Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức tại một làng quê nhỏ ở tỉnh Vĩnh Long. Tuổi thơ tôi cũng tươi đẹp và êm đềm như những đứa trẻ khác. 11 tháng tuổi, tôi chập chững những bước chân đầu đời chuẩn bị khám phá bao điều kỳ diệu cuộc sống, nhưng chỉ 2 tháng sau, như một sự trêu đùa của số phận, cơn sốt bại liệt đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân lành lặn của tôi.
Hai lần biết đi
Trở thành đứa trẻ khuyết tật ở độ tuổi còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được thiệt thòi, điều đó càng khiến ba mẹ thương tôi nhiều hơn. Ba mẹ tôi chỉ có thu nhập hàng tháng là những đồng lương viên chức ít ỏi, phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho cả gia đình, nhưng vẫn dốc sức lo chữa chạy cho tôi.
Hễ nghe người mách bảo, ba mẹ lại cố gắng dành dụm, vay mượn thêm họ hàng, bè bạn đưa tôi đi chữa trị chẳng quản ngại đường xa. Tôi lớn dần lên theo những kỷ niệm, những chuyến đi cùng ba mẹ đến các địa chỉ, các bệnh viện để kiếm tìm cho tôi một chút hy vọng. Những bài tập tưởng chừng giản đơn là học duỗi thẳng chân, co gập, học đứng lên, ngồi xuống sao lại khó với tôi đến thế. Cũng may ba mẹ tạo điều kiện cho tôi được tập phục hồi chức năng từ sớm, khi cơ, khớp xương vẫn còn mềm và kết hợp dùng thuốc uống, xoa bóp nên hiệu quả điều trị đạt kết quả khả quan.
Tôi vẫn không quên cảm giác đau đớn mỗi lần tôi bắt đầu học các động tác của bài tập phục hồi chức năng. Những lúc đau đớn ấy, ba mẹ đều cố gắng dành thời gian bên tôi vừa để hỗ trợ, vừa động viên tôi. Nhìn những giọt mồ hôi của ba mẹ lã chã rơi, hoà lẫn cùng nước mắt xót xa mỗi khi thấy tôi nhăn nhó, tôi càng thương ba mẹ nhiều hơn, điều đó như nhắc tôi phải nỗ lực tập luyện, tiếp thêm cho tôi nghị lực để có đủ ý chí, sức lực vượt qua những động tác khó. Sau nhiều năm ròng được ba mẹ kiên trì cho tôi chữa trị, tập luyện đã giúp tôi lần thứ hai “biết đi” - những bước đi tập tễnh gắn với tôi cho đến ngày hôm nay.
Minh Châu (thứ 2 từ trái sang) và các đại biểu cùng đoàn tham dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC&NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5
Hai từ biết đi với bao đứa trẻ sao dễ dàng và giản đơn đến thế, còn với tôi, để giành giật được điều đơn giản đó thật gian khó nhưng tôi đã làm được. Tôi đã làm cho ba mẹ hạnh phúc, những người thân trong gia đình tôi được vui mỗi lần bước chân khó nhọc của tôi nhấc lên, cử động và bước đi chậm rãi. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng thực sự hạnh phúc vì có thể đứng lên, bước đi trên đôi chân của mình như bao người khác. Tôi sẽ không làm lãng phí điều đẹp đẽ ấy và một ý chí, một quyết tâm mới lại xuất hiện trong tôi, thôi thúc tôi phải sống một cuộc đời ý nghĩa.
Học để giúp người đồng cảnh
Được lớn lên trong sự tảo tần của mẹ, khó nhọc của ba nên suốt 12 năm ròng tới lớp, để không phụ công ơn ba mẹ, tôi đã đặt ra mục tiêu riêng cho từng cấp học.
Tôi trở thành cô học trò khuyết tật siêng năng, cần cù trong mắt thầy cô, bè bạn. Tuy đi lại khó khăn hơn chúng bạn nhưng tôi luôn cố gắng học tập vì không muốn thua kém bạn bè về tri thức. Tôi muốn minh chứng cho mọi người thấy, người khuyết tật cũng làm được mọi việc như người lành, vì vậy tôi nỗ lực đạt được ước mơ thi đỗ đại học theo cách riêng của mình. Mặc dù tôi vẫn biết, khó khăn và gian nan chất chồng nhưng tôi cố gắng vượt qua tất cả, bởi trong tôi đầy ắp những khát khao, hoài bão, với nhiệt huyết và nhựa sống căng tràn của tuổi trẻ.
Nhựa sống ấy, nhiệt huyết ấy theo tháng năm đã bồi đắp cho tôi một nền tảng tri thức vững chắc, cùng tấm bằng tốt nghiệp tú tài loại giỏi. Chưa dừng lại ở thành quả bé nhỏ đó, tôi quyết định đăng ký dự thi chuyên ngành Ngoại ngữ để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Thi đỗ Đại học, tôi vui vì đã chạm tới ước mơ nhưng cũng đồng nghĩa một cuộc sống tự lập mới bắt đầu mở ra với tôi. Khó khăn đầu tiên tôi gặp phải là việc đi đến trường một mình, vì từ nhỏ, tôi đã quen được gia đình đưa đón đi học. Sự khó khăn ấy làm tôi không khỏi hụt hẫng và chạnh lòng, nhưng sau đó tôi nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống mới, tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu tự lập, tự đi đến trường, quyết tâm chinh phục tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi.
Nữ cán bộ khuyết tật luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống
Tôi còn nhớ lắm những kỷ niệm về chiếc xe đạp, về buổi đầu tiên tập xe của một cô sinh viên khuyết tật. Không có điều kiện mua một chiếc xe đạp mới, ba mẹ cố gắng lắm mới dành dụm mua cho tôi chiếc xe đạp cũ, đôi chân yếu ớt khiến tôi gặp muôn vàn khó khăn, chỉ riêng động tác học dắt xe, ngồi lên xe lấy thăng bằng tôi cũng phải tập trong thời gian gần một tháng, những cú ngã làm tôi xây xẩm mặt mày, chân tay và trên khắp cơ thể tôi đâu cũng có vết trầy xước, bầm tím, thậm chí là chảy máu. Càng ngã đau, tôi càng bắt mình phải gắng sức, kiên trì tập đi xe đạp. Sau bao cố gắng, cuối cùng tôi đã làm được, khi biết đạp những vòng xe, tôi chỉ có thể đạp nửa vòng, rồi dần dần là cả vòng, chậm rãi, chắc chắn. Suốt 4 năm Đại học, chiếc xe đạp như người bạn đồng hành, nó trở thành động lực lớn lao giúp tôi vượt qua chính mình, quyết tâm không đầu hàng số phận.
Nấc thang thành công nữa lại đến khi tôi đạt được tấm bằng Đại học loại giỏi, đúng như mục tiêu tôi vạch sẵn. Một điều ước mới lại xuất hiện trong suy nghĩ của tôi, đó là có được một công việc ổn định đúng chuyên ngành và tôi có thể tự lập cuộc sống, cống hiến cho xã hội. Nhưng có lẽ điều ước này dường như khó khăn nhất với tôi.
Cuộc hành trình tìm việc của tôi đầy gian khó, kéo dài suốt bao tháng ngày. Hy vọng rồi lại thất vọng nhưng ngôi sao may mắn đã đến bên tôi, giúp tôi được nhận vào làm việc cho Dự án của một tổ chức phi chính phủ. Vừa đi làm, tôi vừa tranh thủ đi dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ vào 2 ngày nghỉ cuối tuần và dành thời gian học thêm chuyên môn về ngành Dược.
Tôi hăng say làm tốt công việc được giao nhưng một năm sau kết thúc Dự án, dù rất muốn gắn bó với công việc thân quen thì tôi lại muốn thử sức mình ở một vai trò mới, đó là làm thủ quỹ cho Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ năm 2013.
Ngày tiếp nhận công việc mới, tôi rất bỡ ngỡ vì công việc chính mà tôi phụ trách hoàn toàn khác với chuyên môn tôi học. Công việc của tôi là theo dõi cho hội viên khuyết tật vay vốn nhỏ để phát triển kinh tế nhằm tạo việc làm, thu nhập, giúp hội viên mưu sinh và tham gia vào các hoạt động của Hội như hỗ trợ xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm… Trong quá trình làm việc, tôi gặp một số khó khăn và bỡ ngỡ trong cách ghi chép sổ sách, giấy tờ hàng ngày. Để gỡ khó, ban đầu tôi học hỏi thêm một số kinh nghiệm từ mọi người xung quanh và lên mạng tìm tài liệu đọc, bổ sung kiến thức, vừa làm, vừa học hỏi và rút ra kinh nghiệm.
Đến nay, tôi đã giúp cho 14 lượt thành viên nữ trong Câu lạc bộ có vốn nhỏ tự tạo việc làm. Trong quá trình công tác, tôi đã trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tôi còn tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn thủ tục cho hơn 10 người khuyết tật xin các dụng cụ chỉnh hình, kinh phí chữa bệnh và trợ cấp bảo trợ xã hội.
Cũng là người khuyết tật nên tôi hiểu những khó khăn của bao người đồng cảnh khác, bởi thế tôi mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình để ngày càng có nhiều người biết và công nhận những đóng góp, nỗ lực của người khuyết tật trong xã hội, nhằm giảm bớt sự kỳ thị của xã hội về người khuyết tật.
Để đáp lại những phần thưởng, sự ghi nhận của xã hội cho những nỗ lực của tôi, cũng như xứng đáng với tấm Bằng khen, Giấy khen của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ và đặc biệt là vinh dự lớn lao được trở thành đại biểu người khuyết tật tiêu biểu tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V/2016, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu đạt được tấm bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh, khóa học 2015 - 2017 do trường Đại học Vinh đào tạo. Tôi hy vọng sẽ sớm hoàn thành việc học tập để đem sự hiểu biết của mình đóng góp, giúp đỡ, sẻ chia với người đồng cảnh.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đời khó tin của chàng diễn viên Việt trong phim được đề cử Oscar - 13/09/2016 03:00
- Lê Văn Công giành HCV lịch sử ở Paralympic, phá kỷ lục thế giới - 09/09/2016 03:15
- Cô gái khuyết tật và hành trình vượt lên chính mình - 05/09/2016 03:15
- Khơi dậy niềm tin - 01/09/2016 07:20
- Cậu bé mù với niềm đam mê lịch sử dân tộc - 12/08/2016 10:28
Các tin khác
- Kiên trì với ước mơ đại học - 09/08/2016 06:21
- Cô giáo Yến và những bước ngoặt vượt dốc cuộc đời - 09/08/2016 06:15
- Người phụ nữ không tay không chân bán vé số trên đường phố Biên Hòa - 08/08/2016 04:17
- Thanh Hóa: Nữ sinh không tay được Đại học Hồng Đức tuyển thẳng - 08/08/2016 04:15
- Khát vọng từ trái tim của cô gái khuyết tật - 03/08/2016 03:36