Được học nghề, tạo việc làm là nhu cầu bức thiết của mỗi người khuyết tật còn khả năng lao động và khao khát được sống bằng chính sức lao động của mình. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội, số người khuyết tật được tạo việc làm trong các tổ chức, doanh nghiệp ngày một tăng. Bên cạnh đó, không ít người khuyết tật đã vươn lên lập nghiệp, tự tạo việc làm cho mình và cho những người cùng cảnh khác. Tuy nhiên, để thực sự tự lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, nhóm đối tượng này cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua các cuộc Tọa đàm, Tập huấn, người khuyết tật chia sẻ với nhau kinh nghiệm cách thức vay vốn
Nhu cầu lớn nhưng đáp ứng còn chậm
Cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% dân số), trong đó có khoảng 1,6 triệu người còn khả năng lao động. Có thể khẳng định, người khuyết tật là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội, họ có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có quyền về việc làm bền vững. Cũng như bao người bình thường khác, người khuyết tật nếu được tạo điều kiện về môi trường làm việc, có công việc, có thu nhập thì sẽ không trở thành gánh nặng cho xã hội, mà còn có thể mang lại những đóng góp lớn cho cộng đồng. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, người khuyết tật cần được tạo điều kiện, cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Anh Nguyễn Đình V, (thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) không may bị tai nạn giao thông. Từ đó, anh trở thành người khuyết tật. Nghĩ đến tương lai của mình, anh V vẫn quyết tâm lao động để kiếm sống. Anh làm đủ nghề, từ may, làm khoá đến khâu vá giầy dép... nhưng mãi vẫn không đủ ăn. Anh ao ước có một chiếc xe ba gác để chở thuê hàng hoá và đã chạy vạy vay tiền nhiều nơi, kể cả vay vốn ngân hàng. Anh cho biết: “Khi mới bắt đầu làm thủ tục để vay vốn ngân hàng, mình tràn trề hy vọng. Bởi trong khu nhiều gia đình vay được nguồn vốn này rất thuận lợi, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Với trường hợp của mình, hy vọng sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện hơn...”. Nhưng trên thực tế, với anh V lại không hề dễ dàng. Qua rất nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp, cùng những cam kết, bảo lãnh của gia đình, cuối cùng hồ sơ vay vốn của anh vẫn phải chờ. Cuối cùng phải nhờ người thân, gia đình vay mượn riêng để mua xe.
Cũng giống như anh V, có rất nhiều người khuyết tật hiện nay có khả năng lao động và họ đều có nhu cầu được hỗ trợ vốn để làm ăn. Thế nhưng, thực tế số người khuyết tật được vay vốn rất thấp, hoặc nếu có thì mức vay dành cho họ cũng nhỏ giọt và vụn vặt.
Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn duy trì hiệu quả 11 chương trình tín dụng an sinh xã hội với tổng dư nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều chương trình tín dụng dành cho đối tượng chính sách xã hội như: Hộ nghèo, lao động thiếu việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Tính ra, doanh số cho vay mỗi năm của ngân hàng trong khoảng 400 - 450 tỷ đồng, với 25.000 - 30.000 lượt hộ được giải quyết cho vay. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật được tham gia các nguồn vốn vay này lại rất hạn chế, thường chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Hiện chưa có nguồn vốn vay dành riêng cho cá nhân người khuyết tật. Muốn vay vốn, người khuyết tật phải thông qua một tổ chức hội/nhóm có tư cách pháp nhân đứng ra bảo lãnh.
Tài chính vi mô là một trong những công cụ được Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội sử dụng nhằm xoá đói giảm nghèo cho người nghèo, trong đó có người khuyết tật. Tuy đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc song rất ít người khuyết tật tiếp cận được với dịch vụ này, vì còn nhiều khó khăn, rào cản. Theo kết quả điều tra của Ban Hành động vì sự phát triển hoà nhập (IDEA), thực hiện ở 3 tỉnh, thành là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Nam, trong số 219 người khuyết tật được phỏng vấn, có 55% có việc làm, trong đó 30,5% là làm thuê và 24,8% là tự tạo việc làm; 73% có mức thu nhập dưới 400.000 đồng/tháng. Việc tiếp cận với các thông tin về dịch vụ tài chính vi mô cũng rất hạn chế, cụ thể là có tới 48% đối tượng được hỏi không có thông tin gì về các dịch vụ việc làm, tiết kiệm và tín dụng.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do người khuyết tật thiếu thông tin, kiến thức về các chính sách pháp luật, chính sách ưu đãi của Nhà nước nên không tiếp cận được với nguồn vốn. Có người tiếp cận được nhưng gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục, giấy tờ… Cùng với đó là vướng mắc xuất phát từ khâu xét duyệt đối tượng người vay tại cơ sở. Theo đại diện một Ngân hàng chính sách ở cấp tỉnh, đại đa phần các chương trình tín dụng của đơn vị đều uỷ thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, các tổ chức, đoàn thể địa phương đứng ra tập hợp những cá nhân, gia đình có nhu cầu vay vốn để đưa lên. Cán bộ chính sách chỉ thẩm định và giải ngân nếu thấy phù hợp. Vì vậy, việc người khuyết tật được ưu tiên vay vốn hay không và số lượng nhiều hay ít phần nào phụ thuộc vào các cơ sở này. Ngoài ra, đa số người khuyết tật đều nghèo, thực tế đã có không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi, phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí xoá nợ. Đây chính là nguyên nhân cơ bản để các tổ chức, đoàn thể địa phương phải cân nhắc trước mỗi cơ hội vay vốn dành cho họ.
Nhiều chính sách ưu đãi với người khuyết tật
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, bảo đảm để người khuyết tật thực hiện quyền bình đẳng và tham gia cộng đồng xã hội, một trong những giải pháp là hướng tới trợ giúp người khuyết tật nâng cao năng lực tiếp cận việc làm, giải quyết vấn đề giảm nghèo. Trong đó cần trợ giúp trực tiếp đối với cá nhân và hộ gia đình người khuyết tật đảm bảo điều kiện tham gia vào thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.
Trên thực tế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho người khuyết tật. Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật. Hệ thống các chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là việc ban hành Luật Người khuyết tật đã tạo hành lang pháp lý, tăng cường các điều kiện để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng. Hiện nay, cả nước đã có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật, số người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm từ năm 2010 đến nay hàng năm từ 7.000 – 8.000 người.
Niềm vui của người khuyết tật khi tiếp cận được với nguồn vốn phát triển sản xuất
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật. Theo đó, các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người khuyết tật và thu hút thêm người khuyết tật vào làm việc sẽ được xem xét cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay: bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng khác vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ngoài chính sách ưu đãi trên đây, cơ sở kinh doanh của người khuyết tật, người sử dụng lao động là người khuyết tật còn được Nhà nước hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo quy định của chương trình này hộ gia đình vay vốn phải đáp ứng một số điều kiện khi vay vốn như phải tạo thêm tối thiểu một chỗ làm việc mới, dự án phải có xác nhận của chính quyền hoặc cơ quan thực hiện chương trình ở địa phương nơi thực hiện dự án và phải cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
Tại Điều 8, Chương II, Nghị định 28/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật cũng nêu rõ, Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật, người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận vốn
Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, phương tiện tiếp cận, các tổ chức Hội, nhóm của người khuyết tật vẫn nỗ lực hỗ trợ các hội viên tranh thủ mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để phát triển sản xuất, tự lập, vươn lên. Các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, tìm hiểu Luật người khuyết tật, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thường xuyên được tổ chức.
Tại Hội Người khuyết tật Hà Nội, các lớp tập huấn về tiếp cận nguồn vốn vay được tổ chức, người khuyết tật có cơ hội tìm hiểu các điều kiện, thủ tục vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu Luật doanh nghiệp, các điều kiện và thủ tục để thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật có đủ tư cách pháp nhân và giúp người khuyết tật tìm hiểu việc thành lập các nhóm kinh doanh, thiết lập mạng lưới kinh doanh để giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Đây là những điều kiện giúp người khuyết tật vay được vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Bằng cách kết hợp lồng ghép chương trình tài chính vi mô với các hoạt động hỗ trợ bền vững cụ thể cho các câu lạc bộ người khuyết tật tại Quảng Bình, Viện tài chính vi mô và phát triển cộng đồng đang trở thành một trong những tổ chức có trọng trách lớn, uy tín lớn trong việc hỗ trợ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần cho những người khuyết tật, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người khuyết tật trên địa bàn tiếp cận được các nguồn tín dụng vi mô như những người bình thường, giúp đỡ họ hòa nhập với xã hội, từng bước sử dụng tốt nguồn vốn vi mô và vận dụng tốt các kiến thức được dự án đào tạo áp dụng vào sản xuất kinh doanh, tạo nên một xã hội công bằng và góp phần xóa đói giảm nghèo đối với từng hộ khuyết tật nơi đây.
Trao bò sinh sản cho gia đình người khuyết tật – Một trong những hình thức cấp vốn đang phát huy hiệu quả của Hội Bảo trợ NTT & TMC Việt Nam
Dù nguồn lực không lớn, nhưng với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã triển khai nhiều hình thức vay vốn ưu đãi dành cho người khuyết tật như: vay vốn sản xuất, kinh doanh nhỏ (tỉnh Hội Quảng Trị), ngân hàng bò (Bình Dương và một số tỉnh, thành Hội khác)…
Cũng nhờ có việc làm, đa số người khuyết tật được vay vốn đã không còn mặc cảm, tự ti. Nhiều người mở rộng mối quan hệ khách hàng. Đặc biệt, họ được hòa nhập bình đẳng với người không khuyết tật trên thị trường lao động. Đó là kết quả rất đáng mong đợi và đáng để thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn cho người khuyết tật một cách hiệu quả.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- An toàn lao động và việc làm cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:28
- Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn thấp và nhiều bất cập - 04/08/2015 04:06
- Công chiếu chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐ-TBXH cho Điều phối viên trưởng Chương trình hợp tác quốc tế của AECID - 01/07/2015 03:19
- Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH - 29/06/2015 02:40
- Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều - 18/06/2015 02:56
Các tin khác
- Gậy thông minh giúp người mù nhận diện khuôn mặt - 13/05/2015 09:24
- Một trái tim – Một thế giới lần thứ XII sẽ diễn ra vào 20h 30’ ngày 17/4 tại Sân khấu Lan Anh. Tp HCM - 11/04/2015 04:24
- Từ câu chuyện “Khỉ nhân đạo và cá vô ơn” - 22/09/2014 04:05
- 6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật - 15/09/2014 03:43
- 5 bước dạy học chủ đề theo hướng tiếp cận cá nhân cho trẻ khuyết tật - 09/09/2014 19:50