Không còn cảm giác u buồn, tự ti, trong suy nghĩ của chàng trai khiếm thị Huỳnh Hữu Cảnh (huyện Tân Hiệp - tỉnh Kiên Giang) giờ chỉ còn lại niềm đam mê âm nhạc, thể thao, nhiếp ảnh và hoạt động xã hội. Với mong muốn giúp người đồng cảnh vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, Cảnh đã miệt mài sáng tạo ra “chiếc gậy thần kỳ” - chiếc gậy đã giúp chàng trai khiếm thị giành được hai giải Nhất tại các cuộc thi Eureka và Tài năng khoa học trẻ Việt Nam lần thứ nhất.
Không gục ngã trước số phận
Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn, bỗng trong phút chốc Nguyễn Hữu Cảnh trở thành người khuyết tật. Nhớ lại giây phút kinh hoàng đó, đôi lúc vẫn khiến Cảnh sởn da gà.
Ngày định mệnh ấy đến với Cảnh khi đang học lớp 4, đúng vào dịp nghỉ học kỳ I. Được xả hơi sau những tháng ngày học tập vất vả, Cảnh cùng người em họ đi chơi. Cũng lúc đó, Cảnh vô tình lượm được quả bom cũ. Thấy vui vui vì nếu đập bỏ những lớp đất phía bên ngoài quả bom, Cảnh và cậu em sẽ mang bán ve chai kiếm chút tiền mua quà vặt, nhưng chỉ vừa kịp ném quả bom xuống đường thì một tiếng nổ vang trời đã khiến cậu bé nghèo nằm bất tỉnh, còn người em họ đã không qua khỏi. Được người dân xung quanh hô hào, nhanh chóng đưa Cảnh đi bệnh viện cấp cứu nên em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng phải chấp nhận cuộc sống trong bóng đêm bởi đôi mắt không còn thị lực sau tai nạn bom mìn.
Chàng thủ khoa khiếm thị và các bạn (người thứ 2 từ phải sang)
Phải gánh chịu nỗi đau nghiệt ngã suốt cuộc đời đã khiến Cảnh thay đổi hoàn toàn. Từ một cậu bé hiếu động, ham thích học tập, bỗng chốc trở thành một cậu bé nhút nhát, mặc cảm và thụ động. Cảnh đã quyết định nghỉ học để lánh xa mọi thứ, sống khép mình trong căn phòng nhỏ, chỉ làm bạn với chiếc radio. Thế nhưng, nhà Cảnh ở đối diện cổng trường học nên mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng hò reo, cười đùa của bạn bè lại khiến em bừng cháy khao khát được tới lớp, tới trường.
Sống trong sự cô đơn và mặc cảm suốt 4 năm, nhiều lúc Cảnh tưởng chừng sẽ không còn lối thoát khỏi cuộc sống tăm tối về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bang. Thế rồi đến năm 1997, nhờ chiếc radio, Cảnh biết được thông tin Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh An Giang đang tuyển sinh, ngay lúc đó khát khao được đi học lại ùa về trong tâm hồn của cậu bé khiếm thị.
Do ngôi trường quá xa nên phải khó khăn lắm Cảnh mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho cậu được đi học. Một chặng đường mới đã được mở ra. Cảnh nhớ lắm ngày đầu tiên bước vào trường, mọi thứ đều lạ lẫm, những môn học mới như chữ nổi Braille, định hướng duy chuyển, sinh hoạt hàng ngày làm Cảnh khó bắt nhịp, may nhờ sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy cô, anh chị, bạn bè đồng cảnh, cậu học trò khiếm thị đã dần thích nghi với cuộc sống mới và tìm lại niềm vui thuở học trò.
Cảnh trở nên tự tin hơn, có thể tự sinh hoạt cá nhân và tham gia các hoạt động văn nghệ. Nhờ được học chữ Braille mà Cảnh có thể tiếp tục con đường học tập của mình, giúp em thực hiện nguyện ước lấy tri thức để gây dựng tương lai. Suốt bốn năm học tập tại trường, cậu học trò khiếm thị ấy không ngừng phấn đấu để luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc.
Thế rồi sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Cảnh lại gặp không ít khó khăn vì trường không đào tạo chương trình cấp II, III. Với sự khao khát muốn đi học, đầu năm 2001, Cảnh quyết định lên thành phố Hồ Chí Minh xin vào trường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều năm học xa nhà trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, nhưng cuối cùng Cảnh đã tốt nghiệp phổ thông trung học loại giỏi, được tuyển thẳng vào khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năm 2008.
Cảnh tâm sự: “Được trở thành sinh viên, tôi thấy mình bước ra khỏi rào cản ranh giới giữa người khuyết tật và người lành. Đôi chân tôi vững vàng hơn, nghị lực tôi mạnh mẽ hơn dẫu vẫn còn nhiều lo lắng vây quanh”.
Miệt mài sáng tạo, đam mê
Xa gia đình, người thân, chàng trai khiếm thị Nguyễn Hữu Cảnh mang theo quyết tâm chinh phục những đỉnh cao tri thức. Đi học bằng đồng lương ít ỏi của ba mẹ khiến Cảnh trăn trở và tìm cách kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống, vơi bớt nỗi lo cho gia đình.
Để hạn chế chi phí sinh hoạt, Cảnh sống trên một căn gác trọ chật hẹp, ngồi không thẳng lưng, đi lại chủ yếu bằng xe buýt, có lúc lại đi bộ và cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất. Đang trong thời điểm khó khăn, Cảnh bất ngờ nhận được tin, nếu sinh viên khuyết tật có thành tích học tập tốt sẽ được nhận học bổng hỗ trợ. Biết được điều đó, Cảnh gắng sức học tập. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, thầy cô và gia đình luôn bên cạnh động viên, khích lệ, Cảnh đã đạt kết quả học tập loại giỏi và ngay trong năm học đầu tiên, chàng trai khiếm thị đã nhận được một chiếc laptop - người bạn đồng hành đã hỗ trợ Cảnh đắc lực trong học tập. Cứ như thế, trong suốt những năm học còn lại, Cảnh đều giữ vững danh hiệu sinh viên giỏi và tốt nghiệp thủ khoa.
Suốt quãng thời gian đi học và thực hiện ước mơ của mình, Cảnh nhận thấy đời sống của những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị như Cảnh nói riêng ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển, mặc dù vẫn còn nhiều người khiếm thị đang gặp khó khăn. Bởi thế Cảnh tâm niệm, ngoài phấn đấu cho mục tiêu cá nhân thì cần phải làm một điều gì đó cho những người khiếm thị. Sau những trăn trở, Cảnh đã quyết định đưa ra ý tưởng sáng chế cây gậy có gắn đèn và âm thanh, đây cũng chính là hai kênh thông tin giúp cho người tham gia giao thông chú ý tốt nhất. Với ý tưởng này, Cảnh và một số người bạn đã thành lập nhóm nghiên cứu mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh.
Cảnh xúc động chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc khi đề tài của chúng tôi nhận được sự đánh giá rất cao của Ban giám khảo nên đã giành được giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Bên cạnh đó, sáng kiến của chúng tôi còn vinh dự được trao giải Nhất tại cuộc thi Eureka do thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và giải Nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam lần thứ nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, sau 3 năm tôi vẫn còn rất tiếc nuối vì đề tài vẫn chỉ là một mô hình và chưa được nghiên cứu đưa vào thực tiễn phục vụ người khiếm thị”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học với thành tích xuất sắc, chàng trai khiếm thị bắt đầu cuộc hành trình mới - hành trình đi tìm việc làm. Đây là công đoạn cuối cùng giúp Cảnh thực hiện ước mơ - tự nuôi sống bản thân, phụ giúp cho gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.
Cảnh tận tình hướng dẫn học sinh trong một buổi học âm nhạc
Mặc dù có đôi chút lo lắng vì là người khiếm thị sẽ khó xin được việc làm nhưng Cảnh vẫn tự tin vào năng lực của mình. Nhưng rồi nỗi lo lắng nho nhỏ của Cảnh đã trở thành sự thật bởi dù đã mất nhiều thời gian, công sức đi gõ cửa nhiều nơi, thuyết phục các cơ quan bằng kết quả học tập mà không phải sinh viên nào cũng đạt được. Mặc dù mọi người đều trầm trồ khen ngợi, thán phục nghị lực, thành quả của Cảnh nhưng sau đó, chàng trai khiếm thị chỉ nhận lại một tiếng thở dài và cái lắc đầu. Màu hồng tươi đẹp Cảnh từng dệt nên trong tâm thức vẫn chỉ là ước mơ, đôi lúc khiến chàng trai trẻ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ.
Mang tâm trang u buồn, Cảnh trở về quê sống cùng gia đình để tìm lại thăng bằng. Tĩnh tâm nhìn lại chặng đường phấn đấu đầy gian nan và những khó khăn đã vấp phải, Cảnh lấy đó là động lực để không cho phép mình từ bỏ. Cảnh lại tiếp tục cuộc hành trình tìm việc làm và may mắn đã mỉm cười với chàng trai khiếm thị, đầu năm 2013 Cảnh được nhận vào công tác tại một trường dạy trẻ khuyết tật ở tỉnh Bình Dương.
Không chỉ là một giáo viên mẫu mực, đầy trách nhiệm với công việc, Cảnh còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và có nhiều đam mê như nhiếp ảnh, chơi đàn. Cảnh còn cố gắng khổ luyện đàn ghita, organ để xin công việc đệm đàn tại các quán cà phê vào buổi tối, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và tích cóp thực hiện những ước mơ của mình.
Sau bao năm xa nhà để học tập, phấn đấu, đầu năm 2014, Cảnh đã có cơ duyên trở về quê hương Kiên Giang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Mặc dù công việc đã tương đối ổn định nhưng Cảnh vẫn luôn tự nhủ phải trau dồi kiến thức để hoàn thiện mình hơn. Bên cạnh đó, Cảnh còn tự học tiếng Anh để tìm cơ hội học Thạc sĩ, nhằm nâng cao trình độ, năng lực để có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Chàng trai khiếm thị mong rằng dự định học tập sẽ sớm thành hiện thực và luôn hy vọng đề tài gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị sớm nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của các mạnh thường quân, có thể phát triển mô hình gậy gắn đèn và âm thanh thành sản phẩm phục vụ đời sống người khiếm thị.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Đừng bao giờ đầu hàng số phận! - 22/03/2016 03:20
- Chuyến bay ước mơ đầy nước mắt của bé 10 tuổi mắc ung thư - 29/02/2016 08:33
- Câu chuyện của cậu học trò cụt tay - 29/02/2016 08:27
- Nghị lực phi thường của nữ sinh khiếm thị Hà thành - 29/02/2016 08:22
- Cuộc chiến chống số phận của chàng nhạc sĩ bị bại não - 29/02/2016 08:18