Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 13:48

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ tổ quốc. Chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mọi công dân Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi người dân và cả cộng đồng. Cũng như những công dân bình thường khác, NKT có quyền được chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, được khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được chăm sóc sức khỏe ban đầu được tham gia và hưởng bảo hiểm y tế như mọi công dân khác trong xã hội. Ngoài ra, NKT còn được hưởng một số ưu tiên nhất định khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định.

Quyền được chăm sóc sức khỏe của NKT

Theo quy định của Nhà nước, NKT có quyền được tuyên truyền và tham gia tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tại cộng đồng, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, được tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, được vận động, hướng dẫn nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng chữa một số chứng bệnh thông thường, được nhân viên y tế cơ sở sơ cứu ban đầu, chăm sóc bệnh thông thường và phục hồi chức năng tại cộng đồng.

Anh 1 De an 1019 bai Cham soc suc khoe

NKT có quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế và phục hồi chức năng

Trong trường hợp bệnh, tật diễn biến xấu hơn, NKT được giới thiệu lên y tế tuyến trên để được tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị theo quy định của Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế, khi đó, sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn NKT phương pháp phòng bênh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NKT, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng phù hợp với phạm vi chuyên môn cho NKT.

Khi NKT đi khám, chữa bệnh, Nhà nước sẽ đảm bảo cho họ được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Với những NKT mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại, chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám, chữa bệnh. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám, chữa bệnh cho NKT.

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng được quy định trong luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận và do Nhà nước tổ chức thực hiện. NKT khi tham gia BHYT được ưu tiên về mức đóng, mức hưởng theo quy định: NKT nặng và đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% phí BHYT. Nhà nước, các cơ quan bảo hiểm xã hội đóng 100% phí đóng BHYT cho các đối tượng thuộc Điều 12 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2014 như: NKT là trẻ em dưới 6 tuổi, NKT thuộc hộ gia đình nghèo, NKT là người dân tộc thiểu số, NKT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, NKT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, NKT thuộc đối tượng ưu đãi xã hội, bảo trợ xã hội hàng tháng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là NKT không được hưởng hai lần hỗ trợ khi vừa thuộc đối tượng khuyết tật nặng, đặc biệt nặng vừa thuộc đối tượng hỗ trợ khác. Mức giảm hoặc hỗ trợ phí đóng BHYT đối với từng nhóm đối tượng được quy định tại điều 12, điều 13, Luật BHYT.

NKT tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định tại Điều 26, 27, 28 của Luật BHYT thì được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo các mức 100%, 95% và 80% tùy theo đối tượng. NKT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, phải nằm điều trị nội trú thì được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú nếu là bệnh viện tuyến trung ương, 60% chi phí điều trị nếu là bệnh viện tuyến tỉnh (đến hết năm 2020 và 100% bắt đầu từ 1/1/2021), 70% nếu là bệnh viên tuyến huyện (đến hết năm 2015 và 100% bắt đầu từ 1/1/2016). Từ 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở y tế tương đương trên cùng địa bàn tỉnh.

Quyền được Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe NKT nói chung và công tác PHCN nói riêng. Điều này thể hiện ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành, các Đề án lớn như: Luật NKT, Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định số 651/QĐ-TTg, ngày 1/6/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, Quyết định số 1208/QĐ-TTg, ngày 4/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 – 2015, Quyết định số 4039/QĐ-BYT, ngày 6/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch quốc gia về phát triển PHCN giai đoạn 2014 – 2020

Anh 2 De an 1019 bai cham soc suc khoe

Khám và tư vấn sản phụ khoa cho phụ nữ điếc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Theo đó, NKT được tạo điều kiện, hỗ trợ PHCN dựa vào cộng đồng. Gia đình NKT có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để NKT PHCN. Cơ sở chỉnh hình, PHCN có trách nhiệm tham gia hướng dẫn hoạt động chuyên môn PHCN. UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCN, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng. Nếu NKT có nhu cầu phục hồi chức năng được các cơ sở y tế tiếp nhận và giới thiệu đi PHCN tại các cơ sở PHCN công lập theo quy định sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí như đi khám chữa bệnh. NKT được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội được hưởng quyền lợi về chăm sóc y tế, trang bị dụng cụ, phương tiện hỗ trợ PHCN tùy thuộc vào dạng tật, mức độ khuyết tật.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các Bộ, ngành và chính quyền điạ phương các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên công tác trong chuyên ngành PHCN công tác PHCN cho NKT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các đối tượng được PHCN ngày càng mở rộng, NKT bẩm sinh, khuyết tật do lao động, do sinh hoạt trong cuộc sống và do một số bệnh khác đều được quan tâm điều trị PHCN.

Mạng lưới các cơ sở PHCN hình thành và phát triển trên toàn quốc với 38 bệnh viện/trung tâm điều dưỡng, PHCN trực thuộc các Bộ, ngành, 100% Bệnh viện Đa khoa tuyến Trung ương, 100% Bệnh viên Đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khoa Vật lý trị liệu, PHCN. Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi