Ngày 30/6, tại Hà Nội, Tổng Cục dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá mức độ tiếp cận về học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật”. Tham dự Hội thảo có bà Mai Thúy Nga - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dạy nghề; ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, đại diện các cơ quan, một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã và đang đào tạo nghề cho người khuyết tật …
Mai Thuý Nga - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thuý Nga - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: Dạy nghề, tạo việc làm là một việc cấp thiết, là một trong những giải pháp quyết định để người khuyết tật sống độc lập trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật, góp phần tích cực để người khuyết tật thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, tham gia vào cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm.
Trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy quyền và cơ hội cho người khuyết tật thông qua luật pháp, Tổng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức ILO tiến hành khảo sát để tìm hiểu, đánh giá nhu cầu thực tiễn dạy nghề cho người khuyết tật tại 4 tỉnh, thành phố là Phú Thọ, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó tổng hợp xây dựng văn bản hướng dẫn, có ý kiến đề xuất việc chỉnh sửa các chính sách liên quan đến dạy nghề cho người khuyết tật để việc dạy nghề cho người khuyết tật đạt kết quả cao hơn. Cuộc khảo sát được tiến hành trong thời gian ngắn, phạm vi khảo sát hẹp, số mẫu khảo sát không nhiều, do đó chưa thể đánh giá hết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra, nhưng cũng đã lột tả được cơ bản thực trạng của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Qua kết quả triển khai của các địa phương trong cả nước và 4 địa phương được khảo sát cho thấy, mặc dù có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở dạy nghề nhưng kết quả hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người khuyết tật. Theo tổng hợp của các địa phương và các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, trong 5 năm (2010 – 2014), cả nước có khoảng 120.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm. Trong đó có 100.000 người được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người được vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, gần 19.300 người được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật. Qua báo cáo và khảo sát thực tế, trong 3 năm (2012 - 2014), tại 4 tỉnh được khảo sát có gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm. Nếu chia bình quân mỗi năm một tỉnh hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 30 – 50 người khuyết tật. So với tổng số người khuyết tật trên địa bàn và số người khuyết tật có nhu cầu học nghề, tạo việc làm (khoảng 3 triệu người) thì con số này còn rất thấp.
Nhận thức của xã hội về giáo dục, dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật tuy đã có sự thay đổi tích cực, người khuyết tật đã từng bước tham gia vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, việc dạy nghề theo hướng hòa nhập cho người khuyết tật được nhiều địa phương, cơ sở dạy nghề thực hiện. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho người khuyết tật thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề. Khảo sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành chỉ nắm được số người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp, chưa nắm được cơ bản thông tin cũng như nhu cầu học nghề của đối tượng. Kinh phí thực hiện dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hiện đang lồng ghép với các chương trình, đề án khác, chưa được bố trí kinh phí riêng. Hầu hết, người khuyết tật mới được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, số người được đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp rất thấp.
Những vấn đề đặt ra qua khảo sát cũng cho thấy, các địa phương, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn thì hầu hết người khuyết tật rất khó khăn trong việc đi lại để tham gia học tập, không ít người khuyết tật khi tham gia học nghề phải có người đưa đón, mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo chính sách quy định còn thấp và không phù hợp với người khuyết tật. Bên cạnh đó, người khuyết tật tiếp cận vốn vay ưu đãi còn hạn chế, còn khá nhiều người khuyết tật có nhu cầu vay vốn nhưng hầu như vẫn chưa được vay vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh...
Để thực hiện cam kết của Việt Nam khi phê chuẩn công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, thực hiện Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục nghề nghiệp và để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 550 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1019 của Chính phủ, theo đề xuất của Tổng Cục Dạy nghề: các cơ quan Trung ương cần tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật ở từng địa phương và trong cả nước để có cơ sở xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách. Tổ chức rà soát các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, sửa đổi chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của người khuyết tật, bố trí nguồn kinh phí phù hợp với mục tiêu dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật theo Đề án trợ giúp người khuyết tật. Xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật để xây dựng quy trình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật cần có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, linh hoạt trong các hình thức đào tạo nghề, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên…
Tại Hội thảo, đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở tham gia dạy nghề cho người khuyết tật và một số người khuyết tật đã đưa ra nhiều đóng góp, khuyến nghị để thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Các đại biểu cũng đã góp ý kiến vào dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ đạo tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và dự thảo Quy định chính sách về giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật.
**************
"Trong những năm qua Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 8.600 người khuyết tật. Trong đó, theo chương trình mục tiêu khoảng 2.100 người với 100 lớp. Mỗi lớp học dù 5, 10, 15 người Hội đều tổ chức dạy. Những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đã cho Hội những kinh nghiệm rất quan trọng. Người khuyết tật sống ở nông thôn là chủ yếu, vì vậy, việc xác định địa bàn tổ chức dạy nghề được Hội quan tâm đầu tiên, đặc biệt là những vấn đề về văn hóa, phong tục tập quán, về sức khỏe, khả năng tiếp cận xã hội, tâm sinh lý đối tượng… để từ đó chuẩn bị hành trang cho người khuyết tật học nghề.
Có sự khác biệt rất lớn giữa dạy nghề cho người khuyết tật và người bình thường (về môi trường học nghề, làm nghề, phương pháp dạy học, tiếp cận…). Vì vậy, chúng ta không thể đem tư duy hàn lâm về dạy nghề cho người lành áp vào cho người khuyết tật. Chúng ta có thể nói giáo dục hòa nhập người khuyết tật nhưng dạy nghề hòa nhập người khuyết tật là rất khó, phát sinh nhiều vấn đề (trình độ, thời gian, nguyên liệu, sản phẩm…).
Trong quá trình tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, có 2 khâu quan trọng mà Hội luôn tập trung làm tốt đó là tìm hiểu tình hình người khuyết tật, nhu cầu, yêu cầu của họ về học nghề và việc làm và tìm hiểu lựa chọn đơn vị dạy nghề. Hội tổ chức ở rất nhiều địa phương, lựa chọn, chuẩn bị rất kỹ đơn vị dạy nghề (về khả năng, về đảm bảo tiêu chuẩn dạy nghề cho người khuyết tật, hướng dẫn cho đơn vị,...). Trong quá trình ấy, Hội luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương, thỏa thuận cụ thể để đơn vị dạy nghề đóng trên địa bàn nào thì phải chịu sự quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đó. Trong các Dự án dạy nghề, tạo việc làm phải có sự xác nhận của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhờ vậy, sau 4 năm triển khai mô hình, Hội không để xảy ra sai sót nào.
Đóng góp về bản dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ đạo tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, theo tôi với các cơ sở tiếp nhận người lao động khuyết tật học nghê và làm việc thì thời gian 3 tháng không thể đảm bảo chất lượng. Dạy nghề cho người khuyết tật quan trọng nhất là lấy chất lượng, tạo cho họ có việc làm làm mục tiêu. Thời gian học nghề phù hợp, không thể kéo dài quá, nhưng với 3 tháng là rất khó. Về hỗ trợ tiền đi lại, đề nghị với Tổng cục dạy nghề nghiên cứu để người khuyết tật được hỗ trợ đi lại không phụ thuộc xa gần. Từ nay đến cuối năm 2015, đề nghị Tổng cục tổ chức tổng kết, đánh giá công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 2011 - 2015. Làm sao để năm 2016 các đơn vị có sự tiếp cận tốt hơn với vấn đề này và triển khai hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt các chỉ tiêu mà Nhà nước đã đặt ra."
Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT Phú Yên: Chăm sóc sức khỏe, PHCN và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật - 07/09/2015 05:44
- Tập huấn truyền thông dựa trên quyền và hòa nhập xã hội của trẻ khuyết tật - 26/08/2015 06:45
- Môi trường sạch sẽ, thân thiện - điều kiện làm việc hiệu quả cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:35
- Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội chính thức thông qua - 04/08/2015 07:32
- An toàn lao động và việc làm cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:28
Các tin khác
- Công chiếu chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐ-TBXH cho Điều phối viên trưởng Chương trình hợp tác quốc tế của AECID - 01/07/2015 03:19
- Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về nghề CTXH - 29/06/2015 02:40
- Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều - 18/06/2015 02:56
- Tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật - 21/05/2015 08:16
- Gậy thông minh giúp người mù nhận diện khuôn mặt - 13/05/2015 09:24