Thứ tư, 11 Tháng 4 2018 14:27

Nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4; thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, trong các ngày từ 15/4 đến 17/4, Trung ương Hội tổ chức các Chương trình giao lưu “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XV, “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật” Tọa đàm “Cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT - thực tiễn và kiến nghị”.

 

184IMG 2682

 

Đây là loạt sự kiện nhằm tôn vinh, biểu dương những tấm gương người khuyết tật đã nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành người quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ hộ kinh doanh… đồng thời góp phần kiến nghị với Nhà nước về chính sách và nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề hỗ trợ phát huy khả năng và quyền của nhóm đối tượng này.

 

         Tham dự Chương trình có 50 đại biểu là người khuyết tật đến từ nhiều vùng miền, thành công trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại… nhưng tựu chung ở họ đều có sự tương đồng về ý chí khắc phục khó khăn và sự bất tiện của khiếm khuyết trên cơ thể để sống tự lập, tự tin và đóng góp cho xã hội.

 

         Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân đông con nghèo khó, bố bị nhiễm chất độc màu da cam, mẹ bị bệnh tim, bản thân lại bị teo cơ chân trái bẩm sinh, nhưng từng ấy khó khăn chưa bao giờ làm nản chí chàng trai trẻ Trần Kim Việt (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Để nuôi dưỡng ước mơ và niềm say mê học tập, nghiên cứu, Việt vừa học, vừa làm thêm cho đến khi tốt nghiệp Thạc sĩ, chuyên ngành Khoa học cây trồng, Khoa Nông Lâm Ngư, trường Đại học Vinh vào năm 2014. Cùng năm đó, bằng những kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống tích lũy được, Việt thành lập Công ty TNHH vườn ươm Việt với quy mô 3 ha, máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm, Công ty cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 20 vạn cây giống Gió bầu, là vườn ươm Gió bầu lớn nhất Hà Tĩnh, cung cấp giống cây ăn quả, cây bóng mát, cây cảnh… có chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

 

184anh 1 Tran Kim Viet

 

          Nguyễn Thị Thu Hiền (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khiến bất cứ ai lần đầu gặp đều bất ngờ khi biết cô gái nhỏ bé cao 88cm lại là Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chuyên sản xuất các đồ bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá, vận tải san lấp mặt bằng và dịch vụ thể thao giải trí – một ngành nghề kinh doanh tưởng chừng chỉ phù hợp với nam giới, người có sức khỏe. Vậy mà bằng kiến thức, năng lực và sự nỗ lực không mệt mỏi, chị Hiền đã điều hành Công ty phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 lao động chính, doanh thu mỗi năm trung bình hơn 5 tỷ đồng. Trong công việc và cuộc sống, những bất tiện của khuyết tật khiến chị Hiền từng gặp không ít khó khăn, nhưng chị chưa khi nào buông xuôi mà luôn tìm cách vượt qua bằng thái độ sống hết sức lạc quan: “cuộc sống như một tấm gương soi, mình chỉ nhận được kết quả tốt đẹp khi mình mỉm cười”.

 

Bị khuyết tật hai bàn tay, chỉ học hết lớp 9, nhưng anh Nguyễn Tiến Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Truyền Tín (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) vẫn đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhờ sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường. Phải bươn chải cuộc sống sớm để phụ giúp gia đình, anh Lâm đã từng làm rất nhiều việc vặt trước khi có đủ vốn để mở tiệm cho thuê băng đĩa và bán cà phê vào đầu những năm 90. Khi thị trường băng đĩa tụt dốc, anh chuyển sang cửa hàng sửa chữa điện thoại và sau 3 năm hoạt động mở rộng kinh doanh, anh bắt đầu nhận NKT vào dạy nghề sửa chữa thiết bị nghe nhìn, thiết bị số miễn phí. Hoạt động kinh doanh không ngừng tăng trưởng về quy mô và hiệu quả, đến nay, Công ty của anh đã phát triển được 3 chi nhánh, tạo việc làm cho hơn 40 lao động khuyết tật.

 

Cùng với anh Trần Kim Việt, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, anh Nguyễn Tiến Lâm, còn có rất nhiều các tấm gương người khuyết tật là lãnh đạo, chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất với nhiều ngành nghề trên lĩnh vực: công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch – khách sạn, thủ công mỹ nghệ..v..v.. cùng hội ngộ tại loạt sự kiện do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 năm nay. Đó là anh Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Lộc Phát (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) với 3 cơ sở sản xuất, mỗi năm xuất 900 tấn lợn; tạo việc làm cho trên 40 lao động với mức lương bình quân từ 4,5 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Đó là anh Nguyễn Quốc Toàn (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) dù chỉ cử động được một bàn tay trái vẫn trở thành Giám đốc một Công ty chuyên đào tạo tin học, cài đặt phần mềm, bán thiết bị và bảo hành, sửa chữa miễn phí máy vi tính, tạo việc làm cho 10 lao động trong đó có người khuyết tật với mức thu nhập hơn  3 triệu đồng/người/tháng. Là chị Hồ Thị Huế, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Huế (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ, dân dụng; dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Là anh Nguyễn Ngọc Tài, chủ Cơ sở sản xuất điêu khắc hàng mỹ nghệ Nguyễn Ngọc Tài, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk, bị câm điếc bẩm sinh vẫn nỗ lực tự mở một xưởng mộc làm hàng mỹ nghệ. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 2 người, mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng…

 

Hành trình vươn lên của mỗi đại biểu là một minh chứng sinh động cho khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người mà ở đó, sự khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải là bất hạnh. Thông qua từng câu chuyện lập thân, lập nghiệp của họ cũng cho thấy những chính sách ưu đãi của Nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội cùng sự thừa nhận năng lực đối với người khuyết tật đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp người khuyết tật vươn lên tự lập trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng xã hội mà còn giúp họ tự nâng cao vị thế để hòa nhập cộng đồng một cách thực sự.

 

Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 17/4/2018

Hàn Giang


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi