Bất kể ngày mưa hay nắng, người qua đường đều thấy người phụ nữ không tay không chân ngồi ở ngã tư Lạc Cường, trên chiếc xe lăn cũ kĩ, chìa xấp vé số trên cánh tay cụt ngủn mời khách. Nhiều người đi ngang qua thương tình dừng lại mua giúp. Khách trả tiền vào chiếc túi chị đeo trước cổ, đồng thời tự lấy lại tiền thừa nếu có.
Sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em, số phận càng trớ trêu khi chị Nguyễn Thị Thuận (39 tuổi, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) bị dị tật bẩm sinh không tay không chân. Cuộc đời nhiều bất hạnh nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn nghị lực đi bán vé số tự mưu sinh và nuôi đứa con đang tuổi ăn học.
Chật vật tìm đường mưu sinh
Trưa nắng như đổ lửa, chỉ đội chiếc nón cũ, chị Thuận vẫn ngồi bán vé số ở một góc bên vệ đường ở ngã tư Lạc Cường (đường Phạm Văn Thuận – Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Người phụ nữ nhỏ thó kiên trì đưa tập vé số được đặt trên khuỷu tay mời khách.
Đường phố nườm nượp người xe vội vã. Khi có đèn đỏ, một vài người mới dừng xe lại rút một vài tờ vé số. Nhìn người phụ nữ không tay không chân, khách đều đặt tiền vào chiếc túi đeo trước cổ chị, đồng thời tự lấy lại tiền thừa nếu có.
Khuôn mặt chị Thuận lấm tấm tàn nhang, làn da sạm đi vì mưa nắng nhưng nụ cười luôn thường trực. Chị kể mình sinh ra trong gia đình nông dân nghèo thuộc xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Từ thuở lọt lòng, chị đã bị khuyết tật cả đôi tay và đôi chân. Chân tay chị không có ngón, co rúm lại ngắn chỉ bằng khoảng 1/3 chân tay người bình thường.
Không thể đi lại, tuổi thơ của chị chỉ biết ngồi một chỗ trong bốn vách tường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do người mẹ chăm sóc. Lên 10 tuổi, thấy mẹ nhọc nhằn, chị Thuận học cách lê lết để đi lại và dùng hai cùi tay để phục vụ sinh hoạt cá nhân.
“Khi tôi ý thức được cơ thể tôi khác thường, không được đi lại, không được đến trường như anh chị và bạn bè, tôi tủi thân lắm. Một thời gian dài tôi chỉ biết khóc. Mỗi lần như thế, mẹ đều nhìn tôi thở dài. Tôi biết mẹ cũng đau khổ lắm. Vì vậy tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ để mẹ không phải buồn phiền”, chị tâm sự.
Dù có thể làm được những việc nhẹ ở trong nhà, nhưng cô bé Thuận ngày ấy vẫn không dám ra đường vì sợ hàng xóm dị nghị. Đến năm 15 tuổi, được sự động viên của người thân, Thuận mới bắt đầu bước ra khỏi căn nhà tranh xập xệ.
Lần đầu tiên lê từng bước nặng nhọc trên con đường đầy sỏi đá, toàn thân đau đớn, mỏi nhừ. Đó cũng là lần đầu tiên chị nhận ra dù khuyết tật nhưng chị vẫn có thể thích nghi với thế giới bên ngoài như những người bình thường.
Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định phải tìm đường mưu sinh. “Ban đầu tôi ngỏ lời, mọi người trong gia đình đều kịch liệt phản đối. Mẹ sợ tôi ra ngoài sẽ vất vả, các anh chị lại bảo tôi không có tay chân, không thể làm được việc gì. Người thân càng phản đối, tôi càng muốn chứng minh cho họ thấy dù bị tật nhưng tôi vẫn có thể kiếm ra tiền và nuôi sống được bản thân”, chị kể.
Không ngăn được ý chí của con gái, người mẹ đành để con ra đi. Chị Thuận cho biết, ban đầu chị xin phụ việc tại các quán cơm, quán nước nhưng ai cũng lắc đầu từ chối vì cơ thể chị quá nhỏ bé, lại không có đủ tay chân.
Thấy chị thất thểu trở về sau nhiều ngày xin việc không được, một người hàng xóm ngỏ ý dắt chị đi bán vé số. Cảm thấy nghề này không đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn như sức khỏe, sự nhanh nhẹn, kiến thức…. chị vui vẻ đồng ý. Số tiền ban đầu kiếm được không nhiều, nhưng chị đã tự lo được cho bản thân và dành dụm gửi về cho gia đình.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Cảm phục trước sự mạnh mẽ vượt qua số phận của chị, một chàng trai cùng xóm đem lòng thương mến. Ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhớ lại những ngày hạnh phúc cũ, chị tâm sự: “Ban đầu anh ngỏ lời, tôi rất giận giữ, đuổi anh ra khỏi nhà vì cho rằng anh bỡn cợt mình. Sau này hiểu rõ tấm chân tình của anh, tôi mới chấp nhận lời cầu hôn”.
Năm 20 tuổi, chị bước về nhà chồng trong sự xôn xao bàn tàn của xóm làng. Theo lời chị, lúc ấy không ai nghĩ một người con trai khỏe mạnh lại có thể yêu một cô gái không chân, không tay. Mới nghe những điều bàn tán, chị cũng phiền muộn, nhưng người chồng bỏ ngoài tai và khuyên vợ phải cố gắng vượt qua.
Ngày ngày, chồng ra đồng làm ruộng, chị đi bán vội xấp vé số rồi về nhà cơm nước đợi chồng trở về. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ càng hạnh phúc hơn khi con trai đầu lòng ra đời. Nhìn đứa con lành lặn, chị không giấu được những giọt nước mắt vui mừng. “Tôi chỉ sợ đứa con sinh ra cũng bị dị tật như tôi. May mắn sao nó được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác”, chị nói.
Vừa bán vội tờ vé số cho khách, chị vừa ngậm ngùi kể, hai vợ chồng ban đầu cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng khi có con, chị phải ở nhà chăm con không thể tiếp tục đi bán vé số, cuộc sống từ đó ngày càng chật vật.
Vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Nỗi lo cơm áo gạo tiền dần dần cuốn những yêu thương thuở ban đầu đi mất. Khi mâu thuẫn không thể cứu vãn, anh chị quyết định đường ai nấy đi sau nhiều năm chung sống.
Chị Thuận dẫn con trai về nhà cha mẹ tá túc. Con còn nhỏ dại, chị chưa thể dứt ra đi kiếm tiền, cuộc sống của hai mẹ con hoàn toàn trông cậy vào người thân bên ngoại. Khi con trai được 5 tuổi, chị quyết định gửi con lại cho mẹ, một mình vào TP Biên Hòa tìm kế sinh nhai.
Đến thành phố xa lạ, người phụ nữ tật nguyền như chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng may mắn được nhiều người thương tình giúp đỡ nên nhanh chóng ổn định được cuộc sống.
Chị kể trước đây ngồi bán số khu vực ngã tư Tân Phong (đường Đồng Khởi – Nguyễn Ái Quốc), mới chuyển đến ngã tư Lạc Cường vài năm trở lại đây. Mỗi sáng sớm, chị được một bác xe ôm thân quen chở ra đây ngồi. Vé số để bán cũng có nhân viên đại lý đưa tới, chị không thể đi lại để lấy được. Sau này chị được một Việt kiều hảo tâm tặng một chiếc xe lăn điện tử, từ đó có thể đi lại thuận tiện hơn.
Bất kể ngày mưa hay nắng, người qua đường đều thấy người phụ nữ khuyết tật ngồi ở ngã tư Lạc Cường, trên chiếc xe lăn cũ kĩ, chìa xấp vé số trên cánh tay cụt ngủn ra mời khách. Nhiều người đi ngang qua thương tình mua giúp. Số tiền kiếm được không nhiều nhặn gì, nhưng cũng đủ để người phụ nữ trang trải sinh hoạt và dành dụm gửi về quê nhờ mẹ già nuôi con.
Chiều về, trong căn phòng trọ nhỏ, chị Thuận lại tất bật dọn dẹp nhà cửa. Chị nở nụ cười: “Trời không cho tôi đôi tay, đôi chân như mọi người, nhưng may mắn là tôi còn có sức khỏe, có thể làm việc nuôi con trưởng thành. Cháu sắp bước vào lớp bảy. Tôi không muốn để con phải chịu thiệt thòi”.
Nắng đã quá đỉnh đầu, chị Thuận ăn vội hộp cơm để bán những xấp vé số còn lại. Trên gương mặt người phụ nữ khắc khổ là nụ cười hồn hậu, ánh mắt sáng cùng nghị lực sống khiến ai nấy đều cảm phục.
Nguồn: Báo Pháp Luật
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Thanh Hóa: Nữ sinh không tay được Đại học Hồng Đức tuyển thẳng - 08/08/2016 04:15
- Khát vọng từ trái tim của cô gái khuyết tật - 03/08/2016 03:36
- Hãy mạnh mẽ, tự tin vượt khó - 03/08/2016 03:22
- Chuyện cậu học trò nghèo mồ côi cha chinh phục giải vàng Vật lý thế giới - 21/07/2016 07:47
- Thay đổi cuộc đời từ những nét vẽ - 15/07/2016 02:51