyền của NKT đang đi vào cuộc sống.

 

Trên cơ sở nắm bắt nội dung của Luật NKT, Hội đã điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động của mình thể hiện trong Nghị quyết Đại hội IV, hình thành chiến lược, các chương trình cụ thể hướng tới mục tiêu chung là “Giúp NKT để họ tự giúp mình”, “NKT có thể làm được những việc như người bình thường”. Mặt khác, cũng thông qua công tác truyền thông, tuyên truyền về việc thực hiện Luật NKT đã làm rõ thêm nhiều vấn đề còn bất cập trong chính sách, cơ chế, chỉ đạo tổ chức thực hiện, những vấn đề còn phụ thuộc vào khả năng của Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng và bản thân NKT.

 

Hội cũng đã có các hoạt động giám sát thực hiện pháp luật đối với NKT. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, khi nhận được đơn kiến nghị phản ánh của NKT, Hội đã trực tiếp can thiệp giải quyết các vụ việc vi phạm quyền của NKT về giao thông, giáo dục, việc làm, trợ cấp xã hội; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức khảo sát thu thập dữ liệu về NKT; giám sát thực hiện chính sách, phát hiện sai sót, giải quyết quyền lợi cho NKT... để đảm bảo thực hiện quyền của NKT.

 

Về hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ NKT, Hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, xã, tranh thủ sự lãnh chỉ đạo của cấp uỷ chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ cải thiện sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế cho NKT; phối hợp với một số tổ chức nước ngoài tổ chức nghiên cứu về Chiến lược phát triển Hội, tổng kết chương trình tặng xe lăn và thoả thuận cung cấp xe lăn hàng năm, triển khai các chương trình trao học bổng, tặng quà, dạy nghề...

 

Tại Hội nghị, Hội đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về việc cần thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về NKT; nghiên cứu bổ sung quy định về xóa mù và phổ cập giáo dục THCS cho NKT; đánh giá kết quả việc thực hiện quy định tại Điều 35 Luật NKT về chính sách nhận NKT vào làm việc và cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm Luật NKT.

 

Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật

 

Triển khai thực hiện Đề án 1019, Thường trực Trung ương Hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án 1019; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động: phối hợp với Hội Liên hiệp PNVN tổ chức chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình của NKT” năm 2012; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Biểu dương NKT,TMC & NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 4/2013; tổ chức chương trình giao lưu “Một trái tim - Một thế giới” hàng năm; tổ chức cuộc thi viết “Vượt lên số phận”; cuộc thi sáng tác về NKT và phát hành tập sách nhạc “Chung một tấm lòng”; chương trình đi bộ đồng hành với NKT mang chủ đề “Chung bước yêu thương - trao niềm hy vọng”; Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc năm 2014 với chủ đề “Những trái tim khát vọng”; chương trình đi bộ “Vì một thế giới hòa nhập cho NKT”… Qua công tác tuyên truyền vận động thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của NKT và gia đình NKT về giải quyết các vấn đề về NKT, đặc biệt là tạo điều kiện, cơ hội để NKT tự tin, phấn đấu vươn lên; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với NKT; tạo ra sự ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng, thu hút, thuyết phục các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tích cực trợ giúp NKT, đồng thời thể hiện rõ nét bản chất xã hội hóa của Đề án.

 

Hội cũng tích cực tổ chức các hoạt động triển khai kế hoạch thực hiện Đề án như: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hoạt động 5 năm; hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT tại cộng đồng” năm 2012; xây dựng “Chiến lược phát triển Hội Bảo trợ NTT và TMC Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017”; hỗ trợ trực tiếp với các hoạt động cung cấp phương tiện trợ giúp, đường tiếp cận, các công trình nước sạch, vệ sinh, nhà ở, phẫu thuật chỉnh hình PHCN, phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, trợ giúp pháp lý,...; đề ra chiến lược gây quỹ và huy động nguồn lực chính từ Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, tổ chức quốc tế, cá nhân hảo tâm và khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ nhằm đạt mục tiêu bình quân hàng năm huy động khoảng 100 - 140 tỷ đồng.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Phước Toàn thay mặt tỉnh ủy đã bày tỏ sự vui mừng và vinh dự được Trung ương Hội chọn Lâm Đồng là nơi tổ chức Hội nghị và nhấn mạnh: “Tôi rất cảm động và biết rằng rất nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, nguyên là Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia hoạt động xã hội và giữ những cương vị lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và TMC ở Trung ương và tại các tỉnh, thành phố. Điều đó thể hiện rằng, trong khi xã hội vẫn còn những mảnh đời cần trợ giúp, còn những TMC cần được cưu mang, còn những NKT và BNN cần được hỗ trợ thì những tấm lòng nhân ái còn tham gia các hoạt động thấm đượm tính nhân văn… Tôi tin rằng, qua Hội nghị này, những người làm công tác bảo trợ BNN, NKT&TMC tỉnh Lâm Đồng sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm quý của các tỉnh bạn để vận dụng vào thực tiễn địa phương, góp phần cùng các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong tỉnh chăm lo tốt hơn nữa cho những hoàn cảnh khó khăn”.

 

Hội nghị cũng đã nghe các tham luận, trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện Luật NKT và các nội dung của Đề án Trợ giúp NKT. Hội nghị đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: cần có tổng kết đánh giá việc thực hiện giữa kỳ của Đề án, xem xét khả năng thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020; vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cần nghiên cứu tách 2 lĩnh vực như quy định tại Luật NKT; nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế dạy nghề phù hợp đặc thù của NKT, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Đề án; đề nghị Nhà nước xem xét tiếp tục giao cho Hội thực hiện các hoạt động của Đề án phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi