Thứ hai, 04 Tháng 4 2016 09:48

Tôi đã từng mang trong mình nỗi mặc cảm quá lớn khi bắt đầu biết cảm nhận những thiệt thòi, mất mát của một người khuyết tật. Để xua đi gánh nặng tâm lý, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tôi đã lao vào học. Bởi tôi nghĩ, chỉ có tri thức mới tiếp thêm cho tôi niềm tin, ý chí thật mạnh mẽ để khẳng định khả năng của mình.

Vượt khó trở thành Thủ khoa

Tôi vốn được sinh ra trong hình hài của một đứa trẻ khoẻ mạnh, có một cơ thể lành lặn như bao người khác. Ngày tôi chào đời khiến bố mẹ tôi vỡ oà trong hạnh phúc có được cậu con trai kháu khỉnh, niềm mong mỏi của người thân hai bên nội ngoại. Tuy gia đình không mấy khá giả nhưng tôi luôn được bố mẹ chăm sóc, nâng niu và lo lắng chu toàn. Nghe mẹ tôi kể, ngày tôi chưa đầy 1 tuổi, tuy không bụ bẫm như những đứa trẻ cùng lứa tuổi nhưng tôi lại có thể bập bẹ gọi tiếng bà, tiếng mẹ, rồi chập chững những bước đi đầu đời sớm hơn các bạn.

 

Nhưng niềm vui của những người thân yêu trong gia đình tôi sớm vụt mất khi tôi hơn 1 tuổi. Cái ngày định mệnh đó đã khiến tôi phải mang trên mình một cơ thể không lành lặn do một tai nạn bất ngờ ập đến. Tôi không thể tập đi và gặp khó khăn vì bị khuyết tật bên tay trái và chân phải. Không đành lòng nhìn tôi - đứa con trai hàng ngày hiếu động phải nằm liệt một chỗ, bố mẹ tôi đã cố gắng đưa tôi đi khám chữa bằng tất cả khả năng và nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của những người thân trong gia đình, chỉ mong tôi có cơ hội giành lại cơ thể lành lặn như ngày nào. Nhưng điều mong mỏi, sự nỗ lực ấy của các thành viên trong gia đình tôi chỉ nhận được kết quả là con số không tròn trĩnh. Theo tháng năm, tôi lớn dần lên và chỉ có thể nhấc được những bước đi khó nhọc, điều đó khiến tôi rơi vào mặc cảm, gục ngã.

Trai tim 2

Chàng trai khuyết tật hạnh phúc bên vợ và con trai

Trong lúc khó khăn ấy, bố mẹ đã trở thành nguồn động viên lớn lao giúp tôi lấy lại thăng bằng, tôi không còn đưa ra những câu hỏi khó trả lời cho bố mẹ và dần chấp nhận thực tế. Tôi bắt mình phải vươn lên với quyết tâm những gì người khác làm được, tôi cũng sẽ làm được, phải dùng khả năng và ý chí để nâng mình lên thay sức khoẻ.

 

Như bao đứa trẻ khác, năm 6 tuổi, tôi được bố mẹ cho đi học. Dù hồi đó tuổi còn nhỏ, nhưng tôi đã có những suy nghĩ già dặn hơn so với bạn bè, tôi luôn có ý thức bắt mình phải học để xua tan bớt những ưu tư, lo lắng của bố mẹ. Những năm tháng tôi theo học phổ thông cũng trôi qua thật nhanh, tôi có được thành tích hàng năm đều là học sinh giỏi. Năm 2005,vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tú tài với tấm bằng đạt loại giỏi, tôi thi đỗ vào Khoa Hán nôm, Trường Đại học Khoa học Huế với số điểm 21, trở thành thủ khoa năm ấy.

 

Thành tích tôi đạt được không chỉ giúp tôi mà còn mang tới cho gia đình tôi niềm vui, sự hãnh diện, tự hào. Nhưng cũng chính niềm vui ấy lại đi kèm với nỗi lo lắng, trăn trở của bố mẹ tôi. Bởi một người khuyết tật như tôi nếu phải đi học xa nhà, xa người thân sẽ gặp nhiều khó khăn. Đã từng không dưới chục lần, bố mẹ khuyên tôi nên chọn học nghề ở gần nhà để tiện bề chăm sóc nhưng tôi xác định những thử thách, khó khăn mà tôi phải vượt qua, bởi thế tôi vẫn quyết tâm đi học, tôi mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Không muốn thua kém bè bạn và để bố mẹ, thầy cô luôn được tự hào về tôi, tôi đã phấn đấu học tập và liên tục đạt danh hiệu sinh viên giỏi, thường xuyên được nhận học bổng. Tôi cũng là sinh viên khuyết tật của Trường Đại học Khoa học Huế được nhiều người biết đến bởi sự chịu khó, say mê tham gia các cuộc thi thể hiện tài năng sinh viên, các chương trình mùa hè xanh tình nguyện do trường tổ chức. Năm 2009, tôi tốt nghiệp Đại học loại giỏi và về quê bắt đầu chặng đường tìm việc làm.

 

Tự lập bằng hạt gạo quê hương

 

Trở về quê nhà sau nhiều năm dùi mài đèn sách, tôi mang theo nhiều dự định, ấp ủ thực hiện bằng chính kiến thức và năng lực của mình, vì thế tôi đã làm rất nhiều hồ sơ để đi tìm việc làm. Đi đến đâu, tôi cũng được mọi người khen ngợi và thán phục trước kết quả học tập, tôi gần như đã chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng, nhưng khi biết tôi là người khuyết tật thì không có nơi nào sẵn lòng đón nhận tôi. Sau nhiều lần bị từ chối, cảm giác chán nản khiến tôi muốn buông xuôi tất cả, sự thật phũ phàng đó đẩy tôi vào bế tắc vì kiến thức và năng lực chuyên môn không có cơ hội thể hiện.

 

Tôi dần nguôi nỗi buồn nhờ có người thân luôn bên cạnh, sát cánh bên tôi những lúc tôi cần lời khuyên, động viên và khích lệ. Tôi dần trấn tĩnh trước sự nghiệt ngã của cuộc sống khi biết rằng, có không ít những tấm gương điển hình trong xã hội là những con người đi lên từ số phận kém may mắn. Nhiều người đã tự vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của họ để trở thành người có ích, tự nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí còn tạo công ăn việc làm cho người khác. Tôi thiết nghĩ, mình cũng là một trong vố số những người khuyết tật đang phải nỗ lực vươn lên bằng chút sức khoẻ yếu ớt, để khẳng định năng lực của mình. Bởi thế, tôi xác định được hướng đi mới cho tương lai nên quyết định vùi sâu kiến thức và theo đuổi đam mê vẽ tranh, tạo hình từ những vật liệu gần gũi của người nông dân quê mình. Rồi tôi phát hiện về khả năng lên màu của hạt gạo sau khi được rang và từ đó tôi bắt đầu sáng tác tranh gạo.

Trai tim 1

Tuân say mê sáng tác bức tranh gạo về Bác Hồ kính yêu

Những ngày đầu bắt tay làm, mọi thứ còn chưa được như ý muốn nhưng tôi vẫn miệt mài tìm cách khắc phục. Sau một thời gian kiên trì thử làm nhiều cách đã giúp tôi yên tâm hơn về sản phẩm tranh gạo của mình và quyết định mở cửa hàng. Tôi mừng lắm vì cửa hàng tranh gạo của tôi đã có nhiều người biết đến bởi sự độc đáo, giá cả phải chăng và hơn nữa nó là sản phẩm của nghị lực, sáng tạo của một thanh niên khuyết tật.

 

Với sự lạ mắt của những bức tranh gạo và ý chí vươn lên số phận, cửa hàng của tôi đã thu hút nhiều khách hàng, mang lại cho tôi nguồn thu nhập trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, giúp tôi phần nào vơi bớt khó khăn. Không chỉ bán sản phẩm tại cửa hàng, tôi còn bán hàng online trên mạng Internet để mở rộng, tạo ra lượng khách hàng ổn định, đông đảo ở khắp mọi nơi.

 

Cuộc sống đã không lấy đi hết của tôi mọi thứ, cũng như bao người khác, tôi đã có một mái ấm hạnh phúc bên người vợ hiền hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương và cậu con trai 2 tuổi. Giờ đây, khi công việc, cuộc sống gia đình đã ổn định, tôi lại có những dự định mới cho mình và ước mơ mở rộng cửa hàng, cũng như quảng bá về những bức tranh nghệ thuật được làm từ hạt gạo quê hương. Bên cạnh đó, tôi còn nuôi hy vọng có thể tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho những người đồng cảnh, giúp họ tự lập cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Với tất những cố gắng của mình, tôi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen vì có thành tích vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất và một vinh dự lớn lao đến với tôi là được lựa chọn làm đại biểu dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi