Ngoài hai mươi tuổi nhưng Nguyễn Thị Sương ở Hà Tĩnh vẫn mang dáng dấp của một cô bé lên 5-7 tuổi. Cuộc sống của một cô gái trưởng thành trong hình hài của một đứa trẻ từng khiến Sương hết sức mặc cảm, khổ tâm. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm đam mê ca hát, cô đã dần lấy lại sự tự tin và từng bước hoà nhập cộng đồng.
Tự tin hơn nhờ ca hát
Tôi gặp Nguyễn Thị Sương lần đầu tiên khi em cùng đoàn diễn viên người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh tham dự Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất năm 2014, khu vực miền Trung - Tây Nguyên. ấn tượng về em là một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn với gương mặt rạng rỡ và giọng ca truyền cảm. Gặp lại Sương trong dịp tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V vừa diễn ra tại Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của em. Tôi càng khâm phục cô gái nhỏ bé này hơn khi biết em vẫn luôn đón nhận và vượt qua mọi thách thức của cuộc sống bằng tất cả niềm tin và trái tim nhiệt huyết của mình.
Nguyễn Thị Sương tự tin trên sân khấu Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Nguyễn Thị Sương là con cả trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn 3, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Mới chào đời, em cũng trắng trẻo, bụ bẫm như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng dần dần, những biểu hiện khác lạ đã xuất hiện. Dù được chăm sóc đầy đủ, nhưng Sương luôn trong tình trạng nhẹ cân, thường hay ốm đau khi thay đổi thời tiết. Gia đình đã ra sức bồi bổ, chăm bẵm nhưng Sương vẫn không thấy lớn. Dù cơ thể nhỏ nhắn nhưng Sương vẫn đi lại và nói năng thông thạo. Khi đến tuổi học trường Mầm non, trường Tiểu học, cơ thể cô bé vẫn còn nhỏ xíu, bố mẹ phải thay nhau cõng em đi học trong 5 năm liền. Sang đến cấp hai, Sương đã có thể ngồi xe đạp và được bố mẹ chở đến trường hàng ngày. Trong suốt những năm đi học, dù sức khỏe không tốt, dù luôn mang nỗi mặc cảm khi mình mãi giữ hình hài bé nhỏ trong khi các bạn cùng lứa cứ vùn vụt lớn, Sương vẫn nỗ lực trong học tập và rèn luyện. Kết quả học tập của em luôn đạt thành tích tốt, được thầy cô và bạn bè quý mến. Sương nhiều lần được nhà trường biểu dương vì tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập.
Tốt nghiệp Trung học cơ sở, do điều kiện sức khỏe, trường Trung học phổ thông lại xa nhà đến 25 km nên việc theo học của Sương gặp rất nhiều khó khăn. Quyết định dừng việc học cũng khiến em rất buồn, nhất là khi nhìn các bạn cùng trang lứa tung tăng nô đùa đến trường. Nhưng được sự động viên của bố, mẹ, Sương cũng dần vơi đi nỗi mặc cảm, tủi thân. Em phụ giúp bố mẹ công việc nhà, chăn nuôi, trồng trọt, giúp đỡ em trai học tập. Dần dần, Sương lấy lại sự sôi nổi, nhiệt tình tham gia tích cực các hoạt động phong trào tại địa phương. Cô gái nhỏ bắt đầu tham gia luyện tập văn nghệ, đem tiếng hát và quyết tâm vươn lên của mình truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, cho cộng đồng xã hội thông qua các buổi biểu diễn tại các hội nghị, đại hội của địa phương. Giọng ca trong trẻo, tha thiết của Sương luôn được mọi người yêu mến và khen ngợi.
Khao khát được là một phụ nữ “bình thường”
18 tuổi, Nguyễn Thị Sương biết thêm một sự thật về bản thân mình. Khiếm khuyết của cơ thể khiến em khó có cơ hội được làm vợ, làm mẹ một cách bình thường như những người phụ nữ khác. Nỗi tuyệt vọng tràn ngập trong tâm hồn cô gái trẻ. Sương tâm sự: “Càng nghĩ tôi càng thương bố mẹ vì cứ mãi phải lo lắng cho tôi, rồi lại thương cho bản thân không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao khi bố mẹ về già. Nhưng dần dần tôi chấp nhận khiếm khuyết của bản thân, thay đổi cách sống, trở nên lạc quan, cởi mở hơn với cuộc đời. Tôi năng nổ tham gia sinh hoạt đoàn thanh niên, luyện tập văn nghệ để quên đi những bất hạnh của bản thân và cũng là cách để động viên bố mẹ không phải quá suy nghĩ về tôi”.
Sương cùng những người đồng cảnh khác
Năm 2013, Sương được Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi huyện Vũ Quang giới thiệu vào học lớp Tin học văn phòng tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật của tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian học tập, em đã tham gia vào đội văn nghệ của Trung tâm và cùng toàn đội được tham dự Hội thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc khu vực miền Trung - Tây nguyên” tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào tháng 7/2014. Trong thời gian hội diễn, các tiết mục tập thể, cá nhân tại hội diễn của đội được khán giả nhiệt liệt ủng hộ, tiết mục đơn ca của Sương được trao giải Khuyến khích.
Suốt thời gian học tại Trung tâm, Sương luôn nỗ lực học tập và đạt loại khá khi kết thúc khoá học. Ngoài cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp nghề, Trung tâm cũng đã tặng em một máy tính xách tay trị giá 10 triệu đồng. Trở về địa phương Sương tiếp tục sinh hoạt Đoàn thanh niên, đồng thời dùng kiến thức của mình để thực hành, soạn thảo các văn bản trên máy vi tính, giúp đỡ các bạn nhỏ trong thôn về thao tác trên máy vi tính. Song song với đó, Sương vẫn miệt mài đem tiếng hát của mình phục vụ các cuộc Đại hội, Hội nghị, Hội thảo, chào mừng các ngày lễ lớn, mừng Đảng, mừng xuân tại địa phương. Những nỗ lực, cố gắng của Sương đã được Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận và được lựa chọn tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu toàn tỉnh năm 2015 và Hội nghị toàn quốc năm 2016.
Cũng giống như những người khuyết tật khác, mong muốn lớn nhất của Sương là có được một việc làm và thu nhập ổn định để tự lập trong cuộc sống. Sương ngập ngừng tâm sự: “Tôi rất muốn mở một cơ sở nhỏ để hành nghề soạn thảo văn bản, máy photocopy, bán văn phòng phẩm học sinh. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên hiện tôi chưa có vốn để thực hiện được ước mơ đó...”. Dù chưa thể thực hiện được ước muốn của mình, nhưng khi nói về nó, ánh mắt cô gái trẻ vẫn ngời lên hy vọng. Sương cũng tâm sự, cô mong sẽ được tạo điều kiện đi chữa bệnh để trở thành một người phụ nữ bình thương, được làm vợ, làm mẹ, có được hạnh phúc gia đình riêng… Những ước mơ đó của Sương đang rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức y học trong và ngoài nước, của cộng đồng; tiếp sức cho cô gái trẻ vượt qua khó khăn, rào cản của cuộc sống; để được sống bình thường, hòa nhập trong tình yêu thương của mọi người và xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trưởng thành hơn sau những thử thách - 12/08/2016 08:59
- Kiên trì với ước mơ đại học - 09/08/2016 06:21
- Cô giáo Yến và những bước ngoặt vượt dốc cuộc đời - 09/08/2016 06:15
- Người phụ nữ không tay không chân bán vé số trên đường phố Biên Hòa - 08/08/2016 04:17
- Thanh Hóa: Nữ sinh không tay được Đại học Hồng Đức tuyển thẳng - 08/08/2016 04:15
Các tin khác
- Hãy mạnh mẽ, tự tin vượt khó - 03/08/2016 03:22
- Chuyện cậu học trò nghèo mồ côi cha chinh phục giải vàng Vật lý thế giới - 21/07/2016 07:47
- Thay đổi cuộc đời từ những nét vẽ - 15/07/2016 02:51
- Cô gái chinh phục nóc nhà Đông Dương với đôi chân không lành lặn - 12/07/2016 07:27
- Nữ sinh khuyết tật ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ - 11/07/2016 03:19