Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng gần 2 triệu người trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động. Tận dụng được lực lượng lao động này có thể tạo ra một nguồn lực không hề nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật trong giai đoạn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số người khuyết tật đã có việc làm đang đứng trước rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó có nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động. Làm thế nào để người khuyết tật yên tâm sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm và cuộc sống tự lập cho bản thân, người đồng cảnh thực sự là một vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ.
Người khuyết tật đang làm việc trong điều kiện thiếu an toàn
Người khuyết tật là nhóm người yếu thế trong xã hội. Họ thua kém rất nhiều người khác về thể trạng, sức khỏe. Nhưng họ ở họ luôn có một nghị lực phi thường và chí chí quyết tâm vượt lên số phận, sống tự lập, không phụ thuộc vào người khác. Đó là lý do mà có rất nhiều người khuyết tật không ngừng nỗ lực ngày đêm để học chữ, học nghề, tìm kiếm việc làm. Bởi việc làm không chỉ giúp họ có thu nhập, đóng góp cho gia đình mà còn là cơ sở để họ khẳng định bản thân mình, khẳng định sự bình đẳng, hòa nhập của mình trong xã hội.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật gặp khó khăn trong việc đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn an toàn vệ sinh lao động
(ảnh minh họa)
Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm triển khai các chính sách trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm nhưng kết quả đạt được vẫn còn thấp. Thống kê của Tổng Cục Dạy nghề, giai đoạn 2011 – 2014, cả nước mới hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 100.000 người khuyết tật. Con số này so với hơn 3 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động thực sự còn quá nhỏ bé. Quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, thời gian qua các chính sách hỗ trợ, các cơ quan tổ chức, các cơ sở dạy nghề vẫn tập trung vào kết quả là việc làm, thu nhập của người khuyết tật, vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho người khuyết tật trong sản xuất, kinh doanh ít được quan tâm. Trong khi đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến sức khỏe, tính mạng và khả năng làm việc ổn định, lâu dài của người khuyết tật.
Theo các kết quả nghiên cứu, đa số người khuyết tật làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, cơ sở có quy mô hộ gia đình, nhiều người khuyết tật tự tạo việc làm cho mình và người đồng cảnh, có một số ít được nhận vào làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp. Ngành nghề chủ yếu mà người khuyết tật tham gia sản xuất là thủ công, may mặc, mộc mỹ nghệ, sản xuất chổi đót, làm hoa giấy, buôn bán nhỏ, nhân viên văn phòng… Hầu hết các ngành nghề này đều có nguy cơ mất an toàn, nhất là an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn về điện, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, với 90% người khuyết tật xuất thân từ nông thôn, trình độ nhận thức còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin còn nhiều rào cản cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho công tác an toàn, vệ sinh lao động với nhóm đối tượng này đôi chỗ còn bỏ ngỏ.
Vẫn biết, việc đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, phòng tránh bệnh nghề nghiệp là việc thiết yếu, nhưng phần lớn các cơ sở đều trong tình trạng thiếu thông tin, thiếu nguồn vốn đầu tư để tổ chức các hoạt động phòng ngừa. Do đó, trên thực tế hiện nay, phần lớn người khuyết tật đang phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn, chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cũng như các kiến thức phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nỗi niềm mong mỏi
Người khuyết tật là những người yếu thế trong xã hội, được học nghề, làm việc là nguyện vọng chính đáng cũng là quyền mà họ được hưởng theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật và nhiều văn bản liên quan khác. Việc làm đó càng có ý nghĩa hơn khi được quan tâm, đảm bảo các điều kiện thuận lợi, phù hợp để họ phát huy hết khả năng của mình, đạt hiệu quả cao nhất trong lao động, sản xuất.
Để tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của xã hội, bên cạnh việc dạy nghề, tạo việc làm, Nhà nước, các cơ quan chức năng và trực tiếp là các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, xây dựng một chiến lược cụ thể, đảm bảo an toàn cho người khuyết tật trong suốt quá trình học nghề, làm nghề. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Nhà nước, các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ họ về thông tin, nguồn kinh phí, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc. Người khuyết tật được đánh giá là những người có ý thức trách nhiệm cao với công việc của mình. Khi được hướng dẫn cụ thể, được cung cấp thông tin đầy đủ, họ sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu – điều mà nhiều người dù khỏe mạnh bình thường cũng không chịu tuân thủ.
Lao động khuyết tật rất cần được tập huấn, nâng cao kiến thức thường xuyên để tham gia sản xuất an toàn, hiệu quả
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ các điều kiện trang bị phương tiện, kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động đạt chuẩn, cần khuyến khích họ nhận người khuyết tật vào làm việc. Tạo môi trường làm việc phù hợp, hòa nhập với người khuyết tật.
Theo anh Trần Văn Tuấn, một người khuyết tật và là chủ một cơ sở sản xuất có lao động là người khuyết tật ở Hậu Lộc, Thanh Hóa: “Chúng tôi luôn mong muốn và sẽ cố gắng hết sức để mang đến cho người lao động khuyết tật những điều kiện làm việc phù hợp. Nhưng với khả năng của các cơ sở của người khuyết tật vốn quy mô nhỏ, kinh phí hạn hẹp, việc đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước thực sự rất khó khăn. Chúng tôi rất cần và rất mong nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước, của Cục An toàn lao động để tổ chức có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở. Làm thế nào để người khuyết tật không phải chịu thêm bất kỳ một tai nạn đáng tiếc nào khiến cuộc sống khó khăn thêm nữa”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đảm bảo an toàn lao động mang lại hiệu quả sản xuất cao - 09/09/2015 02:59
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT Phú Yên: Chăm sóc sức khỏe, PHCN và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật - 07/09/2015 05:44
- Tập huấn truyền thông dựa trên quyền và hòa nhập xã hội của trẻ khuyết tật - 26/08/2015 06:45
- Môi trường sạch sẽ, thân thiện - điều kiện làm việc hiệu quả cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:35
- Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội chính thức thông qua - 04/08/2015 07:32
Các tin khác
- Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn thấp và nhiều bất cập - 04/08/2015 04:06
- Công chiếu chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐ-TBXH cho Điều phối viên trưởng Chương trình hợp tác quốc tế của AECID - 01/07/2015 03:19
- Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH - 29/06/2015 02:40
- Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều - 18/06/2015 02:56
- Tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật - 21/05/2015 08:16