Bị khuyết tật do sốt bại liệt từ nhỏ, bà Vũ Thị Kim Hòa (Đà Lạt) chọn nghề đan len để tự nuôi sống bản thân và hiện làm chủ doanh nghiệp với 35 nhân viên và hàng trăm đầu mối gia công.
Bà Vũ Thị Kim Hòa sinh ra tại Nha Trang, lên 3 tuổi bị sốt bại liệt nên việc đến trường cũng bị chậm mấy năm so với bạn cùng trang lứa.
Lên 5 tuổi, cả gia đình chuyển lên Đà Lạt sinh sống. Học xong lớp 12, bà Hòa xác định cánh cửa đại học không phải là con đường rộng mở và thuận lợi cho những người như mình nên chuyển qua học nghề. Cuối thập niên 80, nghề đan len ở Đà Lạt rất thịnh hành, thu hút khoảng 40% lao động nữ địa phương. Chỉ sau 3 tháng học nghề, bà đã làm thành thạo các mẫu sản phẩm.
Khi đó, vì không có tiền mua len nên mẹ bà phải bỏ vốn giúp ban đầu. Sản phẩm làm ra được đi bỏ mối, ký gửi tại những quầy hàng trong các khu du lịch. Bà nhớ, đợt hàng đầu tiên thu về được 200.000 đồng, tương đương tiền len để đan được vài chục chiếc áo, đã giúp bà có những đồng vốn đầu tiên để tự xoay vòng mua nguyên phụ liệu. Cảm giác của bà lúc đó rất hạnh phúc vì có thể tự làm việc và nuôi sống bản thân.
Ngồi trên xe lăn nhưng bà Hòa vẫn điều hành doanh nghiệp hoạt động ổn định với 35 công nhân chính quy cùng khoảng 700 lao dộng thời vụ. |
Cứ thế, nghề đan len tiến triển khá suôn sẻ, tuy thu nhập chỉ ở mức đủ sống nhưng đó là mơ ước của rất nhiều người khuyết tật. Một thời gian sau, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng theo mẫu mã được đặt, bà Hòa gọi thêm 5 người cùng cảnh ngộ làm chung, tiền công tính theo sản phẩm, ai làm nhanh, bỏ nhiều thời gian cho công việc thì thu nhập khá hơn. Cố gắng làm hết sức mình, một phần cũng vì bị khuyết tật, ít giao du bạn bè nên bà Hòa không dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. Mãi đến năm 36 tuổi, bà mới lên xe hoa với một tài xế của công ty du lịch. Ba năm sau, hai vợ chồng có một bé gái nay đã 14 tuổi.
Năm 2007, thấy mấy chị em cặm cụi làm việc chỉ bằng 2 que đan, thiếu nhiều phương tiện máy móc, các nhà sư ở Thiện viện Vạn Hành Đà Lạt đã vận động và tặng 2 máy đứng dùng để kéo gấu áo, 2 máy dệt kim cùng một chiếc máy trợ thính cho một thành viên bị khiếm thính. Có thêm máy móc, số lượng sản phẩm của nhóm làm ra tăng nhanh. Sau khi tính toán, bà Hòa đứng ra quy tụ thêm một số người khyết tật nữa để thành lập Hợp tác xã đan len Phước Hòa trong căn nhà gỗ rộng 20m2, sản phẩm làm ra cũng vẫn là mang đi bỏ mối cho các quầy hàng và một số được đưa đi các tỉnh. Tuy nhiên giai đoạn này, sức tiêu thụ hàng len không mạnh, mẫu mã lại bị bắt chước, nên hàng làm ra chất đống khó tiêu thụ. Khó khăn nữa là nhiều khách hàng ngại mua sản phẩm của người khuyết tật vì sợ sản phẩm không sắc sảo, hoàn hảo, nên cuộc sống của các chị em gặp khó khăn, một số người bỏ cuộc.
Năm 2010 may mắn bất ngờ đến khi hợp tác xã có được đơn đặt hàng từ thị trường Campuchia trị giá 200 triệu đồng. Từ đơn đặt hàng này, công việc của bà Hòa cùng mọi người phất lên khá nhanh và còn nhận thêm được nhiều đơn hàng mới. Để để lấy pháp nhân làm việc với các đối tác, bà quyết định thành lập công ty mang tên Trúc Quỳnh, nhưng trên thực tế vẫn hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Hiện tại hàng len của công ty được xuất đi thị trường các nước Đông Âu, Thái Lan, Nhật…
"Mẫu mã và chủng loại sản phẩm đã đa dạng, đơn cử như thị trường Nhật chuộng đặt những tấm màn cửa, móc chìa khóa, khăn lót dưới bình hoa, đế kê nồi cơm… Mỗi năm, ngoài thị trường trong nước là các siêu thị và chợ thì công ty còn xuất khẩu từ 4 đến 5 container hàng len", bà Hòa cho biết.
Để có nguồn hàng lớn, đòi hỏi đúng thời gian, bà Hòa đã tìm đến những tổ hợp tác, hợp tác xã đan len của người khuyết tật và cả không khuyết tật để đặt hàng gia công theo mẫu. Những hợp tác xã đan len của người khuyết tật tại các huyện như Đức Trọng, Lâm Hà, Đà Lạt, Bảo Lộc đều gia công cho công ty của bà và thêm vài cơ sở nữa ở tỉnh Ninh Thuận.
Bà Hòa cho biết, công ty Trúc Quỳnh còn đặt hàng cho các cá nhân đơn lẻ và thu hút một số lao động nữ bị khuyết tật từ các tỉnh thành khác lên Đà Lạt học nghề đan len, sau đó gia công sản phẩm cho công ty. Ngoài việc tự thiết kế mẫu sản phẩm mới, bà còn phát động những cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm mới cho chị em công nhân, mẫu nào được chọn sản xuất thì tác giả mẫu hàng đó được hưởng phần trăm trên sản phẩm làm ra. Theo bà Hòa, số người đang gia công hàng cho Công ty Trúc Quỳnh hiện lên tới 700 người. Thu nhập từ nghề đan len khá ổn, thợ mới vào nghề cũng có thể làm được trên 2 triệu đồng mỗi tháng, khá tốt cho một người khuyết tật, còn người làm giỏi thu nhập trung bình cũng 5-7 triệu.
Nữ giám đốc tật nguyền này cho biết bà trực tiếp điều hành công ty từ tất cả các khâu như văn phòng, thị trường và giao dịch… với 35 nhân viên chính quy, mà rất ít khi đi ra ngoài do vận động khó khăn.
Nguồn: Vnexpress
Tin mới
- Văn chương mở lối cuộc đời - 03/06/2015 04:56
- Cô thủ thư khuyết tật trở thành biên kịch phim nổi tiếng - 22/05/2015 07:21
- Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ tại Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 12 năm 2015 - 21/05/2015 08:18
- 9 năm học giỏi trên lưng bạn - 15/05/2015 07:09
- Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật mê văn chương - 15/05/2015 07:03