Không một ngày được đến trường do những khiếm khuyết trên cơ thể quá nặng, nhưng với quyết tâm và niềm say mê, Nguyễn Chí Trung (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã tự học chữ, học nghề thành công. Để rồi chính những kiến thức tự học đó đã giúp em thực hiện đam mê nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, từng bước thực hiện ước mơ trở thành một diễn giả truyền cảm hứng và niềm say mê, yêu thích lịch sử, địa lý đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Từ khi sinh ra, Nguyễn Chí Trung đã bị bại não, chân tay bị co rút, hệ thống dây thần kinh cổ bị mất tự chủ. Lúc nhỏ thể trạng của Trung rất yếu nên không có khả năng đi học. Năm lên 6 tuổi bố mẹ bắt đầu hướng dẫn cho Trung học chữ tại nhà, nhưng do phần cổ không tự chủ hay lắc lư nên việc đọc và nhận diện mặt chữ vô cùng khó khăn. Với người bình thường có thể chỉ mất một vài giờ, thậm chí là vài phút để nhớ một chữ cái, một vần điệu, một phép tính, nhưng với Trung phải quan sát nhiều lần, nhẩm đọc nhiều lần, có khi mất cả buổi để có thể khắc ghi sâu hơn những gì bố mẹ dạy vào trí não. Nhờ sự quyết tâm cố gắng của bản thân, cộng với sự giúp đỡ động viên tận tình của bố mẹ nên cuối cùng Trung đã có thể đọc lưu loát sách vở và các loại tài liệu. Đến năm 9 tuổi cậu đã gần như học hết chương trình Tiểu học.
Nguyễn Chí Trung
Biết đọc là một bước ngoặt lớn trên chặng đường nỗ lực vượt lên số phận của Nguyễn Chí Trung. Từ đây, cánh cửa vào kho tàng tri thức của nhân loại như mở rộng với cậu bé. Thời điểm những năm 90, tại một vùng quê còn nghèo và chưa thực sự phát triển mạnh như Phú Thọ, những tài liệu sách báo để tiếp cận với tri thức thế giới thật sự là rất hiếm hoi, đặc biệt với một người khuyết tật nặng như Trung. Nhưng với niềm say mê của mình, em vẫn cố gắng nhờ bố mẹ, anh chị em và bạn bè tìm mượn những tài liệu về Lịch sử văn minh của nhân loại. Trung đặc biệt yêu thích tìm hiểu về Lịch sử châu Âu, châu á, các triết lý, quan điểm Nho học của Khổng tử, Mạnh tử, cùng với đó, cậu cũng khao khát khám phá những điều mới mẻ về địa lý, ngôn ngữ học phương Tây... Mỗi cuốn sách như mở ra một thế giới mới, chân trời mới để Trung tha hồ phiêu lưu, khám phá, càng đọc, cậu bé càng bị cuốn vào nó một cách say mê.
Khi Trung được 15 tuổi cũng là lúc công nghệ thông tin và internet bước vào giai đoạn bùng nổ tại Việt Nam. Được sự quan tâm của gia đình và bạn bè, Trung được tiếp cận với máy tính và có cơ hội được tìm hiểu về những nguyên lý hoạt động của phần cứng và làm chủ được về phần mềm của máy tính. Có mạng Internet, điều khiến Trung thích thú hơn cả là có được một kho tàng kiến thức rộng lớn để Trung tha hồ tìm hiểu, nghiên cứu. Sau một thời gian, không chỉ kiến thức lịch sử, văn hóa được trau dồi, khả năng sử dụng máy tính của Trung cũng được nâng cao và vào làm việc tại một Công ty chuyên về máy tính của anh Nguyễn Quốc Toàn - một người đồng cảnh. Với sự động viên của người anh, người bạn lớn này cùng các đồng nghiệp trong Công ty, Trung được trang bị thêm những kiến thức về công nghệ thông tin càng giúp chàng trai trẻ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về những lĩnh vực yêu thích.
“Để phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tôi trau dồi thêm một số ngoại ngữ cơ bản như tiếng Anh, Pháp, Nhật, nghiên cứu về văn tự Hán Nôm. Hiện tại tôi đang làm đồng phụ trách tư vấn và chăm sóc khách hàng tại công ty tin học và đồng thời tôi cũng là quản trị của 2 hội nhóm những người yêu văn hóa Nhật Bản gồm có 1.081 thành viên và Hội Nhà kinh doanh trẻ Phú Thọ gồm 332 thành viên” - Trung chia sẻ.
Không dừng lại ở việc tìm hiểu, nghiên cứu tích lũy kiến thức, thời gian gần đây, Nguyễn Chí Trung còn thử sức với một số bài nghiên cứu gửi đến các trang khảo cứu có uy tín. Cậu đặt ra cho mình mục tiêu trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử có chiều sâu và không ngừng luyện tập để có thể trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng và niềm say mê, yêu thích lịch sử, địa lý đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Trung chia sẻ: “Có rất nhiều vấn đề về lịch sử mà tôi cảm thấy bản thân mình cũng như thế hệ hôm nay, mai sau cần phải hiểu rõ và nắm chắc. Vì vậy, tôi rất muốn có nhiều người như tôi, yêu thích lịch sử dân tộc, yêu thích tìm hiểu, khám phá những vùng đất mới để thêm yêu đất nước mình, thêm tự hào về dân tộc mình và từ đó biết trân trọng, giữ gìn những “tài sản” mà ông cha ta đã dày công gây dựng và bảo vệ”.
Nói về bản thân mình, Trung tự nhận mình vẫn còn nhiều khó khăn và sự hiểu biết, trải nghiệm trong cuộc sống còn nhiều hạn chế, vì vậy, chàng trai trẻ luôn tự nhủ mình cần phải cố gắng học tập rèn luyện hơn nữa. Trung rất mong được gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những người đồng cảnh trong dịp về Hà Nội dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V cũng như có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với những người có chuyên môn trong lĩnh vực lịch sự và địa lý Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Yêu bởi cái lý con tim - 06/05/2016 05:08
- Ông lão khuyết tật hơn 50 năm khâu giầy - 28/04/2016 06:25
- Nghị lực phi thường để thành thần đồng piano của thiếu niên không có ngón tay - 27/04/2016 09:54
- Nhạc sĩ khuyết tật gửi ‘Nụ cười hạnh phúc’ tới Vũ Duy Khánh - 27/04/2016 09:51
- Từ ý chí đến thành công - 27/04/2016 09:37