Thứ tư, 27 Tháng 4 2016 16:37

Luôn lạc quan, giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống, đó là cảm nhận của chúng tôi về những tấm gương người khuyết tật vượt khó. Không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, họ đã vươn lên trở thành niềm tự hào cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

 

Làm nông nghiệp giỏi 


Đón chúng tôi tại cơ sở trồng hoa của gia đình ở thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, anh Đỗ Văn Hải không giấu được niềm vui, phấn khởi vừa trở về từ Hội nghị biểu bương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ toàn quốc lần thứ V tổ chức ngày 8/4 tại Hà Nội. 
 
 
khắc phục những khiếm khuyết
Khắc phục những khiếm khuyết của cơ thể, chị Nguyễn Thị Lan Anh đã vượt lên số phận phấn đấu học tập và đã có tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.Nguồn: Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng 
 
 
Sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 1987 khi vừa 11 tuổi, một tai nạn điện giật bất ngờ khiến cậu bé Hải nằm bất động thời gian dài, cánh tay phải bị cắt bỏ, bàn tay trái bị co quắp không cầm nắm được đồ vật và nhiều đầu ngón chân bị hoại tử. Năm Hải 15 tuổi, bố không may qua đời do tai nạn giao thông, để lại gánh nặng gia đình cho mẹ khi một mình nuôi dưỡng, chăm sóc người con khuyết tật và 5 người con khác, Đỗ Văn Hải kể lại.
 

Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, tuy nhiên, với quyết tâm không để mình là gánh nặng cho gia đình, chàng trai khuyết tật 3 không (không sức khỏe, không kiến thức, không vốn liếng) đã tập cầm cuốc, từng bước cải tạo lại đất trong vườn. Ban đầu, với số vốn ít ỏi vay được, anh đã đầu tư vào gieo rau giống trên mảnh vườn 200 m2. Nhờ chịu khó quan sát và học hỏi kinh nghiệm, rau giống anh trồng có chất lượng tốt, được nhiều người dân trong vùng sử dụng. 

 

Khi tích lũy được vốn, anh mạnh dạn chuyển sang đầu tư trồng hoa các loại để tăng hiệu quả kinh tế. Công việc này không hề dễ dàng với người thanh niên khuyết tật lại ít kiến thức nông nghiệp. Sau nhiều lần thất bại và thua lỗ lên tới cả trăm triệu đồng, anh kiên trì đi nhiều nơi để tìm hiểu quy trình trồng và sản xuất giống hoa đúng kỹ thuật, đặc biệt là hoa lay ơn. Nỗ lực của anh đã được đền đáp. Từ thành công ban đầu trên vài trăm mét vuông, cùng với việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp và sự hỗ trợ của vợ, anh đã nhân rộng mô hình trồng và sản xuất giống hoa lay ơn lên gần 2 ha, giúp gia đình anh đạt thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng hoa của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 – 5 lao động. Bên cạnh việc cung cấp giống hoa lay ơn, anh còn hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng cho các hộ trong vùng với mong muốn đưa thôn Đại Phú 2 trở thành khu vực trồng và cung cấp hoa lay ơn quy mô lớn trong tỉnh. 

 

Chứng kiến những thăng trầm trong cuộc sống của anh Hải, ông Nguyễn Văn Chín, trưởng thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô cho biết: Nhiều người nghĩ anh Hải sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhưng với nghị lực vượt khó và quyết tâm không cho đất “nghỉ” bằng việc trồng đan xen nhiều loại cây trồng, anh đã vươn lên trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, là tấm gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp tại xã Phi Mô và huyện Lạng Giang. 

 

Yêu thương và sẻ chia 

 

Không chỉ làm nông nghiệp giỏi, người khuyết tật còn đảm đương tốt các công việc khác có ích cho cộng đồng. Trong công tác xã hội, chúng tôi tìm đến một tấm gương điển hình về hỗ trợ người khuyết tật. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của tỉnh Thái Nguyên, tuổi thơ là những chuỗi ngày khó khăn vất vả và mang trong mình dị tật bẩm sinh khiến hai chân không thể đi lại, chị Nguyễn Thị Lan Anh năm 9 tuổi mới được đi học. Sau hơn 20 năm không ngừng phấn đấu, chị đã có được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và một số bằng cấp chuyên ngành khác. 

 

Không chỉ tìm kiếm tri thức cho riêng mình, năm 2011, chị cùng những người bạn đã lập ra Trung tâm Hành động vì phát triển cộng đồng (ACDC) tại Hà Nội, với mong muốn đồng hành và giúp đỡ người khuyết tật vượt qua rào cản, vui sống hòa nhập với cộng đồng. Với 7 nhân viên là người khuyết tật, chiếm khoảng 50% tổng số nhân sự, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án tác động tích cực đến cuộc sống của người khuyết tật; cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí dành cho người khuyết tật; triển khai dự án hỗ trợ tổ chức hội người khuyết tật tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam... Tính riêng năm 2015, khoảng 2.000 lượt người khuyết tật được hưởng lợi từ hoạt động tư vấn, giải đáp thắc mắc về pháp luật miễn phí của trung tâm. 

 

Để người khuyết tật hòa nhập, phát triển tốt trong cộng đồng, không đơn thuần là giúp về mặt vật chất, chăm sóc nuôi dưỡng họ một cách đầy đủ mà phải giúp họ phát huy khả năng của mình, chị Lan Anh trăn trở. Do vậy, vấn đề này rất cần các cấp, ngành, xã hội cùng chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, tin tưởng và trao quyền cho người khuyết tật, nhất là những thanh niên khuyết tật trẻ để họ có thêm động lực, sự ủng hộ để hướng tới xóa bỏ những rào cản. 

 

Anh Hải và chị Lan Anh chỉ là hai trong hơn 200 tấm gương người khuyết tật vượt khó được biểu dương tại Hội nghị người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ toàn quốc lần thứ V. Xúc động khi nghe về những mảnh đời thiệt thòi tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Họ là những người thầy, bài học lớn về ý chí, khát vọng và tấm lòng cao cả, rất đáng ngưỡng mộ mà người lành lặn khó lòng làm được, bởi không chỉ vươn lên số phận mà họ còn truyền nghị lực đó cho những người cùng cảnh ngộ. Hy vọng, ý chí và nghị lực vươn lên của họ sẽ lan tỏa trong cộng đồng.

 
 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi