Tọa lạc tại đường Nhật Lệ (thành phố Huế), Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT Hy Vọng từ lâu đã trở thành địa chỉ thân quen của những NKT. Trung tâm không chỉ là mái ấm, mà còn là nơi mang tới cho NKT cơ hội học nghề, giúp họ được làm việc, tự lập cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Điểm tựa của NKT
Được thành lập từ cuối năm 1999, Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT Hy Vọng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo nghề cho học viên khuyết tật có nhu cầu, mang lại hiệu quả cao trong khâu tạo việc làm. Bằng sự tận tuỵ, nhiệt tình của Ban Giám đốc và các thầy cô giáo, đến nay, sau 16 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã đào tạo hàng chục khóa học nghề cho hơn 1000 NKT, gần 80% học viên đã có việc làm sau mỗi khóa học.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, Trung tâm vẫn sẵn sàng tiếp nhận học viên khuyết tật vào dạy nghề miễn phí và tạo điều kiện ăn, ở, tạo ra môi trường sống thân thiện, giúp NKT vơi bớt mặc cảm, có thêm niềm vui sống.
Ông Olivier Oet - giáo viên dạy nghề gốm Raku đã tình nguyện tự bỏ chi phí đi lại để đến Trung tâm dạy nghề cho các học viên khuyết tật
Với mục tiêu lựa chọn đào tạo những ngành nghề phù hợp sức khoẻ của từng đối tượng đến học nghề, hàng năm Trung tâm tổ chức đào tạo các nghề may dân dụng, may công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, dệt vải trên máy cải tiến... Đối với mỗi nghề, trước khi tổ chức đào tạo, các thầy cô giáo của Trung tâm luôn tìm hiểu kỹ về năng khiếu, tính cách, cũng như khả năng làm việc, tình trạng tật của từng học viên để phân lớp cho phù hợp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất sau mỗi khoá học nghề.
Em Nguyễn Văn Sơn (xã Hồng Tiến - huyện Hương Trà) xúc động nói: “Em bị khuyết tật đôi chân từ khi còn rất nhỏ, gia đình lại nghèo nên em không có điều kiện được đi học, cũng không có cơ hội chữa trị, phục hồi chức năng. Em từng trốn mình trong căn phòng nhỏ, ngại tiếp xúc với mọi người và sợ những ánh nhìn thương hại. Thế rồi cuộc sống của em đã bước sang một trang mới, từ khi được tới học nghề miễn phí tại Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT. Em cảm ơn các cô, các thầy nhiều lắm, bởi chính các thầy cô, chính mái ấm thân thiết này đã cho em cơ hội học nghề may, tạo điều kiện cho em được làm công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khoẻ và hơn cả là em đã có thể tự lập cuộc sống, không còn phải sống dựa vào người thân”.
Còn chị Lê Thị Tâm (thị trấn A Lưới - huyện A Lưới) tâm sự: “Là một phụ nữ khuyết tật nghèo, lại không có việc làm nên đời sống túng thiếu, có lúc tôi nảy ra ý định muốn từ bỏ cuộc sống này, vì không muốn trở thành gánh cho gia đình. Một cơ duyên đã dẫn tôi đến với khoá học nghề miễn phí làm sơn mài của Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT Hy Vọng. Tuy trình độ của những NKT chúng tôi hạn chế, khả năng tiếp thu chậm nhưng giáo viên của Trung tâm đã rất nhiệt tình chỉ dạy cho chúng tôi từng chút một, thậm chí còn soạn riêng giáo án phù hợp với từng dạng tật của chúng tôi. Nhờ thế, tôi và các học viên đồng cảnh có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức, tay nghề dần dần được nâng cao. Dưới sự dìu dắt của Trung tâm, đến nay tôi đã có việc làm ổn định và có một gia đình nhỏ hạnh phúc bên người bạn đời đồng cảnh”.
Tạo cơ hội cho NKT phát triển kinh tế
Với mục tiêu tìm tòi, tạo ra nhiều cơ hội mới cho NKT phát triển kinh tế, từ năm 2003, Trung tâm đã phối hợp với huyện A Lưới tổ chức dạy nghề dệt Zèng cho NKT, TMC, nghèo thuộc các vùng dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là một trong những nghề truyền thống của dân tộc thiểu số A Lưới, giúp cho người dân địa phương giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời mang lại cơ hội cho NKT nghèo tại địa phương được làm nghề, tự lập cuộc sống.
Xưởng may các mặt hàng đồng phục tại Trung tâm
Sau khi tổ chức dạy nghề dệt Zèng, Trung tâm đã thành lập xưởng dệt tại huyện A Lưới và giải quyết việc làm cho 20 NKT dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, 100 NKT, TMC đang được tạo việc làm tại Trung tâm, trong đó có trên 30% NKT, nghèo dân tộc thiểu số, 50% NKT thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh và 20% người có hoàn cảnh khó khăn. Từ các loại vải truyền thống của các dân tộc Katu, Tà Ôi được chính bàn tay của các học viên khuyết tật dệt thủ công, sau đó chế lại thành các sản phẩm như túi xách, quần áo, thảm, khăn trải bàn, vỏ gối sôpha. Hay với các chất liệu thân thiện môi trường như mây, tre, dây điện, giấy vụn, các nhân viên khuyết tật của Trung tâm đã làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, chất lượng để cung ứng cho ngành du lịch Huế… Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Trung tâm có thể cung cấp từ 3.000 - 4.000 sản phẩm và chỉ tính riêng về mặt hàng túi xách, hàng tháng Trung tâm cung cấp từ 150 - 200 sản phẩm trên cả chất liệu vải và thổ cẩm dệt thủ công.
Túi xách là một trong những mặt hàng được Trung tâm cung ứng nhiều nhất ra thị trường
Để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho NKT, Trung tâm đã ký hợp đồng may đồng phục với các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, khách sạn… Thậm chí rất nhiều sản phẩm có kiểu dáng đa dạng, lạ mắt và có tính ứng dụng cao đã đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nhiều sản phẩm của Trung tâm đã được ký hợp đồng xuất khẩu đi các nước Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Mới đây, nhiều học viên khuyết tật của Trung tâm đã có thêm niềm vui mới, đó là nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm mà đặc biệt là sự giúp đỡ của nghệ sĩ gốm Raku (người Pháp) Oliver Oet đã dành thời gian dạy nghề làm đồ gốm Raku độc đáo cho các học viên khuyết tật.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, học viên khuyết tật còn được học và bồi dưỡng các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, xây dựng sự tự tin, quản lý thời gian, làm việc hiệu quả, marketing… Các kỹ năng sẽ là những nền tảng vững chắc giúp học viên khuyết tật thêm bản lĩnh, độc lập và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Mới đây, thông qua nguồn vốn của Trung tâm khuyến công & xúc tiến thương mại tỉnh, sự giúp đỡ tạo điều kiện của các tình nguyện viên trong nước, quốc tế, Trung tâm đã mở rộng đào tạo nhiều ngành nghề mới cho học viên khuyết tật và ưu tiên học viên khuyết tật nghèo, TMC người dân tộc thiểu số. Từ nhu cầu lớn của học viên khuyết tật muốn học thêm các nghề mới, Trung tâm đã cố gắng tìm hiểu và mời những thầy cô có tay nghề giỏi về truyền đạt kinh nghiệm, song do kinh phí còn hạn chế, cơ sở chật hẹp nên Trung tâm vẫn chưa đáp ứng hết được hết nhu cầu của đông đảo NKT. Trung tâm rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các tổ chức, các mạnh thường quân để ngày càng nhiều học viên khuyết tật, TMC, người nghèo có cơ hội học nghề, được làm việc, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Dụng cụ hỗ trợ với người khuyết tật - 22/12/2015 03:39
- “Chuyện của đôi chân” - góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của dụng cụ trợ giúp với người khuyết tật - 22/12/2015 03:32
- Hội nghị Tập huấn Quản lý trường hợp và kỹ năng tư vấn, tham vấn trợ giúp phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NKT - 15/12/2015 04:19
- Nỗ lực thực hiện chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật - 15/12/2015 04:04
- Doanh nghiệp dạy nghề, liên kết với cơ sở đào tạo nghề: Mô hình hiệu quả trong dạy nghề và tạo việc làm cho NKT - 15/12/2015 03:59
Các tin khác
- Giám sát đánh giá và thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật tại Việt Nam - 30/10/2015 06:55
- Đội CTXH Trường Đại học Thủy Lợi TP.HCM: Cng hiến sức trẻ cho hoạt động CTXH - 30/10/2015 06:51
- Chăm sóc sức khỏe người khuyết tật - 30/10/2015 06:48
- Phát hiện, can thiệp sớm: Cơ hội cải thiện tình trạng khuyết tật cho trẻ - 30/10/2015 06:44
- Trung tâmPhục hồi chức năng- Phẫu thuật chỉnh hình tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:25