Bước sang tuổi lục tuần, Giám đốc Nguyễn Thị Thiện (huyện Mỏ Cày Bắc - tỉnh Bến Tre) vẫn từng ngày sát cánh bên các con để điều hành hoạt động Công ty TNHH Một thành viên Tiến Phước Tài. Công việc dù còn lắm bộn bề, lo toan nhưng bà luôn tâm niệm phải làm nhiều việc có ích cho xã hội, giảm bớt khó khăn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo.
Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng
Xuất thân trong một gia đình nghèo, bà Nguyễn Thị Thiện từng phải trải qua nhiều vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống. 15 năm về trước, điều kiện kinh tế gia đình bà lâm vào cảnh túng thiếu bởi vợ chồng bà không có công việc ổn định, mặc dù phải làm việc quần quật cả ngày nhưng cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện lo cho 4 người con và chăm sóc cha mẹ già. Kế sinh nhai của cả gia đình bà chỉ có vẻn vẹn chiếc ghe cũ. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng bà dậy từ sớm chèo ghe đi mua, bán vỏ dừa, rồi tranh thủ nhận làm thêm một số việc vặt, những mong có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình. Sau vài năm tảo tần làm ăn, tích cóp, vợ chồng bà cũng dành dụm được số vốn kha khá mở xưởng nghề tuốt chỉ xơ dừa.
Nữ doanh nhân vui đùa bên trẻ mồ côi
Thời gian đầu bắt tay vào làm nghề, bà mua vỏ dừa về làm rồi bán chỉ thô cho người dân trong huyện, dần dần vợ chồng bà Thiện đã phát triển nghề, nhận làm tất cả các khâu từ ra nan, cột khung, quấn quay, làm đáy giỏ và hoàn thành giỏ cọng dừa. Sau 5 năm chịu thương cúi khó làm ăn, gia đình bà đã xây được một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Khi cuộc sống vơi bớt nhọc nhằn, cơ cực chưa được bao lâu thì người chồng luôn kề vai sát cánh bên bà những lúc khó khăn đã bị đột quỵ, rồi qua đời để lại cho bà gánh nặng gia đình. Chồng mất sớm khiến bà Thiện buồn rầu, suy sụp vì nhớ thương người chồng một đời tảo tần, vất vả.
Bà Thiện chia sẻ: “Trong nỗi đau mất chồng, tôi vẫn không cho phép mình ngã quỵ và cố gắng gìn giữ, phát triển xưởng sản xuất chúng tôi đã gây dựng, chỉ mong nhà tôi được thanh thản yên nghỉ. Tôi lao vào làm cả ngày lẫn đêm, các con tôi từ đứa lớn rồi tới đứa nhỏ lần lượt phải nghỉ học ở nhà phụ giúp tôi. Thật may tôi cũng có duyên với nghề nên xưởng sản xuất ngày càng lớn mạnh”.
Từ một cơ sở nhỏ, năm 2009, bà Thiện đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Tiến Phước Tài để tiếp tục duy trì và phát triển nghề chỉ xơ dừa theo tâm huyết của chồng. Hiện nay, Công ty của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thiện đã gây dựng được nguồn vốn lên tới 7 tỷ đồng, hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 người và 150 lao động thời vụ vào những lúc cao điểm, mang lại thu nhập ổn định 150 nghìn đồng/người/ngày tính theo sản phẩm.
Làm giàu để làm nhiều việc thiện
Mỗi người đều chọn cho mình một cách sống, riêng với bà Nguyễn Thị Thiện được sống vì mọi người, được giúp đỡ người bất hạnh là niềm vui, là cách bà san sẻ những khó khăn với những người còn nhiều bất hạnh. Bà Thiện kể, trong lúc suy sụp tinh thần nhất, mọi người luôn bên cạnh động viên bà, rồi bà tìm đến phật pháp và hướng tâm mình đến việc từ thiện. Năm 2000, bà bắt đầu theo Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn, Trụ trì chùa Vĩnh Bửu, xã Khánh Thạnh Tân đi làm từ thiện. Lúc đầu bà chỉ làm cho vui, để quên đi chuyện buồn sau biến cố của gia đình. Dần dần, qua những chuyến đi, việc làm từ thiện đã dần ngấm vào trái tim, bà ngày càng mong muốn làm được nhiều hơn cho những người nghèo khổ, thiếu thốn.
Trong 5 năm từ 2010 đến nay, bà Thiện đã cùng với hội viên Phân hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi xã Khánh Thạnh Tân kêu gọi và vận động các mạnh thường quân tham gia đóng góp xây dựng cầu, đường, nhà ở, phẫu thuật tim, mắt, bướu cổ cho bệnh nhân nghèo, vận động gạo, quà cho người nghèo, hỗ trợ tang chế với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó, cá nhân bà đã đóng góp gần 2 tỷ đồng. Riêng bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh được bà hỗ trợ mỗi tháng 2 ngày với trên 1.200 suất cơm, cháo cho bệnh nhân và người thân tại bệnh viện. Bà đã trực tiếp cùng các thành viên của phân Hội vận động trợ cấp cho người mù và người nhiễm chất độc da cam tại 2 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc mỗi tháng 10 triệu đồng..
Bà Thiện tâm sự: “Của cải biết bao nhiêu là đủ, nếu làm được, giúp được cho người nghèo khó mà trong tầm tay, trong khả năng thì nên làm. Càng đi nhiều, càng thấy nhiều hoàn cảnh éo le, càng khiến tôi phải quyết tâm làm giàu hơn nữa. Giờ đây, tôi không còn mục tiêu phải làm giàu cho mình, cho gia đình nữa, mà làm giàu để giúp được nhiều người hơn”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nhạc sĩ khuyết tật gửi ‘Nụ cười hạnh phúc’ tới Vũ Duy Khánh - 27/04/2016 09:51
- Từ ý chí đến thành công - 27/04/2016 09:37
- Chàng trai khuyết tật với ước mơ truyền cảm hứng đến cộng đồng - 04/04/2016 03:16
- Học đời rồi mới học nghề! - 04/04/2016 03:09
- Cô học trò mồ côi ước mơ làm chiến sĩ công an - 04/04/2016 03:04
Các tin khác
- Hãy vươn lên bằng ý chí, khả năng sáng tạo - 04/04/2016 02:48
- Vững tin ở ngày mai - 22/03/2016 04:15
- Chàng trai khiếm thị xây ước mơ bằng tri thức và nghị lực - 22/03/2016 04:06
- Đừng bao giờ đầu hàng số phận! - 22/03/2016 03:20
- Chuyến bay ước mơ đầy nước mắt của bé 10 tuổi mắc ung thư - 29/02/2016 08:33