Thứ sáu, 12 Tháng 8 2016 17:28

Người ta bảo “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, là nơi ta nhìn thấy sắc màu của cuộc sống, ánh sáng cuộc đời. Nhưng với cậu bé Trần Việt Hoàng, đôi mắt của em hoàn toàn chỉ còn là bóng tối khi căn bệnh bong võng mạc ập đến lúc em mới lên 5 tuổi. Vượt qua nỗi mặc cảm khuyết tật, nhờ chữ nổi Braiile cùng với sự đam mê trau dồi tri thức, em đã từng bước xua tan bóng tối của cuộc đời để thực hiện ước mơ của mình.

Chan dung - Cau be mu 2

Hoàng chia sẻ câu chuyện của mình với phóng viên đồng tật

Bước ngoặt cuộc đời nhờ chữ Braille

Sinh ra trong gia đình có hai chị em tại vùng quê nghèo đầy nắng gió thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ lúc lọt lòng, Trần Việt Hoàng đã thiếu đi hơi ấm của người cha, một mình mẹ phải bươn chải, thức khuya, dậy sớm để nuôi hai chị em Hoàng ăn học.

Nhưng, thật đắng cay hơn, từ khi lên 5 tuổi, mắt của Hoàng cứ mờ dần. Sau hàng chục lần đi về giữa Bệnh viện Mắt Trung ương - Hà Tĩnh, sau 4 lần phẫu thuật liên tiếp trong 4 năm, mà khi ra về, nước mắt người mẹ cứ chảy từng hàng dài vì nỗi thất vọng. Sẽ không bao giờ đôi mắt Hoàng còn có thể nhìn lại được ánh sáng.

Bóng tối chỉ được xua tan dần khi Hoàng được các cô, chú ở Hội Người mù huyện Can Lộc tới thăm. Các cô chú động viên Hoàng và hứa sẽ dạy chữ Braille cho em để em có có thể đi học tiếp. “Lúc đầu, em không biết chữ Braille là gì? Hình thù ra sao? Nhưng cứ nghe nói là có thể đi học tiếp thì trong em như có một sức mạnh nào đó trỗi dậy. Em tưởng tượng về những ngày cắp sách tới trường cùng bạn bè với những phép toán và những câu thơ hay… và xa hơn nữa là những ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực… vậy là em nhận lời đi học”, Hoàng chia sẻ.

Sau một thời gian học chữ Braille, Hoàng đã đọc thông, viết thạo và được một trường gần nhà nhận vào học hòa nhập. “Em sẽ còn nhớ mãi niềm vui của mình ngày hôm đó. Không chỉ em mà cả mẹ, chị gái đều hồi hộp, xúc động trong ngày đầu tiên em trở lại trường học. Điều mà trước đó, cả trong mơ gia đình em cũng không dám tưởng tượng. Chính Hội người mù và chữ nổi Braille đã biến điều không tưởng đó thành hiện thực. Nó giống như một phép màu với em vậy” - Hoàng xúc động nói.

Cậu bé mù với niềm đam mê lịch sử dân tộc

Được trở lại trường học, Hoàng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khi không thể tự mình đến trường. Mẹ, rồi chị gái em phải hàng ngày đưa đón. Có những hôm trời mưa to, đường trơn trượt, hai mẹ con chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Gặp chỗ đường khó đi, xe trượt bánh, thế là cả hai mẹ con bị ngã xuống đường, lấm lem mặt mũi. Những lúc ấy, mẹ vẫn mỉm cười động viên Hoàng “Sau cơn mưa trời lại sáng con ạ!”. Lời động viên cùng sự tần tảo sớm hôm của mẹ đã tiếp cho Hoàng nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua những chông gai, thử thách, từ sự thiếu thốn về sách vở, đồ dùng học tập ở trường, khó khăn trong môi trường hòa nhập với các bạn mắt sáng… Hoàng đều nỗ lực vượt qua. “Em tự nhủ với lòng mình phải cố gắng, phải tự tin mạnh mẽ vươn lên trên tất cả, học tập thật tốt để không phụ công ơn của những người đã luôn bên cạnh mình”.

Chan dung - Cau be mu 1

Trần Việt Hoàng tại buổi gặp mặt trẻ em mù tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016

Và kết quả cuối cùng đã không phụ lòng mong mỏi của Hoàng và gia đình. Trong những năm học trung học cơ sở, Hoàng luôn dẫn đầu lớp và đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè quý mến. Đặc biệt, năm học lớp 9 vừa qua, Hoàng đạt giải Ba cấp huyện môn Lịch sử và được tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Khi biết tin, cậu thực sự vỡ òa trong niềm hạnh phúc và sung sướng. Hoàng vốn yêu thích môn Lịch sử và đam mê với môn học này. Theo Hoàng, truyền thống của ông cha ta rất hào hùng với bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Việc học Lịch sử giúp thế hệ trẻ biết rõ nguồn cội của mình, thấu hiểu và trân trọng những gì cha ông đã để lại. “Đúng là trong thời đại ngày nay ngày càng phát triển, các bạn trẻ càng muốn dành nhiều thời gian hơn cho những môn tự nhiên, ngoại ngữ mà lơ là môn Lịch sử cũng như các môn học xã hội khác. Theo em, học lịch sử không khó, quan trọng là phải yêu thích, có niềm đam mê và kiên trì. Em thường tưởng tượng những sự kiện, dấu mốc lịch sử mà thầy cô truyền đạt trong mỗi buổi học thành những câu chuyện sinh động, nhờ đó giúp em nhớ nhanh và nhớ lâu hơn những kiến thức được học” – Hoàng chia sẻ.

Có được kết quả học tập như ngày hôm nay, Hoàng luôn trân trọng và cảm ơn người mẹ đã tần tảo sớm hôm để nuôi dưỡng, chăm sóc và động viên em vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Cảm ơn Hội người mù đã mở ra trang mới đầy tươi sáng cho cuộc đời tưởng chìm trong đêm tối của Hoàng giúp em tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời, xây dựng cho em niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn. Cảm ơn thầy cô, bạn bè, những người đã luôn bên cạnh, quan tâm và giúp đỡ em trên con đường học tập. Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã tài trợ, giúp đỡ gia đình em những lúc khó khăn nhất. “Để xứng đáng với kỳ vọng của mọi người và vì cuộc sống sau này của mình, em luôn tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập cũng như trong mọi hoạt động để không phụ công ơn của mọi người”.

Điều Hoàng vẫn còn trăn trở và mong mỏi là trong thời gian tới, các ban ngành, cộng đồng xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục sẽ quan tâm hơn nữa đến người mù, nhất là những trẻ em mù đang độ tuổi đi học. Chia sẻ câu chuyện của mình, Hoàng cho biết “Năm học lớp 9 vừa qua, em thực sự rất sung sướng và tự hào khi được lựa chọn vào đội thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Trong thời gian tham gia bồi dưỡng và trải qua các vòng sơ tuyển, em luôn được đánh giá cao và là một trong những học sinh trong top đầu của đội tuyển. Em rất vui mừng vì những cố gắng của mình đã được đền đáp và đây là cơ hội lớn để em thể hiện khả năng của bản thân. Nhưng, niềm vui chưa trọn thì cô giáo thông báo là em không thể tham dự kỳ thi vì trong đó có phần thi sử dụng hình ảnh mà người mù như em không thể tham gia. Dù nhà trường và tổ chức Hội người mù đã đề xuất với Sở Giáo dục nhưng không thể có hình thức thi thay thế cho em. Vậy là em đành phải dừng cuộc thi”.

Qua câu chuyện của mình, Hoàng muốn đề xuất “ngành giáo dục tạo điều kiện hơn nữa cho người mù có thể tham gia các cuộc thi tuyển bình đẳng như những bạn bình thường khác bằng các hình thức thay thế cho phù hợp với người mù. Nếu làm được như vậy, sẽ rất bổ ích, nó tạo nên một môi trường thi đua lành mạnh, giúp cho anh chị em mù đi học có thêm động lực, thêm mục tiêu để phấn đấu và chắc chắn qua mỗi cuộc thi, kiến thức của những người khuyết tật như chúng em sẽ được nâng lên, con đường hòa nhập của người mù sẽ thuận lợi hơn”.  

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ


 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Trần Việt Hoàng , khiếm thị

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi