Thứ tư, 03 Tháng 8 2016 10:22

Mảnh đất nghèo đầy nắng cát và mưa lũ Quảng Ngãi là nơi tôi sinh ra và chứng kiến một tuổi thơ buồn khó. ở cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ, những bước chân tôi còn yếu ớt, thì đã phải nếm trải những ngày dài nằm liệt trên giường bệnh. Tưởng chừng số phận an bài, tôi sẽ không còn cơ hội theo đuổi những ước mơ bé nhỏ; nhưng nhờ có tình thương của mẹ, sự kiên cường, nỗ lực của bản thân đã mang lại cho tôi một cuộc đời tươi đẹp.

Gia đình là điểm tựa

Từng là một đứa trẻ kháu khỉnh, sớm biết nói, biết đi nhưng hạnh phúc được là một người bình thường như bao người khác với tôi thật ngắn ngủi. Chưa đầy 4 tuổi, tôi trở thành người khuyết tật bởi di chứng của trận sốt cao.

Tôi bị liệt nửa người khiến ba mẹ tôi tuyệt vọng lắm. Nhìn tôi - đứa con gái bé bỏng ngày nào nhí nhảnh, hay chạy nhảy, đùa vui khắp nhà phải nằm bất động làm nước mắt ba mẹ tôi luôn trực trào. Hồi đó, điều kiện gia đình tôi túng thiếu, cả 6 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, ngặt nỗi khí hậu khắc nghiệt, lúc nắng hạn, khi mưa lũ nên sản lượng thu hoạch cây trái, rau màu không được là bao, đời sống gia đình tôi đã nghèo lại càng lao đao khi tôi đổ bệnh. Thương tôi gầy yếu không còn khả năng vận động, ba mẹ tôi đành gõ cửa những địa chỉ thân quen vay mượn tiền đưa tôi chạy chữa khắp các bệnh viện trong tỉnh, đến trung ương. Khoản tiền nợ cứ tăng dần lên theo cấp số nhân bởi những đợt điều trị dài ngày, những toa thuốc đắt đỏ và hàng loạt chi phí ăn ở, đi lại trong khoảng thời gian tôi điều trị xa nhà. Không còn thấy một cơ hội, hay chỉ là tia hy vọng nhỏ nhoi sau mấy năm ròng chữa bệnh, ba mẹ đành đưa tôi về nhà trong sự nuối tiếc, thất vọng.

Sớm trở thành đứa trẻ mồ côi ba, khi ấy tôi gần tròn 5 tuổi. Không còn ba làm trụ cột gia đình, mẹ phải thay ba lăn lộn kiếm sống, lo cho 4 anh em tôi được đi học như chúng bạn. Riêng tôi sức khỏe yếu nên đến năm lên 7, tôi mới vào lớp 1. Hồi đó tôi rụt rè, mặc cảm, sợ lắm phải đến chỗ đông người nhưng nhờ có tình thương của mẹ, được cô thầy quan tâm, động viên, tôi có thêm nghị lực học tập, hòa nhập cùng bè bạn, thôi thúc tôi nỗ lực vượt khó.

Tôi thương mẹ nhiều hơn từ ngày ba mất, tôi muốn làm điều gì đó để mẹ vui. Ngoài việc chịu khó học, trau dồi tri thức, tôi bắt mình phải tập ngồi, tập vận động, chỉ mong mẹ vơi bớt gánh nặng. Thời gian trôi đi, như một phép nhiệm màu đến lạ kỳ, bằng sự nỗ lực, kiên trì tập luyện, tôi có thể nhúc nhắc từng bước chân. Thấy đứa con khuyết tật có thể tự ngồi dậy và bước đi xiêu vẹo khiến niềm hạnh phúc rạng ngời hiện rõ lên đôi mắt trũng sâu, trên gương mặt khắc khổ, rám nắng của mẹ tôi.

Sức khoẻ tôi khá dần lên, mẹ tôi quyết định chuyển cả gia đình đến thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước sinh sống, với hy vọng tìm kiếm cơ hội cải thiện kinh tế gia đình và anh em tôi có điều kiện học tập, tạo dựng tương lai.

Tạo niềm vui sống cho người đồng cảnh

Đến nơi ở mới, tôi không mất quá nhiều thời gian làm quen và bắt nhịp với môi trường sống mới. Tôi kiên trì theo học hết chương trình phổ thông và quyết định đăng ký dự thi Đại học như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng khi nộp hồ sơ, một người quản lý đã nói với tôi rằng, nếu tôi có thi đậu thì nhà trường cũng không tuyển học sinh khuyết tật. Nghe vậy, tinh thần tôi suy sụp, tôi nghĩ chẳng lẽ cuộc đời người khuyết tật khi hòa nhập với cộng đồng sao khó khăn và nhiều rào cản đến thế. Rào cản đó không làm tôi nản lòng, thậm chí còn giúp tôi kiên cường hơn. Tôi tự nhủ còn nhiều con đường khác để đi và tôi nhanh chóng thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn xin mẹ cho tham gia lớp nghề tin học tại một Trung tâm dạy nghề gần nhà.

 

Trai tim2 2

Chị Hương (bên phải) trong lần ra Hà Nội dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 4/2016)

Sự cần mẫn, ham học hỏi giúp tôi có được tấm chứng chỉ nghề loại giỏi và được được nhận vào làm việc tại Uỷ ban Nhân dân thị xã Phước Long (năm 1989). Cùng công tác với những đồng nghiệp là người lành và nhận được nhiều sự sẻ chia, đùm bọc của mọi người trong cơ quan, tôi có thêm động lực làm việc để chứng minh tuy cơ thể khuyết tật nhưng trí tuệ thì không hề thua kém. Đi làm được vài năm, mẹ tôi qua đời, các anh chị cũng xây dựng gia đình riêng, từ đó tôi phải tự lập cuộc sống của mình. Vừa đi làm, tôi vừa học thêm các nghề chăn nuôi heo, học thêu, nấu ăn rồi tự mày mò cách làm để có thêm nguồn thu nhập.

Là người khuyết tật nên tôi hiểu rõ sự khó khăn, vất vả của người đồng cảnh, đó cũng là lý do tôi luôn có sẵn lòng nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, nhằm chia sẻ, động viên người khuyết tật tự tin hơn, vui vẻ hơn trong cuộc sống. Tôi cũng mạnh dạn đứng ra thành lập nhóm văn nghệ của người khuyết tật thị xã để tạo ra niềm vui sống cho các thành viên. Tôi từng tham gia và đạt giải Nhì Hội thi Tiếng hát người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần thứ Nhất.

Trong thời gian qua, tôi đã thành lập nhóm vận động để kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ người khuyết tật, thăm hỏi, tặng quà, động viên người đồng cảnh vượt qua khó khăn. Hiện nhóm đang trong giai đoạn sinh hoạt tự phát, tôi vẫn cố gắng vận động người đồng cảnh cùng tham gia tổ chức các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chăn nuôi, kinh nghiệm giữ lửa hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con… Tôi hy vọng trong thời gian không xa nữa, bằng sự nỗ lực phấn đấu của các thành viên nhóm vận động, sẽ ngày càng hỗ trợ, giúp được nhiều hơn những người khuyết tật, trẻ mồ côi gặp khó khăn và hướng tới thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật thị xã Phước Long.

Tôi lập gia đình năm 1994, con gái lớn của tôi giờ đã là sinh viên năm thứ 4, ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, còn cậu con trai út cũng đã là học sinh lớp 8. Với sự nỗ lực trong cuộc sống, hoạt động vì cộng đồng đã mang đến cho tôi vinh dự được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương. Nhưng phần thưởng lớn lao, ý nghĩa nhất trong đời tôi, đó chính là được lựa chọn làm đại diện người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội vào tháng 4 vừa qua. Được tham dự ngày hội lớn ấy là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ, tiếp thêm cho tôi sức mạnh để nỗ lực nhiều hơn, là cơ hội cho tôi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi những mảnh đời bất hạnh đã mạnh mẽ vượt qua rào cản của số phận trở thành những nhà giáo, cán bộ tư pháp, giám đốc doanh nghiệp… và quan trọng hơn trong dịp tham dự Hội nghị đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc sự quan tâm, sẻ chia của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Nguyễn Thị Hương , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi