Thứ ba, 15 Tháng 12 2015 11:04

 Một trong những mục tiêu của Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 là đến năm 2020 sẽ dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 550.000 NKT. Như vậy, bình quân mỗi năm cần đào tạo nghề và việc làm cho khoảng 60.000 người, bằng tổng số NKT được dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010. Có thể nói, đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề. Trong thời gian vừa qua, dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, song để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá, sự tập trung chỉ đạo, phối hợp trong tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

 

Chính sách và những kết quả tích cực

 

Ư ớc tính cả nước hiện có hơn 7 triệu NKT, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó có gần 400.000 NKT nặng. Trong 6 nhóm dạng khuyết tật, có khoảng 30% khuyết tật vận động, hơn 16% khuyết tật tâm thần, thần kinh, gần 10% khuyết tật trí tuệ, khoảng 12% khuyết tật nhìn, gần 11% khuyết tật nghe nói và hơn 20% bị đa tật.

 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một hệ thống chính sách trợ giúp đối với NKT được ban hành, đặc biệt là các chính sách về dạy nghề và việc làm dành riêng cho NKT. Ngoài ra, NKT còn là đối tượng ưu tiên được quy định trong nhiều chính sách hỗ trợ học nghề khác như chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với học sinh sinh viên, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, các chính sách về học bổng và trợ cấp xã hội…

 

Anh 1 bai No luc day nghe

Hoạt động dạy nghề

 

Nhờ hệ thống các chính sách trên mà công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, các cơ sở dạy nghề cho NKT gia tăng mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo. Hoạt động này cũng từng bước được xã hội hoá với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, các cơ sở này đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 7.000 - 8.000 NKT.

 

Thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, hàng năm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều có chỉ đạo hướng dẫn các địa phương ưu tiên kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện lồng ghép dạy nghề cho NKT. Năm 2013 đã dành 5 tỷ đồng để nghiên cứu, thí điểm cac mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp cho NKT. Bộ cũng đã hợp đồng với các cơ sở dạy nghề của NKT các tỉnh Hoà Bình, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Đà Nẵng thí điểm một số mô hình dạy các nghề phù hợp với NKT như xoa bóp bấm huyệt, may công nghiệp, mây tre đan, dệt thổ cẩm, chăn nuôi gia súc, trồng nấm, mộc dân dụng…

 

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổ chức đoàn thể, Hội của NKT và vì NKT, năm 2013 đã dạy nghề cho 5.172 NKT, năm 2014 là 5.264 người, năm 2015 ước đạt khoảng 16.800 người. Trong đó, số được giải quyết việc làm phù hợp sau học nghề đạt khoảng 70%.

 

Các tổ chức của NKT và vì NKT cũng đã tích cực khai thác, vận động tài trợ tạo thêm nguồn lực dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Trong đó, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên đã dạy nghề cho 2.900 NKT với tổng kinh phí trên 10,3 tỷ đồng. Sau học nghề, có khoảng 82% NKT được giải quyết việc làm. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án “Hỗ trợ hoà nhập kinh tế xã hội và việc làm cho NKT” do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hỗ trợ tại 51 xã của 6 tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng và Hà Nội. Có gần 800 NKT được dạy nghề tại 162 cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành khoá học 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề và có việc làm. Hội người mù đã mở được 91 lớp cho 1.316 hội viên.

 

Những hạn chế và biện pháp khắc phục

           

Mặc dù một hệ thống tương đối hoàn chỉnh về các chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã được ban hành, tuy nhiên việc triển khai và kết quả đạt được còn nhiều bất cập và hạn chế. Hàng năm cả nước chỉ dạy nghề được cho khoảng 10.000 người, quá thấp so với nhu cầu, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế cũng như mục tiêu nhiệm vụ của chính sách đề ra. Giai đoạn 2012 - 2015 không hoàn thành chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được Thủ tướng chính phủ giao tại Quyết định số 1019. Nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho NKT đã được ban hành nhưng không phát huy được tác dụng, hiệu quả (như quy định nhận NKT vào làm việc, ưu tiên cấp hoặc cho thuê đất để xây dựng cơ sở dạy nghề, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề cho NKT...) ảnh hưởng tới thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và quyền lợi của NKT.

 

Để từng bước giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, cần tìm ra những đặc điểm trong dạy nghề, tạo việc làm cho NKT từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp.

 

Thứ nhất: Tuy số lượng NKT lớn nhưng lại nằm rải rác khắp nước với nhiều dạng tật và mức độ khuyết tật khác nhau, mỗi dạng tật, mức độ khuyết tật lại phù hợp với một số ít nghề nhất định. Do vậy, để đảm bảo số lượng và chất lượng dạy nghề cho NKT cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chính sách hỗ trợ dạy nghề, học nghề và tạo việc làm cho NKT. Đa dạng hoá, mở rộng các hình thức dạy nghề linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của NKT. Nghiên cứu triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả, phù hợp với NKT. Ưu tiên đảm bảo kinh phí thực hiện đối với các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, dạy nghề theo các dự án giải quyết nhiều việc làm phù hợp với NKT.

 

Thứ hai: Do bị khuyết tật, hầu hết NKT đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đa số trình độ văn hoá thấp (gần 36% không biết chữ, chỉ có 20,7% có trình độ tiểu học và 24,5% có trình độ trung học cơ sở). Bên cạnh đó, NKT còn bị hạn chế bởi khả năng đi lại, khả năng tiếp thu, khả năng giải quyết việc làm nên dạy nghề cho NKT cần phải có cách làm riêng cho phù hợp, có giáo trình riêng, thiết bị riêng và thời gian đào tạo cũng cần dài hơn những người khác. Trong khi hiện nay việc dạy nghề cho NKT đang được thực hiện lồng ghép với các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Để tháo gỡ tình trạng này, cần hỗ trợ đầu tư các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề chuyên biệt dạy NKT, hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy nghề cho các cơ sở nhận dạy nghề để đảm bảo năng lực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho NKT….

 

Thứ ba: các chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp đào tạo nghề cho NKT cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Có chính sách hỗ trợ thiết thực giải quyết việc làm cho NKT như ưu tiên vị trí làm việc phù hợp cho NKT tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi để mua thiết bị, dụng cụ hành nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, nghiên cứu, đơn giản hoá trình tự thủ tục để tạo sự linh hoạt, năng động trong tổ chức thực hiện.

 

Thứ tư: Cần huy động, tạo điều kiện và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức của NKT và vì NKT có tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Vì các đơn vị này thường có tổ chức chân rết xuống tận cơ sở nên nắm chắc đối tượng và có kinh nghiệm và khả năng trong việc ghép nối, giải quyết giữa nhu cầu học nghề của NKT với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Thứ năm: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, sửa đổi bổ sung kịp thời các chính sách, quy định về dạy nghề và giải quyết việc làm cho NKT hiện hành để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực thực hiện trong thực tế.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Dạy nghề , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi