Thứ ba, 15 Tháng 12 2015 10:59

Thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012 - 2020, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT thời gian qua đã được đẩy mạnh với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân. Nhiều mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đạt hiệu quả đã được thí điểm xây dựng và nhân rộng. Trong đó, mô hình doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, thành lập cơ sở dạy nghề hoặc liên kết với cơ sở đào tạo nghề cho NKT đang ngày càng được quan tâm bởi tính ưu việt và khả năng khắc phục các rào cản trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

 

Rào cản trong học nghề, việc làm của NKT vẫn còn tồn tại

 

Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động, cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho NKT, chính sách nhà nước về trợ giúp NKT học nghề và việc làm ngày càng hoàn thiện. Các văn bản của nhà nước đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, xã hội và gia đình với NKT, quyền và nghĩa vụ của NKT… Luật NKT, Nghị định 28 hướng dẫn thi hành Luật, Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), Quyết định số 1956, Quyết định số 1019… được ban hành kịp thời là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác dạy nghề và tạo việc làm với NKT.

 

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1019 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều mô hình hiệu quả được thí điểm. Công tác xã hội hoá về đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT được đẩy mạnh nhằm vận động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc đa dạng hoá các hình thức hoạt động và mở rộng các nguồn đầu tư.

 

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, dù được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, việc học nghề, tìm kiếm việc làm của NKT nước ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ước tính, chỉ có 30% NKT có việc làm, kể cả việc làm không ổn định, 70% còn lại đều phải sống phụ thuộc vào gia đình và sự hỗ trợ từ các ngành, nghề khác. Tỷ lệ NKT sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nguyên nhân là do 80% NKT sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, khó tự trang trải việc học nghề, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, mặc cảm, tự ti, thiếu thông tin về việc làm, nhất là với người khiếm thính. Các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông công cộng không phù hợp, các lớp học nghề được tổ chức tập trung, ngành nghề không đa dạng hay giáo trình, phương pháp giảng dạy không phù hợp khiến họ khó tiếp cận học nghề, việc làm. NKT khó tiếp cận vốn vay, cơ chế thị trường hướng tới mục tiêu lợi nhuận đã trở thành “lực cản” đối với dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT….

 

De an - Trung tam hy vong 2

Hình minh họa

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề giải quyết việc làm, giải pháp để từng bước tháo gỡ những rào cản này, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, thực hiện đạt chỉ tiêu đến năm 2020, dạy nghề và giải quyết việc làm cho 300.000 NKT theo Đề án 1019 (giai đoạn 2012 - 2015 chi đạt 120.000/250.000 NKT được dạy nghề tạo việc làm) là tăng cường cải tiến kỹ năng giảng dạy, nâng cao năng lực giảng viên, tạo môi trường học dễ tiếp cận. Nâng cao kỹ năng giao tiếp cho NKT, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người sử dụng lao động trong việc tuyển dụng NKT, xây dựng cơ chế phối hợp thực tập cho NKT tại doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho các tổ chức xúc tiến dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, nhân rộng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT hiệu quả. Trong đó, mô hình các doanh nghiệp đứng ra tổ chức dạy nghề, thành lập cơ sở dạy nghề hoặc liên kết với đơn vị dạy nghề, tạo việc làm cho NKT cần được phát huy và nhân rộng vì lợi ích bền vững của NKT.

 

Mô hình doanh nghiệp dạy nghề cho NKT

 

Qua thực tế triển khai cho thấy, việc doanh nghiệp đứng ra tổ chức dạy nghề, thành lập cơ sở dạy nghề hay liên kết dạy nghề, tạo việc làm cho NKT có nhiều ưu điểm, có thể khắc phục được những rào cản của NKT trong quá trình học nghề, tìm kiếm việc làm.

 

Kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Pháp từ lâu đã khẳng định việc đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và của thị trường.. Khi doanh nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo nghề hai bên sẽ có sự thông tin qua lại. Nhờ đó, cơ sở đào tạo sẽ nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo, trình độ đào tạo... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể cung cấp thêm các thông tin về sự phù hợp của các chương trình đào tạo, những nội dung cần cải tiến, bổ sung hoặc thay đổi trong giáo trình đào tạo nghề cho phù hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sự liên kết này góp phần khắc phục được tình trạng đào tạo tràn lan, không có trọng điểm và người lao động được đào tạo không có việc làm đồng thời góp phần hạn chế được tình trạng đào tạo thiên về lý thuyết, không gắn với thực tiễn.

 

Khi doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề hoặc tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại cơ sở để trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất kinh doanh của mình và phục vụ cho nhu cầu xã hội sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với các cơ sở dạy nghề khác vì đã có sẵn hệ thống máy móc, thiết bị. Đây được coi là lợi thế số một, bởi đào tạo nghề nhất thiết phải có đầy đủ trang thiết bị cho người học nghề thực hành - điều mà không phải cơ sở đào tạo nghề nào cũng có được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có đội ngũ hướng dẫn thực hành nghề nhiều kinh nghiệm do họ thường xuyên được tiếp cận với những kĩ thuật và công nghệ mới.

 

Khi doanh nghiệp trực tiếp đào tạo sẽ thuận lợi và chủ động trong việc tuyển chọn và sử dụng được đội ngũ lao động phù hợp với yêu cầu. Thực tế triển khai hoạt động dạy nghề thời gian vừa qua, các lớp dạy nghề cho NKT tại các doanh nghiệp tỷ lệ có việc làm sau học nghề rất cao. Có thể đạt từ 80- 100%.

 

Từ năm 2012, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã thí điểm thành công mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Mô hình này đến nay đã được nhân rộng ra hầu khắp các tỉnh thành Hội trong cả nước, hàng năm tổ chức dạy nghề cho hàng ngàn NKT. Tỷ lệ NKT sau học nghề có việc làm đạt khoảng 80%.

 

Với những ưu thế trong việc tạo việc làm bền vững cho NKT, việc các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho NKT, liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT đã được Nhà nước quan tâm thể hiện qua nhiều chính sách ưu đãi. Ngoài các chính sách với doanh nghiệp có tổ chức dạy nghề nói chung, với doanh nghiệp thường xuyên có ít nhất 70% người học là NKT còn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người khuyết tật, được vay vốn từ quỹ việc làm dành cho người khuyết tật.

 

Những quy định này không chỉ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện các hoạt động phát triển dạy nghề mà còn kết hợp hài hoà giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, giúp người lao động nói chung, người khuyết tật nói riêng có trình độ nghề phù hợp với khả năng lao động của họ để họ tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Dạy nghề , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi