Thứ hai, 04 Tháng 5 2015 14:53

Trong mỗi chương trình “Một trái tim - Một thế giới”, điều khán giả mong chờ nhất là được giao lưu cùng các tấm gương điển hình người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ. Ba nhân vật giao lưu trong chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ XII dù ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng câu chuyện mà họ chia sẻ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem, từ đó tiếp thêm niềm tin cho nhiều người khác tiếp tục phấn đấu, vươn lên, đặc biệt là những người kém may mắn, người khuyết tật, trẻ mồ côi. Giản dị và lặng lẽ, cách mà những nhân vật ấy đã sống, cống hiến và chia sẻ với cuộc đời giống như một tứ thơ “Nguyện làm chấm đỏ bên đời” - họ thực sự đã và đang là những chấm đỏ tô điểm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và nhiều ý nghĩa…

Nhung cham do ben doi

Các nhân vật giao lưu tại Chương trình (ngồi giữa)

Phụ nữ khuyết tật là đại biểu Quốc hội

Sau 11 năm tổ chức, năm nay là lần đầu tiên trên sân khấu của Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” xuất hiện một đại biểu Quốc hội là phụ nữ khuyết tật người dân tộc thiểu số. Đó là chị Thạch Thị Dân (người dân tộc Khơme ở Trà Vinh), đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Tai nạn lúc 1 tuổi đã khiến chị Dân mang tật vĩnh viễn bên chân trái, đi lại khó khăn.

Năm lên 8 tuổi, mẹ chị bệnh nặng qua đời, để một mình bố gà trống nuôi đàn con thơ dại. Dù vừa khuyết tật, vừa mồ côi, nhà nghèo, nhưng với bản tính ham học, cộng thêm ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, biến điểm yếu thành điểm mạnh, chị Thạch Thị Dân vẫn luôn là học sinh giỏi qua các bậc học và tốt nghiệp khoa Hóa Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ. Chị học tiếp Thạc sĩ ngành Hóa tại Hà Nội, sau đó về giảng dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Trà Vinh. Hiện nay, chị là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh.

Ngoài công tác quản lý, chị vẫn tham gia giảng dạy môn Hóa. Những bài giảng của chị luôn có sự cuốn hút rất đặc biệt đối với các sinh viên. Năm nào chị cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Với chị, tình cảm quý mến của học trò, sự tín nhiệm của đồng nghiệp chính là niềm vui là nguồn động lực tiếp sức cho chị cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục Với năng lực được khẳng định qua cả một quá trình dài nỗ lực, năm 2007, chị Dân trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII và hiện đang là Đại biểu khóa XIII.

Tại nghị trường, chị luôn bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách, đóng góp tiếng nói của người khuyết tật vào xây dựng pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, chị Dân cho biết, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu, không ngừng học hỏi của bản thân, chị đã rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, các thầy cô và cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự quan tâm, nhìn nhận và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, chị có cơ hội để học tập, phấn đấu và có được vị trí trong xã hội và một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay.

 

Khiếm thị vẫn dạy nhạc cho người sáng mắt

Người ta thường bảo đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi con người, mất đi ánh sáng của đôi mắt cũng đồng nghĩa với việc thế giới sắc màu, lãng mạn không còn. Nhưng với Vũ Công Hào (quê Hải Dương, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh) lại hoàn toàn khác.

Từ khi sinh ra, Hào đã không còn ánh sáng của đôi mắt, năm Hào 11 tuổi thì mẹ mất khi đang mang thai người em thứ hai của Hào. Sau đó không lâu, Hào được Hội Người mù tỉnh Hải Dương gửi vào Mái ấm Thiên Ân (thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, Hào được các thầy cô trong Mái ấm cưu mang, chăm sóc, được học chữ nổi của người mù, học văn hóa. Vốn đam mê âm nhạc từ nhỏ, được Mái ấm tạo điều kiện, nên song song với học văn hóa, Hào còn học thêm các nhạc cụ dân tộc và đặc biệt yêu thích đài Oóc gan, piano.

Trong suốt quá trình ấy, em đều học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt trong môi trường hòa nhập. Tốt nghiệp Phổ thông, Hào thi đậu vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ba năm học Cao đẳng, ngoài sự hỗ trợ của Mái ấm Thiên Ân và Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh, Hào cũng tự mình xoay sở với cuộc sống tự lập. Em thuê phòng trọ ở một mình, tự lo ăn ở, đi lại.

Để có tiền trang trải, Hào đi dạy âm nhạc, đệm đàn cho các trung tâm, phòng trà, quán cà phê vào buổi tối, tham gia hòa âm, phối khí một số tác phẩm âm nhạc... Theo Vũ Công Hào, việc học âm nhạc của người khiếm thị hiện nay còn nhiều khó khăn, thiếu tài liệu, phức tạp trong khâu chuyển thể từ nốt nhạc sang chữ nổi... Vì vậy, để có thể thực hiện được ước mơ, Hào không ngừng nỗ lực, nâng cao kiến thức âm nhạc của mình.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Hào tiếp tục học liên thông lên đại học và hiện đang là sinh viên khoa Phương pháp giảng dạy âm nhạc, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này, Hào cũng được thầy Nguyễn Quốc Phong – người sáng lập mái ấm Thiên Ân mời về dạy nhạc cho các học viên của mái ấm. Ngoài ra, Hào còn dạy nhạc cho người sáng mắt, các bạn chuẩn bị ôn thi Cao đẳng, Đại học môn âm nhạc... Quan điểm của chàng sinh viên – người thầy khiếm thị Vũ Công Hào là “Trong cuộc sống, công việc, học tập đối với ai cũng sẽ có những khó khăn, điều quan trọng là phải có niềm đam mê công việc của mình, kiên trì vượt lên, rồi khó khăn nào cũng sẽ được giải quyết”.

Những “hạt gạo ấm lòng”

Là một người dân bình thường, chị Đào Thị Xuân (Đồng Xoài, Bình Phước) sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Nhưng với sự đồng cảm sâu sắc những mảnh đời bất hạnh, từ hơn 10 năm nay, chị đã đứng lên xây dựng nhóm thiện nguyện “Hạt gạo ấm lòng” quy tụ hơn 50 người cùng đóng góp, trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, tâm thần, trẻ mồ côi... Cái duyên đến với hoạt động thiện nguyện của chị Đào Thị Xuân cũng rộng mở như tấm lòng của chị.

Tháng 1/2005, trong một lần ra chợ, tình cờ chị bắt gặp một người phụ nữ bị tâm thần sống lang thang, toàn thân lở loét, đầy dòi. Quá xót xa cho thân phận một con người, về nhà chị trăn trở mãi và quyết định phải tìm cách giúp đỡ. Chị vận động một số bạn bè cùng nhau tắm, rửa, gắp từng con bọ trong người, thay quần áo và đưa người phụ nữ ấy vào viện, sau đó liên hệ với các cơ quan, tổ chức để đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Cũng từ đó, chị gặp và “nên duyên” với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (nay là Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước). Tính từ năm 2005 đến nay, chị Xuân đã tiếp nhận, chăm sóc, chữa bệnh và làm thủ tục đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 12 người, đưa đi chữa bệnh ở Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai 6 người, đưa vào Mái ấm Thiên Ân và Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh) nuôi dưỡng 9 người nhiễm HIV.

Từ năm 2006, chị thành lập nhóm từ thiện “Hạt gạo tấm lòng”. Ban đầu chỉ có một mình, chị vận động các bạn đăng ký tham gia. Đến nay, nhóm có hơn 50 người cùng đóng góp, trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 17 người đóng góp thường xuyên (hội viên cứng). “Hàng tháng, nhóm cấp gạo cho 50 hộ gia đình người khuyết tật, các cháu mồ côi và những cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân từ 10 – 15 kg/hộ, cố định vào ngày 30 mỗi tháng.

Tháng nào vận động được thêm nguồn bên ngoài thì số lượng gạo cũng tăng lên. Như tháng 12/2014 nhóm vận động và cấp cho các đối tượng 770 kg. Hiện nay, nhóm thiện nguyện “Hạt gạo ấm lòng” đã trở thành một trong các chi Hội của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước.

Ngoài ra, chị Xuân cũng góp phần kết nối với các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh trao tặng học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật, xây tặng nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật, mồ côi, bệnh nhân nghèo, luôn đồng hành cùng các chương trình nhân đạo từ thiện của Hội như: Chương trình “Chia sẻ nỗi đau”, Chương trình “Khát vọng sống”.

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi