Thứ tư, 27 Tháng 4 2016 16:33

Chăm lo cho người khuyết tật là một trong những chương trình lớn của cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, giúp họ vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

 

Ổn định cuộc sống
 
Với phương châm “Trao cho người khuyết tật cần câu, chứ không cho con cá”, các đơn vị trên địa bàn đã vận động mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chung tay góp sức chăm lo cho người khuyết tật. Nhờ vậy, nhiều người khuyết tật cũng đã có việc làm ổn định cuộc sống.
 
Việc đào tạo, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật được xem là hành động thiết thực giúp người khuyết tật có “cần câu” ổn định cuộc sống. Bị mất một tay và một chân từ khi lên 6 tuổi, chị Trần Nguyệt Kiều (ngụ ở quận 2, TP Hồ Chí Minh) phải rất khó khăn hòa nhập cuộc sống. Trước đây, chị Kiều có một gian hàng tạp hóa nhỏ, nhưng thu nhập không không đủ trang trải cuộc sống cho chị và mẹ già. Thấy hoàn cảnh của chị Kiều khó khăn, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD đã giới thiệu chị đi học nghề làm bánh. Nhờ sự nỗ lực và niềm đam mê với nghề, đến nay chị đã mở được một tiệm bánh bông lan ở quận 2, cuộc sống đã ổn định hơn trước.
 
Chị Nguyệt Kiều tâm sự: “Những người khuyết tật đừng ngại khó khăn và đừng sợ mình cô độc, bởi vẫn còn rất nhiều người bên cạnh. Cũng đừng bao giờ ngừng cố gắng, vì chỉ có cố gắng mới giúp chúng ta vượt lên số phận, để làm người có ích cho xã hội, ổn định cuộc sống của mình”.
 
hàng năm người khuyết tật
Hàng năm người khuyết tật phía Nam có cơ hội được vui chơi thỏa thích tại khu du lịch Suối Tiên.
 
Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, cho biết một trong những chương trình trọng tâm của hội là dạy nghề, tìm và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hơn 75% người khuyết tật sau khi học nghề tại trung tâm dạy nghề của hội đã có việc làm. Nhiều em sau khi học nghề, được gia đình và hội hỗ trợ về cơ sở, tài chính, đã mở cơ sở tư nhân và thu nhận các em khuyết tật khác đến làm việc.
 
Là một trong nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhận người khuyết tật vào làm việc, bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty in bao bì Hoàng Hà, cho biết, khi đầu tư xây dựng nhà xưởng mới, ngoài bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân hiện có, mục tiêu khác mà ban giám đốc hướng đến là thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội, trong đó có việc nhận người khuyết tật vào làm việc. Đến nay, công ty đã có gần 10 người khuyết tật vào làm việc, với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chế độ làm việc thuận lợi (4 ngày/tuần) với công việc nhẹ, phù hợp điều kiện sức khỏe (kiểm phẩm, đóng gói), lao động khuyết tật còn được ban giám đốc dành nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt.
 
“Mặc dù biết năng suất làm việc của người khuyết tật không bằng người bình thường, tuy nhiên Ban giám đốc không đặt nặng vấn đề này. Cái quan trọng là mục tiêu giúp người khuyết tật tự tin vào năng lực bản thân, để họ tự tin, hăng say làm việc và sống có ích hơn trong xã hội”, chị Dung cho biết thêm.
 
Trách nhiệm của toàn xã hội
 
Thành phố Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mọi người, để cùng chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ nhiều hơn cho những người khuyết tật.
 
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh), cho biết, thành phố có khoảng 15.000 người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động và có khoảng 40% người khuyết tật đã có việc làm. Để tăng số lượng người khuyết tật có việc làm ổn định, thành phố phối hợp tích cực với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị… cùng tham gia đào tạo và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
 
“Tuy nhiên, để giúp người khuyết tật có việc làm ổn định, cần sự tích cực của cả hai phía. Bản thân người khuyết tật cần nỗ lực vươn lên, học hỏi, trang bị cho mình các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập. Còn doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội việc làm cho người khuyết tật”, ông Giang cho biết thêm.
 
Không chỉ giúp người khuyết tật có việc làm ổn định, thành phố còn vận động, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị tham gia tổ chức nhiều hoạt động tặng học bổng, tổ chức văn hóa - văn nghệ, vui chơi giải trí… để cho người khuyết tật tham gia. Ðây là cách giúp họ hòa nhập cuộc sống bình thường, đồng thời cũng khẳng định tinh thần vươn lên trong mọi hoàn cảnh của người khuyết tật để hoàn thiện bản thân.
 
Bà Hoàng Thị Khánh, cho biết, ngoài chương trình đào tạo và giới thiệu việc làm, hàng năm hội còn tặng hơn 3.200 suất học bổng để giúp nhiều trẻ khuyết tật được tiếp tục đến trường. Để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm ăn, hội đã trao 458 xe lăn, xe lắc để họ có phương tiện thay đôi chân đi lại làm ăn ổn định cuộc sống. Hay chương trình sinh kế cho người khuyết tật đã hỗ trợ vốn hơn 817 triệu đồng, giúp 380 người khuyết tật làm ăn từ kinh doanh nhỏ lẻ như bán bánh kẹo, nước uống, vé số đến sản xuất tập trung tại các doanh nghiệp.
 
 
“Công tác chăm lo cho người khuyết tật là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người và của cả cộng đồng, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia chung tay của toàn xã hội. Trong đó, các đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp… là đơn vị đầu mối, trọng tâm và khi chăm lo cho người khuyết tật cần đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người khuyết tật, không phân biệt đối xử với họ để họ mất tự tin, cảm thấy mình là gánh nặng cho mọi người. Mặt khác, cũng cần nâng cao các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người khuyết tật ngay tại địa phương, cộng đồng…”, ông Giang chia sẻ.
 
 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi