Nhằm hướng tới mục tiêu chung của Đề án Phát triển nghề CTXH về nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội trong tình hình hiện nay, Hội Bảo trợ NTT & TMC tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội. 220 học viên tham gia tập huấn là ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, Ban Chấp hành 5 huyện, thành Hội, chi Hội trưởng, chi Hội phó thuộc các cấp Hội cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học.
Tiếp cận dựa trên quyền của NKT
Tại lớp tập huấn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ đã truyền đạt nội dung “Cán bộ Hội với việc chuyển hướng sang cách tiếp cận dựa trên quyền của NKT”. Phó Chủ tịch Trung ương Hội đã giúp các học viên hiểu rõ hơn sứ mệnh của Hội, đó là vận động sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước, từ đó tổ chức các hoạt động trợ giúp NKT, TMC cũng như nắm chắc các chức năng của Hội, bao gồm chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và hoạt động vì quyền, lợi ích hợp pháp của NKT, TMC; chức năng tập hợp, tuyên truyền, vận động các tổ chức, công dân Việt Nam nâng cao trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ, tạo điều kiện và động viên NKT, TMC hoà nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Luỹ - Chủ tịch tỉnh Hội phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Bên cạnh đó, các học viên đã được nắm bắt cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đó là tuyên truyền đường lối, chính sách có liên quan đến NKT, TMC; tổ chức các hoạt động và vận động các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước trợ giúp NKT, TMC; tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện; phối hợp hoặc tổ chức các hoạt động trợ giúp NKT, TMC; nâng cao năng lực cho hội viên và thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác.
Học viên còn được truyền đạt những kinh nghiệm, phương pháp vận động tài trợ; xây dựng, tổ chức các chương trình, dự án trợ giúp đối tượng như phẫu thuật mắt, phục hồi chức năng, tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, xây đường tiếp cận, tặng xe đạp, học bổng, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế… Đồng thời, mỗi cán bộ Hội còn cần thích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức về NKT, TMC trên trang website của Hội, báo, tạp chí, tổ chức các sự kiện và hoạt động trợ giúp NKT, TMC thực hiện quyền được tham gia các hoạt động văn hoá, sáng tác, biểu diễn, hội thi tay nghề, giám sát thực hiện chính sách...
Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về NKT dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền cho NKT, các chính sách, pháp luật đó đã được tiếp tục ghi nhận và cụ thể hoá trong Luật NKT, Nghị định 28 và nhiều văn bản khác… Với hệ thống chính sách, pháp luật về NKT, đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho NKT, giúp họ vươn lên, giảm bớt khó khăn, cải thiện điều kiện sống, hoà nhập cộng đồng.
Ông Lương Phan Cừ đã chia sẻ với các học viên phương pháp hoạt động theo cách tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng: vận động tài trợ theo các mục tiêu đem lại nguồn lực, hướng nhà tài trợ vào các dự án mang tính trợ giúp bền vững, gắn với tuyên truyền chính sách, pháp luật về NKT, về quyền, khả năng của NKT và sự thay đổi nhận thức sang cách tiếp cận bảo đảm quyền của NKT; thực hiện các dự án kết hợp “cho” với “trợ giúp”, kết hợp với tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức phát huy hiệu quả của việc trợ giúp; thực hiện các chương trình nhằm vận động, tuyên truyền theo hướng tôn vinh những tấm gương NKT trong các lĩnh vực gắn với nâng cao nhận thức trong việc trợ giúp NKT, bảo đảm thực hiện các quyền của NKT được hưởng các quyền con người; tập trung vận động, thực hiện các dự án mang tính bền vững và hỗ trợ NKT vươn lên; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về NKT…
Nâng cao năng lực, kỹ năng công tác Hội
Tại lớp tập huấn, Phó Chủ tịch TƯ Hội Lương Phan Cừ cũng đã có bài giảng về “Nâng cao năng lực và kỹ năng công tác Hội” trong đó nhấn mạnh các yếu tố tạo ra năng lực gồm tri thức, kỹ năng và thái độ. Tuy nhiên năng lực không tự nhiên có mà được hình thành và phát triển qua hoạt động học tập, lao động và trong hoạt động sống, hoạt động nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ hướng dẫn các phương pháp nâng cao kỹ năng tổ chức vận động và vận động tài trợ tại lớp tập huấn
Bởi vậy để có thể thực hiện tốt các hoạt động của Hội, các học viên cần nâng cao kiến thức, củng cố thái độ, kỹ năng nhằm tăng cường hiểu biết về Hội và hoạt động Hội. Mặt khác, nâng cao chuyên môn, kiến thức về chính sách, pháp luật về NKT, TMC, nâng cao nhận thức về cách tiếp cận mới dựa trên quyền, nâng cao năng lực tổ chức công việc và tăng cường trao đổi kỹ năng hoạt động. Qua đó, nâng cao hiểu biết về Hội như biết cách phân biệt Hội với cơ quan hành chính, hiểu được sứ mệnh, chức năng của Hội là tổ chức xã hội tự nguyện…, để từ đó đưa ra phương thức hoạt động, biện pháp quản lý, thực hiện cho phù hợp.
Trong thời gian ngắn lớp tập huấn đã giúp cho các học viên hiểu được việc tham gia tổ chức Hội không chỉ cần có sự tâm huyết, lòng nhiệt tình, trách nhiệm, có mối quan hệ… mà còn cần phải thạo về chuyên môn, giỏi kỹ năng để triển khai các hoạt động hiệu quả. Qua lớp tập huấn này, các học viên đã được hướng dẫn cụ thể các phương pháp nâng cao kỹ năng tổ chức vận động và vận động tài trợ. Và để vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân, cần chú ý đến các kỹ năng làm quen, tạo dựng mối quan hệ như tìm hiểu các tổ chức, cá nhân về sở thích, xu hướng quan tâm tới công tác xã hội, hoạt động từ thiện hướng vào lĩnh vực nào…; kỹ năng khơi dậy hoạt động từ thiện, nhân đạo, cảm thông, chia sẻ với những người yếu thế; kỹ năng nắm bắt tâm lý; kỹ năng giới thiệu quy trình, thủ tục và hiệu quả hoạt động từ thiện thông qua Hội; kỹ năng giữ và tạo dựng mạng lưới nhà tài trợ; kỹ năng đặt vấn đề tài trợ; kỹ năng tổ chức thực hiện các dự án trợ giúp…
Các học viên tham gia lớp tập huấn cũng đã được lắng nghe, nắm bắt kế hoạch số 3062/KH-UBND và Quyết định số 70/QĐ-UBND về thực hiện chế độ chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, để kịp thời có phương án triển khai cụ thể, phù hợp với từng cấp Hội cơ sở.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: Phẫu thuật thay thủy tinh thể, tặng quà cho 100 người mù nghèo - 15/12/2015 04:43
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Trao thưởng cho vận động viên khuyết tật - 15/12/2015 04:36
- Tỉnh Hội Kon Tum: Tặng 100 xe đạp cho học sinh mồ côi vượt khó - 15/12/2015 04:31
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Đem ánh sáng cho 107 người mù nghèo - 15/12/2015 04:28
- Thành Hội Hải Phòng và thành Hội Đà Nẵng: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn lực - 15/12/2015 04:25
Các tin khác
- Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Luật NKT và Đề án Trợ giúp NKT - 15/12/2015 04:10
- Kỹ năng công tác xã hội với cá nhân người khuyết tật, trẻ mồ côi - 13/11/2015 03:08
- Tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế: Tặng học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi - 12/11/2015 03:00
- Tỉnh Hội Bình Dương: Hiệu quả từ một cách làm đúng - 30/10/2015 07:01
- Hội Bảo trợ NTT, TMC&BNN tỉnh An Giang: Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:38