Mảnh đất hiền hòa, đầy nắng gió Đồng Nai là nơi tôi được sinh ra. Hồi ấy, hoàn cảnh gia đình tôi nghèo khó, đông anh em nên mới chỉ 6 tuổi, ba mẹ đành phải gửi tôi đến Làng trẻ em Hoà Bình (thành phố Hồ Chí Minh) để được nuôi dưỡng, có điều kiện tập luyện phục hồi chức năng. Mang trong mình di chứng chất độc da cam từ ba khiến chân tay của tôi không lành lặn, tuy vậy tôi vẫn luôn nỗ lực vươn tới ước mơ trở thành họa sỹ.
Quyết tâm theo đuổi đam mê
Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh em, nhưng tôi lại là người con thiệt thòi nhất khi mang trên mình một cơ thể khuyết tật. Di chứng chất độc màu da cam khiến chân tay tôi bị co quắp, gặp nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt. Trong số 4 anh em, ba mẹ dành cho tôi nhiều hơn sự quan tâm, tình thương yêu, chăm sóc bởi những thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu.
Dù đôi tay, đôi chân không lành lặn nhưng Châu vẫn quyết tâm chinh phục đam mê hội họa
Trước khi sinh tôi, ba mẹ tôi đều rất vững tin vì ngỡ rằng chất độc da cam trong cơ thể của ba đã không ảnh hưởng đến sức khỏe của những người con trước, thế rồi khi tôi chào đời, ba mẹ tôi đã không kìm nén được nỗi buồn trước thân hình của một đứa con không lành lặn. Do hoàn cảnh quá đỗi khó khăn, ba mẹ tôi phải quanh năm vật lộn với vườn ruộng nhưng vẫn chẳng đủ nuôi con. Không có tiền đưa tôi đi chạy chữa, ba mẹ tôi đành nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận gửi tôi đến Làng trẻ em Hòa Bình tại thành phố Hồ Chí Minh nhờ sự giúp đỡ của một người quen, với mong mỏi, tôi có điều kiện được nuôi dưỡng, chăm sóc và hơn cả là có cơ hội tập luyện phục hồi chức năng miễn phí.
6 tuổi, độ tuổi tôi còn bỡ ngỡ khi mới bước vào ngưỡng cửa của lớp 1 cũng là thời điểm tôi phải xa ba mẹ, các anh chị, xa những con đường làng thân quen, gần gũi để tới sống tại thành phố náo nhiệt. Từ một đứa trẻ khuyết tật hàng ngày chỉ biết nằm một chỗ, trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người, tôi đã dần tự lập, tự biết đánh răng, rửa mặt, biết mặc quần áo và có thể tự di chuyển. Để làm được những điều kỳ diệu ấy, với tôi là một sự nỗ lực, chịu biết bao đau đớn, thiếu thốn tình cảm của gia đình. Thời gian trôi đi, tôi cũng đã vượt qua tất cả để tập làm thành thạo mọi việc như bao người khác và hơn thế, tôi được theo học văn hóa cùng những người đồng tật, hòa nhập cộng đồng.
Ngoài học chữ, tôi được Làng trẻ trao thêm cơ hội học nghề may, mộc mỹ nghệ. Sau những giờ học căng thẳng, tôi được tham gia vui chơi cùng những người bạn đồng cảnh. Thật tình cờ, qua một vài lần nhìn thấy các anh chị trong Làng cầm bút vẽ, tôi cảm thấy như có một niềm ham thích, một sức hút đến lạ kỳ xuất hiện trong tâm trí nên tôi quyết định xin các mẹ cho tôi được theo học lớp hội họa.
Bức tranh vẽ phong cảnh Mê Kông Việt Nam của chàng họa sỹ khuyết tật được nhiều khách hàng trong, ngoài nước đặt mua
Nghe tôi nói, các mẹ phân vân lắm vì đôi tay tôi khuyết tật và đôi chân cũng vậy, tôi chỉ có thể cầm bút viết chữ bằng miệng, những nét chữ nghuệch ngoạc không thẳng hàng, ngay lối thì làm sao tôi có thể học vẽ. Nhưng rồi vượt qua tất cả những rào cản ấy, tôi cố gắng tìm cách thuyết phục các mẹ hãy cho tôi một lần được thử sức.
Những buổi đầu học vẽ, tôi tập cầm bút bằng tay nhưng vì cổ tay đau cứng mỗi khi đưa nét bút nên tôi phải gắng luyện vẽ bằng miệng. Một số bức vẽ đầu tiên của tôi được những khách hàng “đặc biệt” là thầy cô, là các mẹ và các phụ huynh của bạn bè cùng lớp mua ủng hộ, điều đó đã giúp tôi có thêm nguồn động viên, khích lệ và tiếp thêm cho tôi ngọn lửa đam mê.
3 năm theo học hội họa, tôi đã có thể vẽ tranh thuần thục, thật vui vì những bức vẽ của tôi đã nhận được nhiều lời khen, nhưng không vì thế mà tôi bằng lòng với những bức vẽ của mình. Để theo đuổi và thực hiện khát khao trở thành họa sỹ, tôi đã xin phép Ban Giám đốc Làng trẻ được sống tự lập khi tròn tuổi 15.
Truyền cảm hứng cho trẻ khuyết tật
Những ngày đầu tự lập, tôi gặp muôn vàn khó khăn, hồi đó nhiều người khuyên tôi nên đi học một cái nghề phù hợp với sức khỏe nhưng tôi tin tôi có đủ khả năng theo đuổi đam mê.
Hầu hết các học viên tham gia lớp hội họa cùng tôi, họ chỉ đi học cho vui, học cho biết chứ không có ý định theo đuổi lâu dài, còn tôi vì quá yêu thích nên tôi vẽ mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi đang ăn, lúc đang ngủ chợt nảy ra ý tưởng, tôi đều sẵn sàng đi pha màu, rồi miệt mài sáng tác.
Để có tiền trang trải cuộc sống, thuê nhà trọ, tôi đã vẽ tranh bán. Tôi còn nhớ rất rõ, bức tranh đầu tiên tôi vẽ năm 2006 là chủ đề tranh phong cảnh. Lúc đó, tôi đã cố gắng vẽ, hoàn thiện bức tranh ấy trong suốt hai ngày hai đêm nhưng không phải đem bán, mà để kịp gửi tặng cho một tổ chức từ thiện.
Sau 8 năm bám trụ cuộc sống bằng nghề vẽ, tôi quyết định thuê căn phòng trọ rộng hơn để vừa sinh sống, vừa mở lớp dạy vẽ cho các em nhỏ từ 6 - 12 tuổi. Không chỉ bận rộn với công việc, tôi còn tranh thủ học tiếng Anh, tiếng Nhật và tích lũy vốn từ vựng bởi học trò của tôi phần lớn là người nước ngoài.
Giờ đây, tôi có thể nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật và điều đặc biệt ở lớp học vẽ của tôi, đó là giáo viên và học sinh đều sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Anh, có lẽ vì thế mà nhiều học sinh người Việt cũng đăng ký tham gia lớp học. Riêng các học trò khuyết tật, tôi sẵn sàng nhận dạy miễn phí, nhằm góp phần chia sẻ, bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em.
Châu hy vọng sẽ mở thêm nhiều lớp dạy vẽ miễn phí để truyền cảm hứng cho các học trò khuyết tật
Bên cạnh công việc sáng tác tranh, dạy vẽ, tôi còn dành chút vốn tích cóp mở phòng tranh vào năm 2014. Từ khi phòng tranh của tôi ra đời, những tác phẩm do một người khuyết tật như tôi sáng tác đã đến được với nhiều người. Khách hàng tới mua tranh của tôi đông hơn, đa dạng hơn, không chỉ có khách hàng trong nước mà còn có nhiều vị khách quốc tế đến từ các nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… đặt mua. Bức tranh mà tôi tâm đắc nhất, cũng chính là bức tranh được nhiều khách hàng yêu thích nhất, đó là bức vẽ Mê Kông Việt Nam.
Từ khi tìm đến hội họa, tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi có những suy nghĩ thoáng hơn, tích cực hơn. Tự tin với khả năng sáng tác tranh, tôi đã nhiều lần mạnh dạn tham dự các cuộc thi vẽ tranh như Nét vẽ xanh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh... và đã đạt được khá nhiều giải Nhất, Nhì. Tôi hy vọng trong thời gian tới, tôi sẽ có điều kiện mở thêm phòng tranh và tổ chức nhiều lớp học vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật, mang đến cho các em niềm vui, lạc quan, yêu cuộc sống này.
Thật hạnh phúc và bất ngờ khi câu chuyện về hành trình vượt lên số phận của tôi đã được nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm với tên gọi “Chau, Beyond the Lines”. Bộ phim kể về cuộc đời tôi - người con duy nhất trong gia đình bị khuyết tật do thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam cách đây hơn bốn thập kỷ, bộ phim đó đã vinh dự được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử .
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người phụ nữ không tay không chân bán vé số trên đường phố Biên Hòa - 08/08/2016 04:17
- Thanh Hóa: Nữ sinh không tay được Đại học Hồng Đức tuyển thẳng - 08/08/2016 04:15
- Khát vọng từ trái tim của cô gái khuyết tật - 03/08/2016 03:36
- Hãy mạnh mẽ, tự tin vượt khó - 03/08/2016 03:22
- Chuyện cậu học trò nghèo mồ côi cha chinh phục giải vàng Vật lý thế giới - 21/07/2016 07:47
Các tin khác
- Cô gái chinh phục nóc nhà Đông Dương với đôi chân không lành lặn - 12/07/2016 07:27
- Nữ sinh khuyết tật ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ - 11/07/2016 03:19
- Hãy cứ tự tin, hãy cứ mạnh mẽ! - 05/07/2016 06:33
- Ông chủ khuyết tật luôn hết lòng với người đồng cảnh - 04/07/2016 09:06
- Cảm động nữ sinh “xương thủy tinh” ngồi xe lăn đi thi - 01/07/2016 08:35