Thứ ba, 22 Tháng 3 2016 10:20

Trở thành người khuyết tật khi đang học năm thứ 3 trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, thế giới tưởng chừng như sụp đổ đối với chị Lý Thị Thiều (xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Nhưng với nghị lực của mình, chị không chỉ vượt lên số phận mà còn giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật khác cùng vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Cùng lắng nghe chị Lý Thị Thiều chia sẻ về cuộc đời và những việc làm ý nghĩa của chị.

 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm - một huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn. Quê tôi điều kiện về kinh tế, học tập còn nhiều khó khăn. Những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đi học, không biết chữ.

 

Tôi cũng sinh ra ở nơi ấy, cũng điều kiện hoàn cảnh đấy nhưng tôi khao khát được đi học dù quãng thời gian đi học của tôi thực sự gian nan. Tôi còn nhớ khi học cấp II lũ trẻ như chúng tôi phải vượt qua một quãng đường dài, dốc đi bộ để ở trọ học, những đứa trẻ ấy cùng ở trọ dưới những túp lều tranh bé nhỏ xiêu vẹo, lụp xụp với những bữa ăn là cơm trắng với ít rau rừng… Nhiều khi thầy cô giáo hay các bạn đến thăm đúng vào bữa cơm, chúng tôi lại vội vàng giấu bát rau duy nhất xuống gầm giường vì tủi thân và xấu hổ. Tuổi thơ tôi đã lớn dần lên như thế. Cũng từ những tháng ngày đó tôi nuôi trong mình một ước mơ, ước mơ trở thành một cô giáo để có thể mang được cái chữ về với bản làng về với các em thơ sống trên những triền núi cao.

Dien dan Ly Thi Thieu 1

Chị Lý Thị Thiều

Với sự cố gắng, nỗ lực hết mình, năm 2006, tôi tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Tôi đã thật sự hi vọng rằng cuộc đời của mình sẽ đổi thay, sẽ thực hiện được những ước mơ hoài bão của mình. Tôi đã cố gắng thật nhiều, thật nhiều để có thể được tiếp tục đi học. Cùng với sự nỗ lực của bản thân thì ở quê tôi những người thân như ông, bà, người mẹ gầy gò ốm yếu và người cha vẫn mang trên mình căn bệnh thần kinh tọa nhiều khi nằm liệt giường đã phải cố gắng gấp trăm, gấp bội lần để làm ra được hạt thóc, hạt ngô để bán đổi được những đồng tiền ít ỏi nuôi tôi ăn học. Thế nhưng đến năm thứ 3 Đại học tôi thấy những bước chân của mình bước đi ngày một khó khăn, hai đầu gối trở nên nặng nề hơn, đau buốt hơn. Tôi đi khám mới biết mình bị bệnh teo cơ, dính khớp và có thể không bao giờ bước đi lại được nữa.

 

Lúc đó, trời đất như sụp đổ, những dự định những ước mơ bỗng chốc tan thành mây khói. Trước mắt tôi là một màn đêm mịt mù, tăm tối không lối thoát bởi tôi biết rằng hoàn cảnh gia đình nghèo khó nay kiếm đâu ra tiền để chữa trị bệnh. Gia đình đã bán ruộng, vườn, vay mượn tiền đưa tôi đi chữa trị ở bệnh viện, theo thuốc của lang y, nhiều lần còn đưa tôi lên vùng cao bản dân tộc Mông, Dao trèo đèo, vượt suối để chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Gia đình đã nghèo nay lâm vào cảnh khó khăn, vất vả hơn. Mẹ tôi đã phải đi làm thuê kiếm tiền mua thuốc cho tôi chữa trị. Cứ như vậy suốt 4 năm liền mà bệnh tình tôi vẫn không khỏi. Tôi thấy mình thật sự là một người tàn phế, một gánh nặng cho gia đình. Có những lúc tuyệt vọng tôi đã muốn tìm đến cái chết. Nhưng nhìn những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt và sự vất vả hằn sâu trên đôi mắt mẹ, tôi lại cố gắng nhiều hơn để vượt qua.

 

Thật may mắn cho tôi trong một lần điều trị tại Trung tâm Y - Dược Tinh Hoa, tôi được chương trình “Vì bạn xứng đáng” của VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng số tiền là 54 triệu đồng, hỗ trợ để tôi chữa trị bệnh. Cũng từ đó, các tổ chức, cá nhân biết hoàn cảnh của tôi nên đã tạo điều kiện giúp đỡ, động viên, chia sẻ giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó, tôi đã có thêm niềm tin, nghị lực để sống và phấn đấu theo phương châm “tàn nhưng không phế”.

 

Sau 5 năm đi chữa bệnh không khỏi tôi trở về quê hương với đôi chân phù nề, vật lộn với những cơn đau trong tuyệt vọng, đặc biệt những khi trái gió trở trời cơn đau đến khiến tôi như chết đi sống lại. Mặc dù vậy, tôi quyết tâm vượt qua hoàn cảnh. Tôi đã suy nghĩ trăn trở phải làm một điều gì đó đem lại thu nhập nuôi sống bản thân để không là gánh nặng cho gia đình và phần nào giúp ích được cho xã hội. Với quyết tâm đó, tôi đã mạnh dạn cùng hai đoàn viên nữa với số tiền thưởng của chương trình “Vì bạn xứng đáng”, giữa năm 2014, đầu tư vào mô hình trồng rau và nuôi gà, nuôi lợn. Cụ thể như: Trồng rau xanh, sạch chủ yếu để cung cấp cho nhân dân trong xã và trường học ăn bán trú, sau khi thu hoạch 1 vụ với các loại rau thu được 13 triệu đồng; 600 con gà sau khi bán thu được số tiền hơn 50 triệu đồng trừ chi phí và chia tiền công cho 2 đoàn viên còn lại 25 triệu đồng. Với số tiền trên tôi đã giúp gia đình trả tiền vay vốn sinh viên và tiền vay, mượn đi chữa trị bệnh, số tiền còn lại tôi tiếp tục duy trì phát triển 2 mô hình kinh tế này vì qua hơn 1 năm thực hiện tôi nhận thấy mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện và khả năng của gia đình tôi.

Ly Thi Thieu

Lý Thị Thiều (ngồi xe lăn) tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tình Bắc Kạn năm 2015

Quê tôi vẫn còn nghèo lắm, hàng ngày tôi vẫn bắt gặp không ít những mảnh đời éo le, những em thơ co ro đi học với một chiếc áo mỏng manh, đôi chân trần tím tái, chỉ có nắm cơm hay mèn mén không chút thức ăn, dầm mưa cả một quãng đường dài đi học, tôi lại nhớ ngày xưa mình cũng đã từng trải qua như thế. Tôi chợt nhận ra, bản thân mình như thế chưa phải đã là khổ nhất, cuộc sống xung quanh vẫn còn rất nhiều mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh và tôi muốn làm được điều gì đó cho họ.

 

Nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, sự nỗ lực vượt khó của bản thân, tôi đã vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ ủng hộ cho bản thân và những mảnh đời bất hạnh. Kết quả thật đáng mừng. Các tổ chức: Hội Người tôi cưu mang; Câu lạc bộ Nhân ái Hà Nội; Câu lạc bộ Alphagroup; Hội Nụ cười của gió tại Pác Nặm và Nhà xe Sơn Thu quyên góp, ủng hộ để tôi tổ chức nhiều đợt trao tặng quà cho các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn với trị giá 280 triệu đồng.

 

Qua sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng tháng 4 năm 2015 tôi đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen và trong năm 2015 được Bí thư tỉnh đoàn Bắc Kạn tặng Kỷ niệm chương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đó là nguồn động viên tinh thần, là nguồn sức mạnh lớn lao cho tôi vượt qua khó khăn.

 

Phát huy tinh thần đó, trong năm 2015, tôi cùng các tình nguyện viên của Câu lạc bộ Thiên nguyện Pác Nặm liên kết với các tổ chức, tập thể, cá nhân quyên góp đồ dùng học tập, chăn màn, quần áo, bánh kẹo, đồ chơi dành cho trường chính và các điểm trường Mầm non. Vận động trao chăn bông, học bổng, quà trung thu, tổ chức khám và mổ mắt miễn phí cho các bác cựu chiến, cặp lồng đựng cơm, dầu ăn cho trường ăn bán trú với tổng trị giá hàng chục triệu đồng.

 

Những việc làm của tôi tuy không lớn nhưng đó là sự nỗ lực, cố gắng hết mình của một người khuyết tật, đó chính là niềm vui là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Tôi tin, bất kỳ người khuyết tật nào cũng có thể làm được như tôi, chỉ cần có niềm tin vào cuộc sống và luôn sống hết mình.

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ


PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Lý Thị Thiều , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi