Trong khi nhiều bạn trẻ khác ôn luyện ngày đêm, mong thi đậu vào một trường đại học, cao đẳng ngay sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì Ngô Quốc Hưng (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) lại chọn cho mình một con đường khác: Đi làm để học hỏi kinh nghiệm sống trước khi quyết định ngành nghề theo học. Sự táo bạo của cậu bé mồ côi người dân tộc Nùng đã không khiến em phải hối hận, ngược lại, những trải nghiệm cuộc sống trước ngưỡng cửa đại học càng làm cho em vững tin hơn vào lựa chọn của mình và từng bước biến ước mơ trở thành hiện thực.
Là con út trong gia đình có 8 anh chị em, tại thôn Nà Già, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Ngô Quốc Hưng mồ côi bố từ nhỏ. Mẹ em lại ốm đau bệnh tật nên các anh chị của Hưng đều phải nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền đảm bảo cuộc sống gia đình. Là út nên Hưng cũng được gia đình ưu tiên hơn các anh chị, được đi học đúng độ tuổi và đóng góp đầy đủ trong suốt những năm học tiểu học. Nhưng khi lên bậc Trung học cơ sở (lớp 6), trường cách xa nhà gần chục km, gia đình kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện để đưa đón Hưng hàng ngày hay sắm cho em phương tiện để tiếp tục đến trường. Hưng rơi vào nguy cơ phải nghỉ học như các anh chị em của mình.
Ngô Quốc Hưng (đứng giữa) và những người bạn cùng ngành Công tác xã hội
May mắn cho Hưng khi đang trong lúc khó khăn thì được ông Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc Trung tâm Hy vọng Lộc Bình đến thăm. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng của Hưng và gia đình, ông đã quyết định nhận cậu bé vào sống tại Trung tâm. Cuộc đời của Hưng như được sang một trang mới. Hưng được sống trong môi trường hoàn toàn mới, được chăm sóc đầy đủ toàn diện cả thể chất và tinh thần, cũng như chuyện học hành. Đặc biệt, tại Trung tâm, em được gặp nhiều bạn khác có cùng hoàn cảnh giống mình đến từ nhiều địa phương khác nhau. Mọi người cùng chung sống hòa thuận, yêu thương nhau như anh chị em trong một đại gia đình, cùng động viên nhau cố gắng vươn lên.
Hưng cho biết: “Lúc đầu mới ra Trung tâm, em vẫn còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được một thời gian thì cũng quen được với cuộc sống mới, em luôn tự ý thức rằng sẽ phải cố gắng phấn đấu hơn cho bản thân và cuộc sống sau này để không phụ tấm lòng, công sức của bác và các mẹ ở Trung tâm đã dành cho em nói riêng và các anh chị em nói chung”. Được sự chỉ bảo tận tình, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, động viên của ông Nguyễn Trung Chắt cũng như các mẹ trong Trung tâm, Hưng dần vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, tập trung chăm chỉ học tập, rèn luyện. Cũng chính ông Nguyễn Trung Chắt là người đã tác động rất nhiều đến cuộc sống cũng như quyết định của Hưng trong chuyện học hành.
Em kể: “Mỗi lần nói chuyện về định hướng trong tương lai với chúng em, bác Chắt thường khuyên rằng khi học xong các con nên có một thời gian nhất định 1 hoặc 2 năm để đi trải nghiệm cuộc sống ở bên ngoài để xem mình phù hợp với công việc nào, có những khả năng gì và cũng là để tiếp xúc, học hỏi cuộc sống ở ngoài xã hội rồi đi học tiếp sẽ tốt hơn. Sau khi được bác định hướng, em cảm thấy những điều đó rất đúng và hữu ích cho bản thân mình, tránh việc chọn nhầm ngành nghề để đến lúc học xong lại không làm được gì, tốn kém thời gian và tiền bạc. Vì vậy, khi học xong cấp III, em đã lựa chọn cho mình một con đường riêng khác với bạn bè là đi trải nghiệm trước rồi đi học sau, theo những gì bác Chắt đã định hướng”.
Hưng xuống Hà Nội học sửa chữa xe ô tô, sau đó học lái xe ô tô, khi em học xong ông Nguyễn Trung Chắt lại cho em đi cùng để xem và làm thêm nhiều công việc khác nhau như xây dựng, điện nước… Gần 2 năm trải nghiệm khiến Hưng trưởng thành hơn rất nhiều, biết yêu lao động, suy nghĩ chín chắn hơn và có được những hiểu biết nhất định trong cuộc sống, trong xã hội. Cũng trong thời gian này, Hưng hiểu được những bài học cuộc đời và giá trị của công việc mà “bác Chắt” đang làm để giúp đỡ những trẻ em khó khăn.
Kỳ thi đại học năm 2012, Ngô Quốc Hưng đăng ký và thi đỗ vào khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Em mong rằng, khi học ngành này sẽ có được những kiến thức kỹ năng nền tảng cơ bản để sau này giúp đỡ cho những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội. Cậu bé mồ côi không quên ơn nghĩa mà ông Nguyễn Trung Chắt cũng như các cán bộ Trung tâm Hy vọng Lộc Bình đã dành cho mình. Vì vậy, em mong muốn học xong Đại học sẽ được quay lại Trung tâm để làm việc và phát triển Trung tâm, giúp đỡ được nhiều người khó khăn, thiệt thòi trong xã hội.
Để thực hiện ước mơ đo, trong thời gian học đại học, Hưng luôn cố gắng học tập, học hỏi từ bạn bè, thầy cô giáo. Em đã trải qua 6 kỳ học tại trường và trong các kỳ học Hưng luôn đạt được kết quả từ khá, giỏi trở lên, trong đó có 3 kỳ đạt loại giỏi. Ngoài ra, Hưng luôn dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về kiến thức chuyên ngành và tham gia các hoạt động tình nguyện ở cộng đồng. Những ngày nghỉ cuối tuần, Hưng lại về Trung tâm để giúp đỡ các mẹ chăm sóc, chỉ bảo các em học hành cũng như động viên các em vững tin, phấn đấu trong học tập. Hưng còn là quản lý của một nhóm 10 em đều là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn trưởng thành từ Trung tâm Hy vọng Lộc Bình đang học đại học và học nghề tại Hà Nội.
Hưng quan niệm: “Đạo đức của con người là phải làm được những việc có ích, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ người trồng cây. Có như vậy, thì sự sẻ chia mới có ý nghĩa và những tấm lòng nhân ái sẽ được đáp đền, xã hội sẽ công bằng, bình đẳng và văn minh hơn”. Đó cũng là “kim chỉ nam” để em không ngừng phấn đấu để có thể quay về Trung tâm làm việc như một người cán bộ, tâm huyết với trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ em thiệt thòi nơi quê nhà.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Ông lão khuyết tật hơn 50 năm khâu giầy - 28/04/2016 06:25
- Nghị lực phi thường để thành thần đồng piano của thiếu niên không có ngón tay - 27/04/2016 09:54
- Nhạc sĩ khuyết tật gửi ‘Nụ cười hạnh phúc’ tới Vũ Duy Khánh - 27/04/2016 09:51
- Từ ý chí đến thành công - 27/04/2016 09:37
- Chàng trai khuyết tật với ước mơ truyền cảm hứng đến cộng đồng - 04/04/2016 03:16
Các tin khác
- Cô học trò mồ côi ước mơ làm chiến sĩ công an - 04/04/2016 03:04
- Nữ doanh nhân làm việc thiện bằng cả trái tim - 04/04/2016 02:56
- Hãy vươn lên bằng ý chí, khả năng sáng tạo - 04/04/2016 02:48
- Vững tin ở ngày mai - 22/03/2016 04:15
- Chàng trai khiếm thị xây ước mơ bằng tri thức và nghị lực - 22/03/2016 04:06